Hiểm họa nơi công trường

Bài 1: Những “cái bẫy” chết người

ANTĐ - Thời gian gần đây, nhiều dự án được triển khai thi công nhưng nhà thầu không quan tâm đến việc thiết lập hàng rào bảo vệ quanh những hố đào trên công trường. 

Cái chết đau lòng của 4 đứa trẻ tại hố nước của công trình đang thi công không có biển báo tại thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn nghiêm trọng tại những khu vực này...

Những cái bẫy chết người xuất hiện nhan nhản tại các tuyến đường thi công dở dang

Những tai nạn thương tâm

Ngày 25-6-2007, cháu Vương Khải N. sinh năm 1995, ở phường 3, quận 8, TP.HCM khi đi tắm với bạn đã bị hụt chân chết đuối tại hố nước thuộc công trường thi công Đại lộ Đông - Tây trên đường Trần Văn Kiều, phường 1, quận 6 do hố nước chỉ được rào sơ sài bằng vài sợi dây. Ngày 7-6-2008, tại hố nước thuộc công trình thi công lắp đặt tuyến ống cấp nước tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM, 4 cháu bé trong độ tuổi từ 6 đến 13 tuổi đã xuống tắm và chết đuối.

Tại nơi xảy ra tai nạn, đơn vị thi công không lắp đặt rào chắn hoặc biển cảnh báo nguy hiểm. Ngày 14-7-2008, bé Nguyễn Phạm Nguyên P. 4 tuổi cũng thiệt mạng vì rơi xuống hố gas bơm thoát nước chống ngập tại đường 65,  phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM do đơn vị thi công công trình chỉ để hai miếng rào chắn sơ sài miệng hố gas không có nắp đậy. Ngày  26-7-2008, bé Tiêu Khánh C. 13 tuổi, đang chơi bóng đã bị lọt xuống hố nước sâu hơn 3m của công trình thi công bờ kè đoạn bến Ba Đình, thuộc quận 8, TP.HCM và chết đuối.

Ngày  17-6-2010, hai cháu Lê Phúc T. và Lê Văn T. 12 tuổi, ở xã Hoà Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã chết đuối khi đang rửa chân dưới cống hộp do Công ty Công trình đô thị Đà Nẵng thi công không có rào chắn, biển báo hiệu… Gần đây, ngày 14-8-2011, 4 cháu nhỏ gồm hai anh em ruột Nghiêm Văn Hưng (13 tuổi) - Nghiêm Quang Huy (11 tuổi) và hai anh em ruột Ngô Văn Hùng (14 tuổi) - Ngô Văn Hưng (12 tuổi), trú tại thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đã tử vong vì chết đuối tại ao nước công trình đang thi công không có biển báo thuộc công trình thi công nút giao thông từ làng Phú Đô lên Đại lộ Thăng Long của dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc. 

Tại một số tuyến đường đang thảm nhựa, đơn vị thi công chủ quan, thiếu trách nhiệm đã lắp đặt hàng cọc tiêu làm chướng ngại vật giữa đường nhưng không có biển báo và rào chắn cho người đi đường phát hiện từ xa cũng làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Thậm chí khi thi công xong nhiều đơn vị không cho thu dọn chướng ngại vật trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trước tình trạng này, trên các diễn đàn trực tuyến, đông đảo bạn đọc đều cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ sự bất cẩn của nhà thầu thi công công trình.

Lỗ hổng trong pháp luật hình sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B cho rằng, theo quy định, đơn vị thi công, chủ đầu tư có nhiệm vụ quản lý, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường tại công trường, phải đảm bảo công trường có biển báo, có tường rào bảo vệ, nếu có hố sâu phải có biện pháp che chắn, cảnh báo…

Do đó, khi xảy ra tai nạn nếu chủ đầu tư có căn cứ cho rằng có hành vi thiếu trách nhiệm của người được giao trông coi, quản lý, kiểm soát khu vực thi công trong việc không cắm biển báo nguy hiểm thì lỗi thuộc về người đó. Còn nếu chủ đầu tư không thực hiện các biện pháp cần thiết (cắm biển báo cấm; biển báo nguy hiểm; rào che chắn; tiêu thoát nước không để nước sâu...) theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn trong khi thi công công trình thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 610 - Bộ luật Dân sự.

