Bài 2: Đâu là giải pháp?

(ANTĐ) - Có ý kiến cho rằng, bài toán kinh tế dễ có câu trả lời hơn các vấn đề đặt ra cho xã hội, nhưng thực tế, câu hỏi về giá cả “leo thang” vô lý hiện nay cũng không dễ tìm giải pháp.

Giá dịch vụ, hàng hóa “Té nước theo mưa”:

Bài 2: Đâu là giải pháp?

(ANTĐ) - Có ý kiến cho rằng, bài toán kinh tế dễ có câu trả lời hơn các vấn đề đặt ra cho xã hội, nhưng thực tế, câu hỏi về giá cả “leo thang” vô lý hiện nay cũng không dễ tìm giải pháp.

Giá cả hàng hoá cần được niêm yết rõ ràng như tại các siêu thị 

Chưa có sự đồng lòng

Không thể phủ nhận nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều hành thị trường thời gian qua. Ví dụ, để kiềm chế tăng giá, Bộ Tài chính không chấp thuận cho mặt hàng xăng, dầu tăng giá trước tết dù trên thế giới, mặt hàng này tăng giá khá nhanh và các doanh nghiệp đầu mối trong nước kêu lỗ và cũng đã giảm thuế nhập khẩu tối đa cho mặt hàng này. Tương tự, đối với giá điện, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo đề xuất của Liên bộ Tài chính - Công Thương ở mức thấp nhất, nhằm tránh tăng giá đột biến. Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác: gạo, thịt lợn, đường, dầu ăn, trứng gà… Bộ Tài chính và các địa phương có phương án thực hiện bình ổn giá bởi cảm nhận rõ nhất về giá cả hàng hoá tăng là người nội trợ, tiêu tiền hàng ngày cho những thứ không thể thiếu.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ Hà Nội chia sẻ: “Số lượng siêu thị tổng hợp, cửa hàng tiện ích trong khu dân cư còn quá ít, trong khi phương tiện đi lại cho những người nội trợ, người về hưu, người giúp việc lại chưa thuận lợi. Nghịch lý là người nội trợ bước chân ra cửa đã có chợ cóc, đã có những thứ cần thiết cho gia đình thì chúng tôi còn mất thời gian đến siêu thị làm gì nữa”! Theo bà Chi, các cơ quan quản lý đã rất cố gắng kiểm soát giá, song người bán hàng lại có rất nhiều cách đối phó. Bà Chi thẳng thắn: “Tôi đã phải “ngậm đắng nuốt cay” khi đi mua thuốc chữa bệnh ở hiệu thuốc gần nhà (ngõ Thái Thịnh II - Đống Đa). Cầm lọ thuốc, người bán hàng bóc ngay tem ghi giá trên đó. Vì là người quen nên họ thành thực bảo giá dán trên sản phẩm chỉ để phòng khi cơ quan quản lý kiểm tra, còn giá bán thì cao hơn nhiều”.

Cần có giải pháp đồng bộ

Biện pháp này nghe đã quen, thậm chí sáo rỗng nhưng có thể coi là lời giải duy nhất cho bài toán giá cả thị trường lúc này. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến giá cả “gối đầu” tăng một cách bất hợp lý. Thứ nhất là vì lợi nhuận - vấn đề cơ bản của kinh doanh khiến người bán hàng tìm mọi cách để hợp thức hoá việc tăng giá, thuyết phục khách hàng. Thứ hai là một bộ phận không nhỏ những người giàu chấp thuận mua hàng một cách dễ dãi, không cần suy tính nhiều khiến người bán áp giá cho người mua sau. Người tiêu dùng sau thấy người trước mua như thế thì cũng phải “cắn răng chịu đựng”. Và cuối cùng là do hệ thống phân phối, bán buôn của Việt Nam quá lòng vòng. Đầu chợ bán giá buôn, cuối chợ đã có mức giá bán lẻ cao hơn vài chục phần trăm.

Khi nhìn nhận yếu tố thị trường, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự “lòng vòng” của thị trường Việt Nam được bắt nguồn từ cơ cấu lao động chưa hợp lý. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, đô thị hoá diễn ra nhanh chóng trên diện rộng khiến nhiều người nông dân mất ruộng đất canh tác, trình độ lao động nông thôn không đủ điều kiện để làm việc trong nhà máy xí nghiệp, nơi có mức lương chưa thoả đáng… nên nhiều người lựa chọn cách buôn bán nhỏ ở chợ để kiếm sống. Và như vậy, giải quyết vấn đề lao động sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho bài toán thị trường giá cả hàng hoá.

Bên cạnh đó, hầu hết hàng hoá tại Việt Nam chưa được niêm yết giá. Người tiêu dùng khó mà khảo sát giá các mặt hàng tiêu dùng trước khi quyết định mua, thế nên cơ hội “mặc cả” để đưa ra mức giá hợp lý không nhiều. Nhà nước cần phải có những quy định chung về hoạt động tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ truyền thống này. Kèm theo đó là cơ chế buộc người kinh doanh phải bán hàng đúng giá niêm yết. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, một số nước trên thế giới đã khắc phục tình trạng này bằng việc xây dựng thêm nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị hiện đại, thu hút tỷ lệ lớn người tiêu dùng. Việt Nam cũng đang trong quá trình như vậy.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi lại tỏ ra nghi ngại về quan điểm này. Bởi vì “Nhiều khu chung cư, khu tái định cư hiện đại mọc lên nhưng đến trường học còn phải xây dựng sau, phải chờ đợi thì siêu thị, cửa hàng tiện ích làm sao có thể có ngay được”? - bà Chi nói.

Vân Hằng