Bàn giải pháp để tài năng nghệ thuật tỏa sáng, không còn là "ngọc ẩn trong đá"

ANTD.VN - Ngày 12-11, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL) đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật". Hơn 100 đại biểu, bao gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cùng các nghệ sĩ trẻ đã cùng tham dự.

Hội thảo nhằm đánh giá, phân tích vai trò, thực trạng của tài năng trẻ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đương đại, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cũng như chính quyền địa phương, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật nhận diện rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh, tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc. Tài năng văn hóa, nghệ thuật không đợi tuổi, nhiều tài năng đã bộc lộ, phát tiết ngay khi trước cả tuổi trưởng thành. Nhưng những tài năng trẻ ấy sẽ được thăng hoa, tỏa sáng, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội nếu được "ươm" trong một môi trường tốt, được Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển và xã hội ghi nhận.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tìm ra giải pháp phát triển tài năng trẻ trong ngành văn hóa nghệ thuật trong thời gian tới.

Theo GS.TS Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), khác với các ngành nghề khác, công việc trong lĩnh vực nghệ thuật đòi hỏi một quá trình dài rèn luyện và sáng tạo. Việc đào tạo tài năng nghệ thuật có thể kéo dài hàng chục năm, và trong nhiều trường hợp, không phải ai cũng có thể trở thành tài năng nghệ thuật thực sự. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có một hệ thống đào tạo bài bản và sự chăm sóc đặc biệt để giúp tài năng trẻ phát triển đầy đủ tiềm năng sáng tạo.

Tuy nhiên, công tác đào tạo đội ngũ giảng viên kế cận để dạy các chuyên ngành nghệ thuật chưa được chú trọng đúng mức, nên đến nay đội ngũ giảng viên cơ hữu thiếu trầm trọng. Đây là tình trạng chung của cả hai trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh thực trạng “chảy máu chất xám”, câu chuyện “đầu ra” cũng là nỗi lo lớn nhất của sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Tài năng nghệ thuật được coi như ngọc ẩn trong đá, cần sự kiên trì và sáng tạo để tỏa sáng.

“Với tình trạng “giảm biên chế”, nhiều đơn vị không thể tuyển thêm người nên cơ hội cho sinh viên rất ít. Các nghệ sĩ trẻ đang sung sức, có khả năng thì có thể ký hợp đồng, tuy nhiên mức lương hợp đồng quá ít ỏi, buộc họ phải “dứt áo ra đi”, tìm con đường mưu sinh khác”, GS-TS Lê Thị Hoài Phương nêu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ, các nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm được ví như “báu vật sống” thì những người trẻ giống như viên ngọc còn ẩn mình trong đá, nhưng để tỏa sáng cần có thời gian, sự kiên trì và sáng tạo. Ông đề xuất cần hỗ trợ tài chính và tạo môi trường thuận lợi cho những nghệ sĩ trẻ tham gia vào việc thực hành và sáng tạo giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống.

Tại hội thảo, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, nhiều tài năng trẻ phải đối mặt với áp lực từ gia đình và xã hội, dẫn đến giảm động lực phát triển. Có những tài năng trẻ không được tạo điều kiện để thực hành và thể hiện khả năng của mình do thiếu cơ hội và môi trường hỗ trợ. Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực cũng tạo ra sự chênh lệch trong việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng.

NSND Tống Toàn Thắng đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật để tài trợ các học bổng, dự án nghệ thuật và hoạt động phát triển nghề nghiệp. Ông cũng đề xuất tạo cơ hội thực tập và hợp tác giữa sinh viên và nghệ sĩ có kinh nghiệm, giúp họ phát triển kỹ năng và nâng cao năng lực sáng tạo.

Với các giải pháp đề ra, các đại biểu hy vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ phát triển năng lực sáng tạo và kết nối các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.