Trường hợp thoả thuận được bồi thường với gia đình các nạn nhân thì ngoài số tiền đó, chủ đầu tư còn bị xử phạt hành chính vì vi phạm quy định về an toàn thi công công trình. Nếu không thoả thuận được thì trong thời hạn 2 năm kể từ khi xảy ra vụ việc, gia đình các nạn nhân có quyền khởi kiện đến toà án cấp có thẩm quyền yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại.

Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định một số tội danh dành cho hành vi thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý các công trình công cộng như đặt trái phép chướng ngại vật, dựng “lô cốt”, tạo lỗ đào sâu, hố gas, ổ gà... trên đường trong quá trình thi công, tu bổ đường sá, hầm cống thì cá nhân có thể bị truy cứu về tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 203 - BLHS).

Khi tai nạn xảy ra, các cơ quan tố tụng đều có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 - BLHS), tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99 - BLHS)... Song điều đáng nói là đến thời điểm hiện tại các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự được vụ việc nào do luật không quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (tổ chức) mà chỉ với cá nhân. Nhưng việc phát hiện được trách nhiệm thuộc về cá nhân nào lại là chuyện không đơn giản bởi các cơ quan quản lý thường không có sự phân chia trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Đây chính là “lỗ hổng” của pháp luật hình sự. Để khắc phục tình trạng này, các nhà làm luật cần có quy định về việc xử lý hình sự đối với pháp nhân như có thể áp dụng các hình phạt như: đóng cửa, thu hồi giấy phép, phạt tiền. 

Bên cạnh nguyên nhân trên thì một trong những lý do khiến hàng loạt vụ tai nạn thời gian qua chưa được khởi tố còn do các vụ tai nạn này được xem là một dạng tội phạm mới, chưa có tiền lệ xử lý hình sự nên khiến các cơ quan tiến hành tố tụng còn e dè, lúng túng. Điều này đồng nghĩa với việc trong khi chờ đợi các quy định của pháp luật được hoàn thiện thì mọi người dân đặc biệt là các em nhỏ cần phải biết cách tự bảo vệ mình trước những “cái bẫy” chết người tại các công trình đang thi công dở dang mà các chủ đầu tư “quên” cảnh báo…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải có trách nhiệm

Xung quanh vụ tai nạn của 4 học sinh tại hố thi công trên Đại lộ Thăng Long (nút giao Phú Đô), ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho ý kiến, công trường phải theo quy định đã được quy định rõ tại Luật Xây dựng, hay NĐ 16/2005/NĐ-CP của  Thủ tướng Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. NĐ 23/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 về xử phạt hành chính trong lĩnh này cũng có quy định mức xử phạt cho hành vi không có biển báo nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho người lao động trong công trường.

Công trường thi công phải có rào chắn, biển báo, có các biện pháp bảo đảm an toàn xung quanh. Tổ chức thi công và biện pháp bảo đảm an toàn công trường đều phải có. Thi công phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho lao động trong công trường, cho người dân khu vực xung quanh, bảo đảm an toàn giao thông. Đối với tai nạn của 4 cháu học sinh. Trong luật đã quy định, chủ đầu tư phải có trách nhiệm giám sát nhà thầu trong quá trình thi công.

Hiện trên địa bàn TP có rất nhiều công trình, dự án đang thi công. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho người lao động, cho khu vực xung quanh, các chủ đầu tư, đơn vị thi công nên thực hiện đúng quy định của pháp luật về vấn đề này. Như che chắn chống bụi, giàn giáo phải được kiểm tra thường xuyên, đặc biệt, phải có biển báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông, người dân khu vực xung quanh… 

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục