Thị trường vào mùa Trung thu:

Bánh làng nghề lép vế

ANTĐ - Đến xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi mới biết nơi đây là một trong những xã chuyên sản xuất bánh, mứt, kẹo gần 100 năm. Tại đây, nghề truyền thống đang mai một vì không bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của thị hiếu người tiêu dùng…

Bánh truyền thống khó trụ

Đóng gói bánh, mứt, kẹp tại làng nghề Xuân Đỉnh, Từ Liêm

Ông Đỗ Mạnh Thế, chủ cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Đỗ Thế Gia chia sẻ: “Gia đình tôi đã 5 đời làm nghề bánh mứt kẹo. Trước đây, cơ sở của gia đình sản xuất quanh năm nhưng gần chục năm nay chỉ sản xuất 1 năm 2 vụ là dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Do nhu cầu thưởng thức bánh kẹo cổ truyền của người dân không nhiều, cùng với sự du nhập của bánh kẹo nước ngoài là nguyên nhân khiến nhiều cơ sở sản xuất không còn thiết tha với nghề. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng kiểm tra khá gắt gao khâu VSATTP nên chỉ những cơ sở đáp ứng đủ điều kiện sản xuất mới có thể tồn tại và sống được với nghề, còn hầu hết các cơ sở kinh doanh nhỏ không thể trụ vững được. Trong khi đó, muốn phát triển thương hiệu, các cơ sở phải sản xuất với số lượng lớn và có nguồn cung dồi dào mới có thể đầu tư vào mẫu mã, bao bì, tem đóng gói… Hơn nữa, người dân trong xã làm nghề bánh kẹo chỉ mang tính chất thời vụ, nên không thể giúp người dân ổn định cuộc sống trong cả năm. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang nghề khác”.

Ông Thế cho rằng: “Nếu để so sánh về chất lượng bánh Trung thu của xã Xuân Đỉnh không hề thua kém bất cứ thương hiệu nổi tiếng nào trên thị trường. Nhưng do phần lớn người tiêu dùng vẫn quen với các thương hiệu lớn nên nhiều khi sản phẩm bánh Trung thu sản xuất ở Xuân Đỉnh khó thu hút khách hàng…”. 

Nhiều hộ gia đình không trụ được với nghề đã bán đất, cho thuê nhà, thuê đất hoặc chuyển hướng kinh doanh thương mại, dịch vụ. Trong xã cũng có nhiều người muốn khôi phục nghề nhưng nếu như đầu tư vào dây chuyền sản xuất, lò than, ống khói... để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn chất lượng cho bánh mứt kẹo cũng tốn đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, quỹ đất còn lại của các gia đình ngày càng thu hẹp và cũng chẳng còn là bao để xây dựng xưởng sản xuất với dây chuyền hiện đại.

Đến thời điểm này, đa số các nhà làm bánh Trung thu ở Xuân Đỉnh mới chỉ rục rịch vệ sinh nhà xưởng. Anh Nguyễn Văn Tín, một nghệ nhân làm bánh cho biết: “Nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Xuân Đỉnh im ắng bởi những năm gần đây, nhiều cơ sở không đủ tiêu chuẩn VSATTP, do chật chội, trang thiết bị không được đầu tư nên cứ ngày một teo tóp dần. Nhiều đại lý bánh kẹo rất cân nhắc khi nhập bánh Trung thu của Xuân Đỉnh đã khiến bánh Trung thu Xuân Đỉnh gặp khó khăn rất lớn về đầu ra”.

Thương hiệu lớn chiếm hết thị phần

Đã nhiều ngày qua các “đại gia” sản xuất bánh Trung thu như: Kinh Đô, Đồng Khánh, Hữu Nghị... đã tung ra những chiến dịch, mở kênh bán hàng rầm rộ. Ngoài việc đưa những nguyên liệu mới vào bánh, các nhà sản xuất còn chú trọng đến kiểu dáng, mẫu mã sao cho đẹp mắt. Nhiều hãng sử dụng loại hộp gỗ, in hoa văn rất nổi bật…

Ông Nguyễn Hữu Khiêm, Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh cho biết: “Mặc dù xã Xuân Đỉnh có nghề làm bánh mứt kẹo truyền thống từ 100 năm nay nhưng chưa bao giờ được công nhận là làng nghề và khó trở thành làng nghề vì trước đây cả làng có khoảng 200 hộ gia đình sản xuất bánh kẹo thì nay chỉ còn gần 30 hộ còn trụ lại được với nghề.

Với số hộ kinh doanh, sản xuất bánh kẹo ngày một giảm đủ để thấy người dân không mấy mặn mà với nghề truyền thống. Có cơ sở chỉ sử dụng từ 4 đến 5 lao động và chủ yếu sản xuất hàng cung cấp cho một vài công ty bánh kẹo tư nhân. Những cơ sở còn trụ lại được phần lớn là được đầu tư trang thiết bị máy móc đảm bảo vệ sinh môi trường. Thường ngày, do sản lượng ít nên hầu hết các cơ sở vẫn phải tập trung làm thời vụ, 1 năm 2 vụ đó là ngày Tết Trung thu và Tết cổ truyền. Lý do những cơ sở làm nghề bánh kẹo truyền thống trong xã không phát triển mạnh, một phần do yếu tố phát triển thương hiệu, mẫu mã chưa được làm tốt và chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi chất lượng bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh không thua kém những thương hiệu có tên tuổi, thậm chí bánh mứt kẹo của Xuân Đỉnh còn cung cấp cho nhiều hãng bánh kẹo đã có thương hiệu thì nhiều cơ sở lại không sống được với nghề.

Mặc dù chính quyền xã luôn tạo thuận lợi về cơ chế, thủ tục cho các hộ gia đình quyết tâm giữ nghề sản xuất bánh kẹo của cha ông nhưng hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Xã cũng đã có văn bản gửi lên các cơ quan cấp trên xin cấp một quỹ đất cho Xuân Đỉnh để tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nhưng xem ra cũng rất khó, bởi lẽ đây là vấn đề mà hầu hết làng nghề nào cũng gặp phải trong quá trình đô thị hoá. Các doanh nghiệp có lẽ cũng cần phải tự tìm lối thoát cho chính mình. Tuy nhiên, mỗi cơ sở nếu muốn sản xuất theo hướng “một chiều”, đảm bảo vệ sinh và phát triển nghề thì cũng cần ít nhất khoảng 1.000 m2/hộ. Liệu rằng xã Xuân Đỉnh có thể xin cấp được bao nhiêu đất để chia cho các hộ sản xuất tâm huyết này?

Tin cùng chuyên mục