Tiềm ẩn nguy cơ mùa mưa bão

Bài 1: Tai hoạ rơi từ trên trời

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, đặc biệt vào mùa mưa bão, tình trạng mưa to gió lớn khiến cây đổ đã gây thiệt hại cho người và tài sản. Không ít chiếc xe ô tô tiền tỷ đã bị hư hỏng nặng bởi cây gẫy đổ đè bẹp đầu xe, vỡ cửa kính… Điều đáng nói là sau khi sự việc xảy ra, các chủ phương tiện không biết kêu ai và cũng không ai đứng ra nhận trách nhiệm.

Tai bay, vạ gió

Bài 1: Tai hoạ rơi từ trên trời ảnh 1

Ngày 5-6, cơn mưa lớn đã khiến cây bàng tại số 80 phố Ngọc Lâm gẫy đổ, đè bẹp chiếc xe Mercedes đỗ sát vỉa hè. Hai tiếng sau vụ tai nạn, nhân viên Công ty Công viên cây xanh vẫn không đến giải tỏa hiện trường khiến người dân phải tự dỡ cành cây “cứu” chiếc ô tô. Rất may chỉ có chiếc xe là bị móp phần mui, trầy xước bên ngoài, 5 người ngồi trên xe may mắn thoát chết. Cách đây không lâu, tại ngã tư Ngô Quyền - Lý Thường Kiệt cũng xảy ra vụ tai nạn tương tự. Cả cây phượng hơn chục năm tuổi bỗng “đáp” thẳng vào nóc chiếc ô tô bốn chỗ đang chạy.

Trong xe có 5 người may mắn thoát chết. Do trọng lượng của cây đổ khá lớn nên phần trước của chiếc xe bị đè nát, toàn bộ cửa kính của chiếc xe vỡ nát, hai cánh cửa phía bên trái xe hỏng hoàn toàn. Trong khi đang chờ đèn đỏ tại ngã tư Tràng Thi - Phủ Doãn, một chiếc ô tô 16 chỗ chở khách đã bị cây cổ thụ bật gốc đè bẹp giữa thân xe… Đó là chưa kể đến không ít trường hợp người đi đường khi tham gia giao thông hay đi bộ trong lúc mưa bão bị cây cảnh ở ban công của các ngôi nhà trên phố “vô tình” rơi trúng khiến người bị thương, phương tiện bị hư hỏng.

Và hẳn rất nhiều người còn nhớ cơn “đại hồng thủy” năm 2008 xảy ra tại Hà Nội đã khiến hàng trăm xe ô tô bị hỏng hóc do ngập nước. Phần lớn các chủ xe đều phải tự bỏ tiền túi để sửa, dù đã mua bảo hiểm “toàn phần”. Lý do là bởi không phải chủ xe nào cũng mua bảo hiểm vật chất có thêm điều khoản thủy kích - một gói bảo hiểm thuộc diện bổ sung. Nếu khách hàng không mua thêm gói bảo hiểm này thì sẽ không được đền bù khi xe bị ngập nước.

Thậm chí, kể cả khi chủ xe mua gói bảo hiểm thủy kích vẫn có thể không được đền bù nếu được cho là “cố tình” lái vào đường ngập nước. Ông Trần Ngọc Minh, ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm kể lại: “Đợt mưa lụt năm 2008 xảy đến rất bất ngờ khiến người tham gia giao thông khó lường trước được. Bản thân tôi là người tham gia giao thông tại thời điểm đó cũng rất khó kiểm soát được tình hình. Nếu các hãng bảo hiểm cho rằng chủ xe “cố tình” đi vào chỗ lụt lội và từ chối đền bù thiệt hại là không thỏa đáng. Ít ra thì bảo hiểm cũng nên có một khoản hỗ trợ nhất định cho những chủ xe khi gặp rủi ro như vậy" - ông Minh nhận xét.

