Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Một chính sách cần thiết và nhân văn

Bài 3: Lao động có vai trò rất quan trọng trong cải tạo phạm nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việc rút phạm nhân, xoá bỏ các điểm lao động, dạy nghề hợp tác ngoài trại giam từ năm 2019 đến nay đã tác động không nhỏ đến khả năng tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam.

Sau khi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã rút, điều chuyển phạm nhân về các trại giam để tổ chức quản lý giam giữ và bố trí lao động, đồng thời thực hiện thanh lý các hợp đồng đối với các đơn vị, doanh nghiệp hợp tác. Theo đánh giá, việc rút phạm nhân, xoá bỏ các điểm lao động, dạy nghề hợp tác ngoài trại giam từ năm 2019 đến nay đã tác động không nhỏ đến khả năng tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam.

Phạm nhân lao động tại khu liên kết giữa Trại giam Hoàng Tiến với Công ty Gốm Mỹ. Ảnh chụp năm 2019

Phạm nhân lao động tại khu liên kết giữa Trại giam Hoàng Tiến với Công ty Gốm Mỹ. Ảnh chụp năm 2019

Trong khi đó, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác cải tạo, giam giữ. Hầu hết các trại giam lại có trụ sở trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực phía Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn cho việc tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân. Chính vì vậy, yêu cầu phải tìm việc làm, tổ chức dạy nghề phù hợp cho phạm nhân là yêu cầu bức thiết đối với công tác giáo dục, cải tạo để họ làm lại cuộc đời.

Vi phạm gia tăng vì không có lao động

Là những người gắn bó với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, hơn ai hết, các cán bộ trong lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam hiểu rõ giá trị của lao động đối với giáo dục, cải tạo con người. “Lao động không chỉ giúp các phạm nhân hiểu được giá trị của cuộc sống, phấn đấu, cải tạo mà còn giúp họ hướng thiện, vượt qua lỗi lầm để làm lại cuộc đời” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường Giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD), Bộ Công an cho biết.

Cũng chính vì vậy, trong những năm qua, chính sách nhân đạo là cốt lõi nhất của công tác giáo dục, cải tạo người lầm lỗi, giáo dục, giúp họ chuyển biến nhận thức, xác định rõ sai phạm, tội lỗi để phấn đấu, cải tạo tiến bộ. Làm được điều đó, ngoài giáo dục chính trị, văn hoá thì giáo dục dạy nghề để tạo công ăn, việc làm cho họ khi trở về cộng đồng có việc làm ổn định, tự lo cho bản thân, gia đình, phòng ngừa tái phạm là công tác rất quan trọng và thiết yếu.

“Các cụ dạy rằng “nhàn cư vi bất thiện”, điều đó rất đúng, đặc biệt đúng đối với công tác quản lý trại giam vì nếu không có lao động thì các phạm nhân sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. “Nghề” quản lý phạm nhân của chúng tôi sợ nhất là những ngày nghỉ vì phạm nhân rảnh rỗi, không lao động, học tập, ăn ở tập trung sẽ rất dễ xảy ra va chạm, xích mích, vi phạm kỷ luật. Nhiều khi chỉ vì tranh nhau đánh răng trước hoặc đợi nhau đi vệ sinh cũng có thể mâu thuẫn, thậm chí đánh, cãi nhau, ảnh hưởng lớn đến công tác giáo dục” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết.

Được biết, hiện nay, theo quy định thì phòng giam phải đạt tiêu chuẩn 2m2/ phạm nhân; mỗi buồng giam 50m2 hoặc 100 m2. Như vậy, mỗi buồng giam có 25 phạm nhân (bằng 1 đội phạm nhân) hoặc 50 phạm nhân (bằng 2 đội phạm nhân). Với số người ở tập trung đông như vậy, nhu cầu sử dụng nước, vệ sinh cá nhân rất lớn, đặc biệt là mùa hè nóng bức thì nhu cầu này tăng lên gấp bội. Chính vì vậy, nếu phạm nhân không có việc làm, ăn ở tập trung sẽ nảy sinh nhiều phức tạp. Thực tế cho thấy, trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách để phòng, chống COVID-19, các phạm nhân không có việc làm thì vi phạm nội quy tăng lên rõ rệt.

“Không đi làm, các phạm nhân nghĩ ra đủ các trò để “giết” thời gian, thậm chí cả cá cược, cờ bạc. Ví dụ, họ cá cược nhau xem cán bộ vào phòng thì bước chân phải hay chân trái trước; cán bộ sẽ gọi đội nào trước… Những việc này tưởng rất vu vơ, vô thưởng vô phạt nhưng lại là nguồn cơn của không ít mâu thuẫn, tiềm ẩn phức tạp, vi phạm quy định trại giam, mất an ninh trật tự” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết.

Đại tá Phạm Văn Nghị, Giám thị Trại giam Thanh Phong chia sẻ, trong đợt dịch vừa qua, do giãn cách xã hội, phương tiện của các doanh nghiệp không đi lại được, hàng hoá không tiêu thụ được dẫn đến không có việc làm, có thời điểm các phạm nhân phải nghỉ cả tháng trời. Để giảm bớt áp lực giam giữ, đảm bảo sức khoẻ cho phạm nhân, trại giam phải tổ chức cho họ đi nhổ cỏ, quét dọn khuôn viên trại giam, thậm chí tạo điều kiện để các phạm nhân đi bộ trong khu vực trại, tránh việc giam giữ lâu gây phức tạp...

(còn tiếp)