Kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XIV:

Băn khoăn tính khả thi của 5 quy hoạch

ANTĐ - Hôm qua, 3-4, kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa XIV đã khai mạc. Thảo luận về 5 quy hoạch ngành (thương mại, công nghiệp, y tế, giáo dục, nông nghiệp) được UBND TP trình trong sáng qua, nhiều ĐB HĐND TP Hà Nội tỏ ra băn khoăn về tính khả thi bởi quy mô triển khai quá hoành tráng.

Kinh phí khổng lồ

Quá nhiều khu chung cư mọc lên trong khi trường học và bệnh viện thì quá ít

Cộng hết số kinh phí đầu tư dự kiến cho 5 quy hoạch ngành, ước tính lên tới 700 - 800 nghìn tỷ đồng. ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP băn khoăn: “Con số này quá lớn. Đấy là chưa kể tới Hà Nội còn phải thực hiện rất nhiều quy hoạch ngành khác nữa. Tính khả thi của các quy hoạch này thế nào? Chúng ta sẽ lấy nguồn lực từ đâu để thực hiện chúng?”. ĐB Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội góp ý: “Quy hoạch phải làm rất kỹ chứ trừu tượng quá sau này không thực hiện được. Nêu ra những con số quá lớn và không chỉ rõ đường đi thì con cháu có làm nổi không?”.

Cũng băn khoăn về tính khả thi, ĐB Bùi Đức Hiếu (Từ Liêm) hỏi: “Quy hoạch nói 5 năm nữa, Hà Nội phải xây dựng 10 bệnh viện (BV). Tôi không hiểu có làm nổi không vì thực tế là 5 năm gần đây chưa xây được BV nào dù thành phố rất quan tâm. Tương tự, quy hoạch nói 10 năm tới, Hà Nội cần xây dựng 635 trường học. Nguồn lực ở đâu ra để làm được từng ấy trường? Phải tính toán như thế nào chứ HĐND TP ra nghị quyết phê duyệt quy hoạch rồi cứ để đó thì không nên...”.

ĐB Nguyễn Hoài Nam còn cho rằng, khâu tổ chức, quản lý thực hiện quy hoạch được đề cập rất mờ nhạt trong khi đây đang là khâu yếu của Hà Nội. Ông dẫn chứng: “Năm 2003, Hà Nội đã có quy hoạch giao thông tĩnh, HĐND TP khi đó cũng có hẳn nghị quyết về quy hoạch này nhưng 10 năm sau nhìn lại thì quy hoạch hoàn toàn bị phá vỡ. Thay vì điểm đỗ xe, người ta lại làm các dự án ngoài quy hoạch như nhà ở, văn phòng cho thuê... Chúng ta đang phải trả giá cho việc này. Thế nên, nếu không chặt chẽ trong khâu triển khai, tiền của hôm nay đổ ra làm quy hoạch sẽ phí hoài...”. Dẫn ra tình trạng thiếu hạ tầng xã hội ở các khu đô thị, các ĐB HĐND TP cho rằng, quy hoạch đã chỉ rõ phải có trường học, bãi đỗ xe nhưng rốt cuộc kiểm điểm lại mãi vẫn chưa làm được. ĐB Nguyễn Hoài Nam bức xúc: “Chúng tôi kiểm tra ở quận Cầu Giấy thì có tới 16 khu nhà cao tầng không có bãi đỗ xe. Các chủ đầu tư chỉ lo làm nhà bán thu tiền còn hạ tầng xã hội thì đẩy cho Nhà nước”.

Lập quy hoạch để giữ đất?

Nói “ý kiến các đồng chí đều đúng hết” nhưng ĐB Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội lại có quan điểm khác về tính khả thi của 5 quy hoạch ngành. Ông nói: “Nhiều người nói về tính khả thi nhưng tôi cho là ai vẽ (quy hoạch - PV) thì cứ vẽ, ai làm thì cứ làm. 5 năm qua chưa xây được BV nào không có nghĩa là 5 năm tới cũng như vậy. Nói tính khả thi mà chỉ so sánh với quá khứ thì rất khó trả lời. Bây giờ chúng ta làm quy hoạch, dù chưa xây dựng được ngay nhưng ít nhất là mạnh dạn đưa ra các con số để giữ quỹ đất. Quy hoạch nói đất đó làm trường học, hay BV rồi thì cứ thế mà làm, sẽ dễ dàng hơn nhiều...”.

Đồng tình với quan điểm “giữ đất”, ĐB Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm phân tích: “Tiền hôm nay chưa có thì mai kia sẽ có nhưng đất thì không “nặn” thêm ra được. Các quy hoạch này phải gắn liền với quy hoạch sử dụng đất để con cháu sau này có đất để xây trường học, BV...”. Tuy vậy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho rằng, phải đánh giá tình hình thực tiễn sát hơn nữa khi xây dựng quy hoạch. Ông nói: “Quy hoạch phải dài hơi, thậm chí có giá trị hàng trăm năm chứ không phải 15-20 năm phá đi làm lại. Thế nên, nếu không dự báo được quy mô dân số thì quy hoạch sẽ kém hiệu quả...”. Chê ý tưởng đưa việc khai thác cao lanh (đất sét trắng - PV) vào quy hoạch, ông Lê Văn Thư cười: “Hà Nội phải là đô thị sinh thái chứ. Thủ đô mà lại đi khai thác cao lanh thô như thế thì không nên chút nào. Chẳng biết được bao nhiêu tiền, chắc không bù đắp nổi chi phí giải quyết ô nhiễm môi trường...”.