Bán được lá, lo mùa quả

ANTĐ - Hơn 1 tháng trở lại đây, hàng nghìn nông dân ở hai huyện Lục Nam và Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang lên “cơn sốt” thu gom lá vải thiều khô để bán cho thương lái. Sau một số mặt hàng thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc, việc tận thu lá vải khô đúng vào lúc giống cây này bắt đầu ra hoa khiến cho người ta nghi ngờ rằng vùng đất vải thiều năm nay có nguy cơ mất trắng.

Những kho lá vải chật ních do người dân mang đến bán


Thương vụ kỳ quặc

Hơn hai chục ngày qua, cụ Nguyễn Thị Lưu, 70 tuổi, ở thôn Áp, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn vui như mở cờ trong bụng. Vườn vải của nhà cụ, lá rụng khô đầy gốc bỏ đi chẳng hết, giờ chỉ việc gom lại đóng vào bao tải cho người ta là có tiền. Vừa nhẹ nhàng, lại có đồng ra đồng vào, tội gì không làm. “Từ hôm ấy đến nay tôi đã bán được gần 2 triệu tiền lá rồi” - cụ Lưu cười hể hả khi nói với chúng tôi.

Nhà nông, kiếm được dăm chục nghìn đồng một ngày là to lắm. Mà lại chẳng mất tí vốn, tí sức nào vậy nên không chỉ cụ Lưu mà hầu như người dân thôn Áp ai cũng phấn khởi với cái thương vụ lạ lùng này. Các vườn vải rộng hàng mẫu mọi khi ùn hàng đống lá khô thì nay sạch trơ. Người ta thi nhau thu gom lá rụng, phơi khô đóng vào bao tải rồi ùn ùn chở đến các điểm thu gom đông như trảy hội. “Tôi thấy người ta mua thì mình bán thôi, cũng chẳng biết họ mua để làm gì” - chị Hoàng Thị Hoạt, một người dân ở thôn Kim Tiến hồn nhiên.

Nhà chị Hoạt có hơn một mẫu đất vườn chuyên trồng vải thiều. Năm ngoái vải ế ẩm, chị chỉ bán được 1/3 vải tươi, còn đâu phải sấy khô để dành đến tết bán cho thương lái. Nghe chúng tôi thắc mắc về việc bán lá vải khô, chị Hoạt chép miệng: “Nông dân chúng em tận thu thêm được đồng nào hay đồng ấy, bù vào công chăm vườn và thuốc sâu, phân bón. Cái thứ lá vải này có để đấy thì cũng đem đốt chứ biết làm gì. Hơn nữa, để nó mục dưới gốc cây cũng không được vì sẽ sinh ra sâu bệnh. Dọn luôn bây giờ đem bán lại được tiền thì tại sao không làm”. Hai con nhỏ của chị Hoạt cũng tranh thủ quét lá vải rụng đem bán. “Cũng chẳng nhiều nhặn gì đâu vì họ thu mua với giá rất rẻ, chỉ 1.000 đồng/kg. Nhưng nếu chăm chỉ thì một ngày các cháu cũng kiếm được dăm bảy chục” - chị Hoạt nói.

Tấp nập bán mua

Theo thông tin từ người dân địa phương, mặc dù trên địa bàn huyện Lục Ngạn có hàng chục điểm thu mua lá vải thiều, nhưng đích đến của những bao tải lèn chặt lá vải này lại chỉ có một nơi duy nhất. Đó là tổng đại lý của ông chủ Nguyễn Đắc Đạo tại thôn Áp, xã Tân Quang. Có mặt tại nhà ông Đạo, chúng tôi trông thấy hàng chục bao tải dứa lèn chặt lá vải chất cao tới tận nóc. Không hề giấu giếm công việc của mình, ông Đạo nói ngay: “Các anh có bao nhiêu, mang tới đây tôi mua hết. Tất nhiên chỉ mua lá vải hoặc lá nhãn đã được sấy hoặc phơi khô”. Theo ông Đạo thì việc thu mua lá vải thiều khô để làm gì thì ông cũng chịu bởi ông cũng chỉ biết thu mua theo đơn đặt hàng. Ông nói: “Ngay cả bản thân tôi khi có người đến đặt vấn đề thu mua này tôi cũng rất ngỡ ngàng”.

Ông Đạo không ngần ngại cho biết chi tiết: “Người đặt chúng tôi thu gom lá vải này là Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn có trụ sở tại Khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội. Cách đây hơn 1 tháng, doanh nghiệp này có về đây gặp tôi đặt vấn đề thuê kho bãi để làm xưởng chế biến lá vải khô ngay tại địa phương. Họ sẽ lắp đặt một máy sàng rung để lựa chọn lá, một máy xay cắt và một máy ép để đóng thành bánh rồi xuất khẩu”. Ông Đạo tiết lộ: “Họ ứng trước cho tôi toàn bộ tiền thu gom lá vải của bà con hiện nay là hơn 100 triệu đồng, đồng thời đã ứng luôn cả tiền thuê kho bãi. Hiện cả gian nhà kho rộng hơn 400m2 đã đầy chặt lá vải mà tôi thu gom từ tháng 11 này”.