Rắc rối chuyện đền bù

Theo các chuyên gia giám định trong ngành bảo hiểm xe cơ giới, sản phẩm bảo hiểm vật chất xe cơ giới chỉ đền bù trong trường hợp xe bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan. Ví dụ, xe để ở gara và bị nước lũ tràn vào, làm hỏng hóc, hay đang đi trên đường, bất ngờ bị ngập nước và dừng lại thì sẽ được đền bù. Còn nếu xe đang đi trên đường gặp nước ngập mà cố tình đi tiếp (do nguyên nhân chủ quan) thì sẽ không được đền bù.

Đối với những trường hợp chủ xe tham gia giao thông trên đường hay đỗ xe mà bị cây đổ gây bẹp hay hư hỏng một phần thân xe như đã nêu trên sẽ được bồi thường nếu chủ xe mua bảo hiểm vật chất cho phần thân, vỏ xe, song không ít trường hợp gặp phiền toái khi công ty bảo hiểm đánh giá mức độ thiệt hại bởi hiện trường đã bị thay đổi gây khó khăn mức độ xác định thiệt hại, thời gian bồi thường chậm do thủ tục rườm rà. “Thậm chí, nhiều chủ xe còn phải “chi” thêm cho nhân viên bảo hiểm để được ưu tiên nhanh…” - ông Nguyễn Xuân Hào, ở Đội Nhân, quận Ba Đình than phiền.

Hiện nay, để cạnh tranh nhiều doanh nghiệp có bán gói sản phẩm bảo hiểm thủy kích ô tô, bảo hiểm cả những thiệt hại phát sinh, tất nhiên khách hàng phải bỏ thêm một số phí nhất định, tùy theo từng doanh nghiệp. Những trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải đền bù cho người mua bảo hiểm khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, khá nhiều khách hàng khi xảy ra sự cố mới biết họ không được đền bù do trong hợp đồng bảo hiểm không ghi rõ đền bù thiệt hại do ngập nước. Đơn cử như trường hợp chiếc xe Highlander trị giá 1 tỷ đồng của anh N. T. D, ở quận Thanh Xuân, bị ngập nước trên đường Kim Liên và chết máy. Anh lập tức tắt khóa điện và đưa xe đến xưởng sửa chữa ô tô gần đó.

Sau đó, anh đã liên lạc với hãng bảo hiểm yêu cầu đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, hãng bảo hiểm này đã từ chối với lý do chỉ bồi thường những trường hợp bị hỏng hóc do thiên tai gây ra nhưng “ngoài sự kiểm soát của con người” và điều quan trọng là anh đã không mua gói sản phẩm bảo hiểm thủy kích cho xe. Mặc dù theo anh Dương phân trần: “Tôi đã yêu cầu mua bảo hiểm 100% nhưng không hiểu sao lại không được bảo hiểm khi xe bị ngập nước”. Chính vì vậy khá nhiều chủ xe hỏng máy do nguyên nhân này bất bình trước những “rối rắm” trong quy định phạm vi đền bù của nhiều hãng bảo hiểm.

(Còn nữa)

Khó nhất là định giá tài sản
Do bảo hiểm thủy kích là một trong những loại hình bảo hiểm có rủi ro cao nên hiện nay hầu hết các công ty bảo hiểm tại Việt Nam không cho vào danh mục bảo hiểm chung, chủ xe phải mua bảo hiểm điều khoản bổ sung trường hợp thủy kích, tính theo % hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp khách hàng gặp tai nạn hay sự cố nên thông tin sớm cho công ty bảo hiểm, để tránh gây khó khăn trong việc xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại. Sau khi có biên bản đánh giá mức độ thiệt hại, công ty bảo hiểm sẽ cho xe của khách hàng đến xưởng sửa chữa để khắc phục hư hỏng. Việc đền bù sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân hư hại do chủ quan hay khách quan. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc định giá tài sản. Khi mua xe, khách hàng khai giá trị tài sản thấp nhưng khi xảy ra tai nạn, khách hàng lại nâng giá trị của tài sản lên, do đó rất khó khăn cho phía công ty bảo hiểm trong việc đánh giá và đền bù thiệt hại. Với những người tham gia giao thông trên đường nếu mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm khi xảy ra tai nạn cũng sẽ được bồi thường thiệt hại.
Ông Đinh Quang Tấn - Trưởng phòng Bảo hiểm xe cơ giới - Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt