Thị trường âm nhạc trẻ em:

Bài 2: “Giấc mơ xa vời”

ANTĐ - Qua sức hút mạnh mẽ của chương trình ca nhạc Đồ rê mí đối với hàng vạn em nhỏ, chúng ta có thể thấy được nhu cầu được hát và được nghe hát của các em là vô cùng lớn. Song có một thực trạng đáng buồn là hiện thị trường âm nhạc dành cho thiếu nhi ở Việt Nam đang bị bỏ quên...

Vắng bóng đĩa ca nhạc cho trẻ em tại các cửa hàng băng đĩa

Trung tâm băng đĩa quay lưng

Điểm mặt một trong những chương trình ca nhạc thiếu nhi thu hút số lượng khán giả nhỏ tuổi theo dõi và tham gia trên sóng truyền hình, đa phần các em đều dành sự yêu mến cho chương trình Đồ rê mí, bởi cũng không có sân chơi ca nhạc nào được dành riêng cho các em giống như vậy.

Em Nguyễn Hà Anh, 7 tuổi đang sinh hoạt ở Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội tâm sự: “ Em rất buồn vì không kịp đăng ký tham dự chương trình Đồ rê mí năm nay. Ở trường chúng em chỉ được học đi học lại những bài hát mà mẹ đã dạy từ khi còn bé nên em không thích hát lại nữa. Em thích xem và nghe những bài hát của anh chị lớn hơn bởi có kèm vũ điệu”. Trong khi đó, một số kênh phát sóng, chương trình ca nhạc dành cho các em trên đài truyền hình cũng “bỗng dưng biến mất” hoặc vẫn sử dụng những băng đĩa đã được thực hiện cách đây khá lâu với những bài hát cũ. Một số đơn vị có truyền thống trong phong trào sản xuất băng đĩa nhạc cho thiếu nhi như Phương Nam film, Bến Thành Audio, Trùng Dương Audio… cũng trong tình trạng… im hơi lặng tiếng.

Nhiều trung tâm băng đĩa gần như quay lưng với đối tượng khán giả này, hoặc có làm nhưng cũng cầm chừng, mỗi năm chỉ cho ra đời vài album. Không chỉ có vậy, thời gian gần đây các chương trình ca nhạc dành riêng cho các em cũng rất ít được tổ chức. Hoặc nếu có thì trong hầu hết các chương trình, tiết mục của các em chỉ là phần phụ, được bố trí xen kẽ giữa những show diễn của người lớn hoặc xen kẽ giữa ca nhạc và sân khấu hài. Nhiều sân khấu dành cho trẻ em đành phải chuyển chức năng vì hoạt động không hiệu quả. Do đó, mơ ước một sân khấu ca nhạc dành riêng cho thiếu nhi có lẽ vẫn còn quá xa vời.

Theo một số ông bầu ca nhạc, việc đầu tư một sân khấu ca nhạc riêng cho thiếu nhi sẽ không có lãi vì thời gian hoạt động chủ yếu chỉ là 3 tháng hè. Trong khi đó, hầu hết những người làm băng đĩa trên thị trường chỉ có mối quan tâm duy nhất là lợi nhuận, câu khách mà sẵn sàng bỏ qua tính giáo dục, thẩm mỹ trong hoạt động âm nhạc cho các em.

Một nguyên nhân nữa khiến các ông bầu không mặn mà với ca nhạc cho thiếu nhi là nạn băng đĩa lậu hoành hành và sự thiếu vắng nhà tài trợ. Để làm một album hay chương trình cho các em, số tiền bỏ ra khá lớn trong khi giá bán không cao nên giới bầu sô rất ngại đầu tư. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm bài hát mới, có khả năng hấp dẫn các em cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường âm nhạc thiếu nhi ngày càng trầm lắng. Hầu hết những bài hát được các em yêu thích thường là những ca khúc cũ. Các nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi tuổi đã cao, các nhạc sĩ trẻ lại không hào hứng vì nhuận bút thấp.