Từ khi có thêm nghề thu mua lá vải thiều, hàng ngày trước cửa nhà ông Đạo tấp nập hàng trăm người dân mang đến bán. Trung bình mỗi ngày ông Đạo gom được 1,5 - 2 tấn lá vải. Đó là chưa kể đến lượng lá mà hơn 20 đại lý chân rết của ông rải khắp các xã trong huyện như Mỹ An, Quý Sơn, Tân Lập, Tân Quy, Nghĩa Hồ… sắp chuyển về. Theo dự kiến thì chỉ từ 10-15 ngày nữa phía doanh nghiệp thu mua sẽ lắp đặt xong máy móc, lúc đó lượng lá tồn kho sẽ được chế biến và giải phóng mặt bằng để tiếp nhận một đợt thu gom nữa.

Không chỉ riêng Lục Ngạn mà tại thời điểm này, tại huyện Lục Nam người dân cũng bắt đầu rộ lên việc thu gom lá vải. Tổng đại lý lớn tại Lục Nam là bà Dương Thị Thời trú tại thôn Lan Mẫu, xã Lan Mẫu. Bà Thời dù làm đại lý thu mua chính của huyện nhưng cũng mù tịt về mục đích. Bà Thời bảo: “Bản thân tôi cũng chỉ biết thu gom theo đơn hàng của Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn để họ xuất khẩu chứ không biết xuất đi đâu và để làm gì. Ban đầu khi tôi đi đặt vấn đề mua lá vải của người dân, họ cứ cười rũ tưởng tôi nói đùa. Nhưng khi thấy tôi mua thật thì họ ùn ùn chở đến. Tính tới nay, tôi đã gom được 30 tấn lá, đó là chưa kể một số lượng tương đương hiện đang gửi tại các đại lý nhỏ khác”.

Cả huyện Lục Nam có 26 xã thì bà Thời đã đặt đại lý chân rết kín hết. Cũng theo bà Thời khi nghe tin  này, nông dân trồng vải của các huyện xa như Chí Linh, Sao Đỏ của tỉnh Hải Dương cũng đang lũ lượt gom lá vải thiều tới bán cho bà. Tận thu lá vải đem bán giờ đây đang gần như trở thành một “cơn sốt” đối với nông dân những vùng chuyên trồng cây đặc sản này.

Cụ Nguyễn Thị Lưu hàng ngày gom lá vải khô mang đi bán

Vẫn là dấu hỏi

Để tìm hiểu rõ ngọn nguồn chúng tôi liên hệ với ông  Chu Văn Báo - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn. Ông Báo cho hay: “Sự việc này diễn ra tại địa phương một thời gian, nhưng thấy không ảnh hưởng gì đến sản xuất của nông dân nên Phòng Nông nghiệp không can thiệp. Tuy nhiên chúng tôi cũng không biết họ mua để làm gì”. Cũng theo ông Báo thì việc tận thu này tạo thêm việc làm phụ và thu nhập cho bà con, do đó không có gì đáng lo ngại. Trước câu hỏi: “Liệu việc tận thu lá vải thiều có dẫn tới khả năng người dân triệt hạ cây vải để lấy lá bán cho thương lái làm hỏng cả mùa vải của Bắc Giang hay không?”. Ông Báo khẳng định: “Một cây vải hiện nay nếu vặt hết lá đem sấy khô cũng chỉ cho tối đa 8-10kg lá, giá bán hiện nay được 8.000-10.000 đồng/cây. Trong khi đó nếu để ra quả thì 1 cây trung bình cho 50kg. Nếu giá bán là 10.000 đồng/kg quả thì nông dân cũng thu nhập 500.000 đồng/cây. Vậy chắc chắn chẳng ai dại gì đánh đổi 500.000 đồng để lấy 10.000 đồng cả. Thế cho nên nói khả năng nông dân hám lợi triệt hạ cây vải như vấn nạn nuôi đỉa hay ốc bươu vàng là vô lý”.

Để xác minh rõ thực hư chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Xuân Hường - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn thì được biết việc Công ty Lâm Sơn thu mua lá vải để chế biết xuất khẩu là có thật. Ông Hường khẳng định: “Chúng tôi thu mua để xuất khẩu sang Nhật Bản và sẽ thu mua quanh năm, lâu dài với người dân nơi đây”. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi về mục đích của việc thu mua này thì ông Hường từ chối tiết lộ vì lý do “bí mật kinh doanh”.

Việc thu mua lá vải thiều của nông dân không vi phạm pháp luật, dĩ nhiên không ai có thể ngăn cấm điều đó. Hiện nay người nông dân vẫn náo nức thu gom đem bán vì nó là thứ lá đã rụng sẵn có dưới gốc và vô tác dụng đối với họ. Tuy nhiên, một khi thứ lá rụng này đã được ồ ạt bán hết, thương lái đột ngột đẩy giá thu mua lên cao, thậm chí cao hơn cả giá quả vải, liệu người dân có vặt trụi hết cả lá xanh mang bán hay không? Liệu thứ cây đặc sản này có chết dẫn đến mất mùa hay không? Câu hỏi ấy thì chắc các phòng nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang chưa hề nghĩ đến. Nên nhớ, chúng ta đã có bài học nhãn tiền về trồng cây thanh hao, nuôi ốc bươu vàng, nuôi đỉa…