Ballet Việt: Múa cho ai xem?

(ANTĐ) - Không thể phủ nhận sự phát triển của ballet Việt Nam trong khoảng thời gian vừa qua với hàng loạt vở ballet kinh điển. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng là trăn trở cho ballet nước nhà khi vẫn thiếu những vở thuần Việt từ khâu sáng tác kịch bản đến khán giả.

Ballet Việt: Múa cho ai xem?

(ANTĐ) - Không thể phủ nhận sự phát triển của ballet Việt Nam trong khoảng thời gian vừa qua với hàng loạt vở ballet kinh điển. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng là trăn trở cho ballet nước nhà khi vẫn thiếu những vở thuần Việt từ khâu sáng tác kịch bản đến khán giả.

“Khát” khán giả nhà!

Những năm trước đây, vé vào xem biểu diễn ballet gần như được phát không, thế mà công chúng còn không mặn mà. Vài năm trở lại, vé xem bộ môn nghệ thuật bác học này cũng đã nhúc nhắc bán được. Việc khán giả chịu bỏ tiền ra múa vé để thưởng thức ballet rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng. Việc bán vé không chỉ chứng tỏ sự quan tâm hơn của khán giả tới ballet mà còn cho thấy sự lớn mạnh và đảm bảo về chất lượng nghệ thuật của các vở ballet “sản xuất” trong nước. Tuy nhiên, có nhìn sâu và rộng hơn vào thực tế mới thấy nỗi buồn cho ballet Việt khi chiếm số đông trên hàng ghế khán giả là những vị khách nước ngoài. Còn khán giả Việt rất hiếm hoi.

Vở ballet “Chuyện tình thành cổ” khán giả chủ yếu là người nước ngoài

Vở ballet “Chuyện tình thành cổ” khán giả chủ yếu là người nước ngoài

Sự không mặn mà của khán giả nhà với chính sản phẩm nghệ thuật “made in Vietnam” có nhiều nguyên nhân. Nhưng phần lớn sự lý giải được giới phê bình tập trung phân tích mang yếu tố kinh tế và trình độ thưởng thức. Nếu như việc làm quen với ballet của khán giả Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn thì với khán giả các nước phát triển, họ đã có một nền tảng kiến thức về bộ môn nghệ thuật này ngay từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Hơn nữa, vé để xem một chương trình ballet nghệ thuật thường ở mức khá cao so với thu nhập bình quân của viên chức.

Người ta có thể bỏ ra 1 triệu đồng để đầu tư cho con cái học hành hay làm các công việc khác chứ hiếm người dám bỏ ra từng ấy tiền để xem một buổi ballet. Vì thế, tuy mỗi năm Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đều đặn cho ra mắt nhiều vở ballet và số tiền bán vé vào khoảng 1 tỷ đồng/năm, nhưng lượng khán giả Việt Nam dám bỏ tiền để được thưởng thức một chương trình được dàn dựng công phu là rất khiêm tốn.

“Khát” kịch bản thuần Việt

Làm thế nào để tiến tới một nền ballet mang bản sắc Việt luôn là câu hỏi các nhà quản lý, các nghệ sĩ loay hoay mãi vẫn không có câu trả lời. Chúng ta đang khan hiếm trầm trọng các tác giả chuyên sâu. Những người có đủ cả kinh nghiệm, tuổi đời và tuổi nghề lại thiếu sự nhạy bén với các xu hướng nghệ thuật trên thế giới. Trong khi đó, đội ngũ kế cận lại hiếm tìm được người viết trẻ có tâm huyết với nghề. Họ thường có xu hướng tìm đến những công việc có thu nhập cao, không mấy người lựa chọn việc tiêu tốn hàng giờ bên bàn giấy mà “đứa con” sinh ra không biết có được các nhà hát lựa chọn để dàn dựng.

Còn điều sâu xa mà nhiều người ngại không muốn nói ra lại được NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thẳng thắn bộc bạch sau quãng thời gian lặn lội cùng các nghệ sỹ xây dựng các vở ballet: “Khán giả chủ yếu của các vở  ballet là người nước ngoài. Khi xem các tác phẩm ballet kinh điển của thế giới được dàn dựng tại Việt Nam, họ không bị những rào cản về văn hoá gây trở ngại cho việc thưởng thức tác phẩm.

Trong khi đó, những vở ballet Việt Nam, các vị khách nước ngoài cũng tỏ ra thích thú nhưng để họ bỏ tiền ra cho buổi biểu diễn cũng trở nên khó khăn hơn. Hay nói đúng hơn, nền ballet của Việt Nam hiện nay đang dựng ballet Tây cho người Tây xem”. Vì thế, việc các tác phẩm ballet Việt Nam quay trở về phục vụ khán giả trong nước vẫn là một con đường lâu dài mới có thể thực hiện được khi mức sống và trình độ thưởng thức của người dân còn thấp.

Trong khi đó, hàng năm các khoá sinh viên trường múa được đào tạo bài bản vẫn nối tiếp nhau ra trường nhưng số lượng nhà hát có hạn nên chỉ nhận được vài ba người. Số còn lại họ tự tìm các công việc khác phù hợp hơn. Đây là một sự lãng phí về tài năng và kinh phí đào tạo. Ông Phạm Anh Phương cũng cho biết thêm: Với tư cách là người đứng đầu Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, ông không chỉ gồng mình nâng cao đời sống cho anh em nghệ sỹ mà còn phải động viên các diễn viên.

Mức thu nhập hiện nay đã khiến không ít các nghệ sỹ chán nản. Thời gian vừa qua, việc gửi các học sinh sang Liên Bang Nga đào tạo đã thực hiện trở lại nhưng vẫn chỉ như “muối bỏ biển”. Những diễn viên, những nhà viết kịch bản có chất lượng vẫn là cơn khát đối với ballet Việt. Và để cơn khát này dịu xuống, những chính sách ưu đãi nghề nghiệp đối với các nghệ sỹ rất cần thực hiện để xây dựng nền ballet Việt không chỉ xứng đáng với truyền thống thế hệ đàn anh đã tạo dựng mà còn trở thành một nền ballet mang đậm bản sắc Việt.

Phạm Thu Hương