Hãy quan tâm nhiều đến trẻ em

Nhu cầu âm nhạc của trẻ em là vô cùng lớn

Theo nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng - Trưởng ban Sáng tác,  Hội Nhạc sỹ Việt Nam: "Nguyên nhân khiến các ca khúc dành cho trẻ em ngày càng khan hiếm là do người lớn đã dành quá nhiều thời gian vào việc kiếm sống, mưu sinh mà thiếu quan tâm, ít có thời gian dành cho trẻ em. Các nhà sản xuất âm nhạc do vấn đề lợi nhuận đã tập trung sáng tác ca khúc dành cho một bộ phận giới trẻ mà bỏ quên nhu cầu âm nhạc của lứa tuổi nhi đồng, thiếu nhi.

Trong khi đó các tác phẩm viết cho thiếu nhi cách đây khoảng vài chục năm đã quá cũ, không gần gũi với cuộc sống hiện tại của các em. Do đó, trẻ ở lứa tuổi này thường xuyên phải nghe nhạc người lớn. Sáng tác cho thiếu nhi vừa phải đáp ứng được nhu cầu chơi của các em vừa phải đáp ứng được tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm thích vui chơi của chúng. Muốn sáng tác cho thiếu nhi, phải thâm nhập vào thế giới tuổi thơ, cảm nhận cuộc sống bằng con mắt trẻ thơ và tư duy theo cách trẻ thơ. Vì vậy các tác giả trẻ cần hướng tới việc sáng tác cho trẻ em vì họ vừa trải qua lứa tuổi đó chưa lâu, vẫn còn trong mình chất trong sáng, thơ ngây của trẻ”...

Cũng theo nhạc sỹ Hùng: “Tuy tình trạng khan hiếm ca khúc cho thiếu nhi đã được cảnh báo nhưng các cuộc phát động sáng tác bài hát cho lứa tuổi này lại chưa được tổ chức đều đặn, rộng khắp. Trước đây, Hội Nhạc sỹ có hình thành một ban sáng tác cho thiếu nhi và đã tổ chức một số hội thảo về chuyên đề thiếu nhi, nhưng đến năm 1989 thì không còn tổ chức này nữa và sáng tác cho thiếu nhi được phân về các ban thanh nhạc.

Gần đây, hàng năm Hội Nhạc sĩ cũng trao giải thưởng cho các ca khúc dành cho thiếu nhi nhưng việc phổ biến lại phó mặc cho tác giả nên hạn chế phần nào sự lan tỏa của những ca khúc này trong đời sống xã hội. Do đó, để ngày càng có thêm nhiều tác phẩm hay cho thiếu nhi, cơ quan quản lý giáo dục, Đài Truyền hình, cơ quan báo chí, Hội Nhạc sỹ cần phối hợp chặt chẽ, kêu gọi các nhà tài trợ tổ chức một cuộc thi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, có chương trình biểu diễn những tác phẩm một cách hoành tráng đồng thời biến những tác phẩm âm nhạc đó thành những sản phẩm âm nhạc như đĩa hình, đĩa tiếng giá rẻ đến các trường học để các em có thể tiếp cận được tác phẩm. Đó cũng là cách để những bài hát mới được phổ biến rộng rãi và có thể “sống” mãi trong lòng các em”…

Thiếu nhi là lứa tuổi cần được quan tâm đặc biệt về đời sống tinh thần. Bởi một tinh thần tốt là yếu tố quan trọng có yếu tố quyết định để các em có thể trở thành một công dân tốt. Hãy quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, hãy sáng tác thêm nhiều hơn nữa những bài hát dành cho lứa tuổi này để những tâm hồn trong sáng sẽ được nuôi dưỡng, lớn lên bằng những giai điệu âm nhạc thực thụ và phù hợp...