Bài 2: Không quá khó để khai thác

(ANTĐ) - Thị trường nội địa không chỉ có sức hấp dẫn tự thân bởi những yếu tố khách quan, mà những điều kiện chủ quan khác cũng thuận lợi cho doanh nghiệp nước nhà.

Định vị thị trường nội địa năm 2010:

Bài 2: Không quá khó để khai thác

(ANTĐ) - Thị trường nội địa không chỉ có sức hấp dẫn tự thân bởi những yếu tố khách quan, mà những điều kiện chủ quan khác cũng thuận lợi cho doanh nghiệp nước nhà.

>>> Bài 1: Hấp dẫn thị trường bán lẻ

Điện cơ Thống Nhất đã chinh phục thành công người tiêu dùng nội địa

Nhiều ưu đãi để phát triển

Năm 2009 là năm cao điểm của chương trình “Xúc tiến thương mại thị trường nội địa”. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ tổng kinh phí hơn 51.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tiềm năng thị trường trong nước, thông qua các hoạt động: tổ chức hội thảo, tuyên truyền quảng bá cho hàng Việt Nam… Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nội địa vẫn được tiếp tục thực hiện trong năm 2010.

Cụ thể, hoạt động tổ chức hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề được thực hiện tới tháng 3-2010 với mức hỗ trợ 70% chi phí; Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất kéo dài đến tháng 8-2010, được hỗ trợ 70% kinh phí; Các hoạt động quảng bá, truyền thông người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được hỗ trợ 100% kinh phí sẽ kéo dài tới tháng 8-2010. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu của thị trường nội địa một cách hiệu quả với chi phí thấp nhất.

Khắc phục “lỗ hổng” trong phân phối, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại vùng nông thôn còn hạn chế, trong khi người tiêu dùng khu vực này chiếm tỷ lệ lớn, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020”.

Theo đề án, tại các vùng nông thôn, Nhà nước sẽ xây dựng hệ thống trung tâm thương mại, chợ, siêu thị văn minh, hiện đại. Khi các hạng mục công trình này hoàn thành, những doanh nghiệp trong nước nhanh nhạy sẽ có cơ hội bán hàng tại địa điểm kinh doanh đẹp, sẵn có, thay vì phải tìm kiếm địa điểm và tự xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng ưu đãi này nên doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt.

Kèm theo sự hỗ trợ từ phía cung, Nhà nước kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm vào bộ phận tiêu dùng lớn ở nông thôn bằng cách tiếp tục hỗ trợ lãi suất hoạt động cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xây nhà…

Biến cơ hội thành hiệu quả kinh doanh

Lãnh đạo một doanh nghiệp cho rằng: “Người tiêu dùng Việt Nam đang chia làm 3 nhóm: nhóm người tiêu dùng ở nông thôn yêu thích các mặt hàng bền, chắc, giá không cao; nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao thường lựa chọn hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình, đang có thói quen tìm đến các thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả phải chăng để mua sắm”. Theo sự phân chia nhu cầu thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp các loại sản phẩm cho 2 nhóm tiêu dùng lớn theo nhu cầu của họ. Điểm chung nhất của nhóm người tiêu dùng này là họ cần những sản phẩm có chất lượng. Tiêu chí tiếp theo mới là giá cả và mẫu mã hàng hóa, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng.

Có một thực tế là không ít các nhà bán lẻ Việt Nam hiện nay chưa thay đổi tư duy, nhận thức về hàng Việt. Ví dụ, khi người tiêu dùng muốn hỏi thông tin về sữa nội, không ít nhân viên bán hàng tỏ thái độ hờ hững, dửng dưng với khách hàng “quê mùa, ít tiền”, hoặc họ sẽ quảng cáo cho sữa ngoại. Rất khó để người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt nếu không có những địa chỉ, những nhân viên phân phối hàng Việt nhiệt tình và hiểu biết.

Ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: “Người tiêu dùng muốn được doanh nghiệp đối xử công bằng, tôn trọng và thật thà với họ”. Theo ông Phan, những hình thức quảng cáo giảm giá sản phẩm đến 90% nhưng giảm rất ít hoặc chỉ giảm giá cho hàng ế thừa, tồn đọng sẽ làm mất lòng tin của khách hàng, khiến hàng Việt khó có mặt trong danh mục hàng tiêu dùng của người Việt Nam.

Theo ông Võ Văn Quyền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, phải lấy thị trường nông thôn làm trọng tâm để tạo lập sự phát triển bền vững của thị trường nội địa. Trong đó, gắn việc cung ứng hàng hóa cho vùng nông thôn với việc tiêu thụ nông sản do người nông dân làm ra để kích thích tiêu dùng. Nói cách khác, hình thức này giống như một sự trao đổi hiện đại và đáng tin cậy.

Thị trường nội địa Việt Nam giàu tiềm năng nhưng cũng có không ít thách thức. “Nếu không đặt chân khai thác từ hôm nay thì 3-5 năm nữa, doanh nghiệp không thể có kết quả thu lại” - ông Quyền nói. Thành công càng khó khăn hơn khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài có thể tham gia phân phối hàng hóa tại Việt Nam bất cứ lúc nào.                   

Vân Hằng