Bangladesh có thể mua 32 tiêm kích JF-17 Thunder để hiện đại hóa không quân
Việt Hùng
ANTD.VN - Ngày 16/1, Bangladesh đã chính thức bày tỏ sự quan tâm đến tiêm kích JF-17 Thunder, một máy bay chiến đấu do Pakistan và Trung Quốc cùng phát triển, dự kiến họ sẽ đặt mua tới 32 chiếc để tăng cường sức mạnh không quân.
Hôm 15/1, Trung tướng SM Qamarul Hassan, Tham mưu trưởng không quân Bangladesh đã gặp Tổng tư lệnh không quân Pakistan (PAF) Zaheer Ahmad Babar Sidhu tại Islamabad để thảo luận về khả năng mua JF-17.
Không quân Bangladesh (BAF) hiện đang vận hành một phi đội máy bay chiến đấu F-7 do Trung Quốc sản xuất và MiG-29 của Nga đang lão hóa, vì vậy họ cần tăng cường sức mạnh bằng chiến đấu cơ mới.
Chương trình mua sắm dài hạn Bangladesh bao gồm các kế hoạch đưa vào sử dụng 20–32 máy bay chiến đấu thế hệ 4+, nhằm mục đích nâng cao năng lực của không quân vào năm 2030.
Mối quan tâm của Bangladesh đối với JF-17 cũng trùng hợp với sự thay đổi trong các liên kết địa chính trị của nước này sau quá trình chuyển giao chính phủ vào năm 2024.
Dưới chính quyền mới do Mohammad Yunus lãnh đạo, Bangladesh đã tìm cách đa dạng hóa các quan hệ đối tác quốc phòng, tránh xa sự phụ thuộc trước đây vào Ấn Độ và khám phá mối quan hệ chặt chẽ hơn với Pakistan và Trung Quốc.
F-17 đang được cân nhắc vì giá cả phải chăng, khả năng đa nhiệm và khả năng tương thích với cơ sở hạ tầng hậu cần hiện có của Bangladesh.
Với giá từ 15–25 triệu đô la Mỹ một chiếc, máy bay này cung cấp các tính năng như radar mảng quét điện tử chủ động (AESA), hỗ trợ tên lửa ngoài tầm nhìn và đạn dược dẫn đường chính xác.
Động cơ RD-93 của JF-17, cũng được sử dụng trong MiG-29, giúp đơn giản hóa việc bảo trì, trong khi tiềm năng nâng cấp của nó phù hợp với các mục tiêu hiện đại hóa và hạn chế về ngân sách của Bangladesh.
Trước đó, Bangladesh đã bày tỏ sự quan tâm đến máy bay chiến đấu J-10C của Trung Quốc. Tuy nhiên, những lo ngại về thách thức bảo trì, tính khả dụng của phụ tùng thay thế cũng như giá thành cao đã khiến họ ngừng lại.
JF-17, có chung nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được sản xuất chung với Pakistan, được coi là lựa chọn khả thi hơn do yêu cầu hỗ trợ hậu cần và hoạt động đơn giản hơn.
Joint Fighter-17 (JF-17) Thunder cũng còn được gọi với tên Fighter China-1 (FC-1) Kiêu Long, đây là một máy bay tiêm kích đa năng một chỗ ngồi, được phát triển bởi Trung Quốc và Pakistan trên nền tảng của tiêm kích J-7 (MiG-21 của Liên Xô).
Máy bay có chuyến bay đầu tiên vào tháng 8-2003, được giới thiệu ra mắt vào tháng 3-2017.
JF-17 sử dụng động cơ RD-93 do Nga sản xuất, Trung Quốc cũng nghiên cứu và sản xuất động cơ WS-13, tuy nhiên nó bị đánh giá là thiếu tính ổn định.
Về hệ thống vũ khí thì JF-17 được trang bị 7 giá treo vũ khí có thể mang theo tối đa 3,4 tấn vũ khí bao gồm các loại tên lửa không đối không và đối hạm.
Các loại tên lửa được trang bị bao gồm PL-5, PL-9C, PL-12 và AIM-9, tên lửa chống hạm C-802A do Trung Quốc chế tạo và một số loại bom các loại.
Bên cạnh đó nó còn được trang bị một pháo tự động nòng đôi GSh-23-2 23mm hoặc một pháo nòng đôi GSh-30-2 30mm.
JF-17 được trang bị radar có thể theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc và tiêu diệt đồng thời 2 mục tiêu.
Tầm phát hiện mục tiêu phía trước máy bay là trên 75 km và phía sau là 35 km, phát hiện mục tiêu trên biển cách 135 km.
Pakistan dự tính sẽ mua 110 chiếc máy bay này, trong đó phía Trung Quốc sẽ bàn giao 50 chiếc, còn lại chúng sẽ được sản xuất trong nước và chúng sẽ tiến hành được nâng cấp lên chuẩn Block II.
Sau đó chúng sẽ được sản xuất tại Pakistan để bán ra thị trường vũ khí toàn cầu.