Bác sĩ “Google” - con dao hai lưỡi

ANTĐ - Gần đây, thấy có biểu hiện hay lo lắng, mất ngủ, sút cân bất thường, nhưng ngại đi khám bác sĩ, chị Nguyễn Thu Huyền, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên đã lên mạng   internet để tìm nguyên nhân bệnh và mua thuốc uống theo chỉ dẫn của “bác sĩ google”…
Bác sĩ “Google” - con dao hai lưỡi ảnh 1

Rước họa vì tin vào “bác sĩ mạng”

 Loại thuốc mà chị Huyền mua về dùng là thuốc để điều trị bệnh trầm cảm. Uống được hai hôm, chị Huyền thấy không còn lo lắng và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, chị có cảm giác chóng mặt như người bị thiếu máu. Chị Huyền lo lắng: “Có hôm đang đi trên đường, tôi bỗng thấy hoa mắt, chỉ muốn ngã. Mới đầu, tôi nghĩ mình bị say nắng, nhưng cách đây 2 hôm, vừa về đến nhà tôi ngã lăn ra bất tỉnh. May được người nhà đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu kịp thời không chẳng biết bây giờ thế nào…”. Sau khi được các bác sĩ kiểm tra và xét nghiệm máu, chị Huyền được kết luận bị huyết áp cao, tiểu đường tuýp 1. Do chủ quan, chị Huyền đã tự ý lên mạng internet, nhờ “bác sĩ google” chẩn đoán, mà không biết rằng loại thuốc trầm cảm chị đã sử dụng có tác dụng phụ, ảnh hưởng đến căn bệnh mà chị đang gặp phải.

Hiện ngày càng nhiều người chủ động tìm kiếm thông tin trên internet về những loại bệnh, phương pháp điều trị và cả các loại thuốc điều trị để tự chữa bệnh cho mình. Chị Vũ Thuý Nga, ở phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Cứ vợ chồng, con cái có vấn đề về sức khoẻ là tôi lại tìm đến “bác sĩ google” để tham khảo và tư vấn điều trị. Với những loại bệnh đơn giản, gia đình tôi đều được vị “bác sĩ” này tư vấn kịp thời và bệnh có thuyên giảm. Dù sao “bác sĩ google” cũng tốt hơn bác sĩ ở bệnh viện, bởi họ chỉ dẫn rất tận tình, không bao giờ khó chịu, gắt gỏng với bệnh nhân. Hơn nữa, tôi cũng không mất thời gian đến bệnh viện, vừa tốn kém mà chưa chắc đã khỏi bệnh. Chưa kể các bác sĩ ở bệnh viện phải tiếp hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày nên lắm khi họ khám, chữa bệnh rất qua loa, đại khái…”.

Cũng chỉ vì tin vào “bác sĩ” internet mà anh Nguyễn Hoàng Hải, nhân viên quản lý mạng một công ty máy tính ở quận Ba Đình đã phải hối hận khi dùng thuốc không đúng bệnh trong một thời gian dài. Anh Hải kể lại: “Thấy ở cơ quan, một số chị em cứ có bệnh gì là lại lên mạng tra google nên cách đây 5 tháng sưng đau hai bàn chân không đi được, tôi đã thử vào google tìm hiểu những biểu hiện trên của mình. Ngay sau đó, một loạt những thông tin với những triệu chứng tương tự mà tôi đang gặp phải được “bác sĩ mạng” kết luận rất có thể tôi bị mắc bệnh viêm đa khớp. Thấy có vẻ đúng, tôi đã mua thuốc đau khớp về uống và nhờ người đến tiêm một ống thuốc viêm thẳng vào mắt cá chân. Kết quả là sau một thời gian bệnh không những không thuyên giảm mà còn khó chịu hơn, kèm theo những cơn đau co thắt ở dạ dày hành hạ mỗi đêm. Không thể chịu đựng hơn được nữa, tôi đã tìm đến bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh thì được biết mình bị bệnh Gout. Do không có phương pháp điều trị ngay từ đầu, cộng với việc ăn uống không khoa học nên bệnh của tôi đã ở mức rất nặng…”.


Rủi ro cho người bệnh

Mới đây, các nhà khoa học Anh vừa đưa ra cảnh báo những nguy hiểm do tự chẩn đoán bệnh từ google. Những triệu chứng phụ nữ hay tra cứu như mất ngủ, nhức đầu, trầm cảm, hay âu lo, co thắt cơ, co thắt dạ dày, đau cơ mãn tính, mệt mỏi nặng, ngứa, da nhạy cảm. Những bệnh thường bị chẩn đoán sai như các loại ung thư, nấm candida ở âm đạo, cao huyết áp, suyễn, viêm khớp, trầm cảm, tiểu đường, các vấn đề về tình dục và về tuyến giáp. Thậm chí, một số người còn cho rằng mình mắc một bệnh nan y nào đó, phổ biến nhất là những sợ hãi vô cớ về ung thư vú, số khác lại chẩn đoán nhầm mình bị tưa miệng, cao huyết áp hoặc hen suyễn... 

Nghiên cứu do hãng dược phẩm dành cho phụ nữ Balance Activ tiến hành khảo sát lấy mẫu trên 1.000 phụ nữ, cứ 7 bệnh nhân thì có 1 người “lướt” mạng để tìm kiếm thông tin về bệnh tật và tình trạng đau ốm của mình trước khi đi khám bác sĩ. Trong đó, 48% thích chẩn đoán qua internet, 56% thường mua thuốc kê đơn qua “online”. Và điều đáng lo ngại là có đến 25% tự chẩn đoán bệnh sai và mua thuốc để tự chữa trị không đúng cách, 10% bị tác dụng phụ sau khi tham khảo thông tin trực tuyến. Thậm chí, có tới khoảng 50% số người tự chẩn đoán bệnh, mua thuốc không rõ nguồn gốc để chữa trị và sau đó cũng không hỏi ý kiến thầy thuốc xem thuốc đó có cần thiết hay không.

Bác sĩ Trần Thu Hà - bệnh viện Bạch Mai thừa nhận: Trên thực tế, nó có thể giúp người bệnh giảm sự lo lắng trước nếu tìm được lời khuyên thích hợp từ thầy thuốc. Và đặc biệt, internet cũng giúp cho các bác sĩ đa khoa tiết kiệm được nhiều thời gian hơn nhờ chẩn đoán và kê đơn từ xa, đáp ứng nhu cầu của nhóm bệnh nhân cao tuổi. Song mặt trái của nó có thể khiến người bệnh rất dễ nhầm lẫn khi tự chẩn đoán nếu chỉ nhờ tư vấn của “bác sĩ google”. Đặc biệt, việc này có thể dẫn đến rủi ro lớn, bởi người bệnh dễ nhầm triệu chứng, đặc biệt là với các bệnh nguy hiểm. Và hậu quả cuối cùng lại chính là sức khỏe của người liều mạng “ứng dụng” những tư vấn thiếu cẩn trọng đó.