Bác sĩ giàu hay nghèo?

ANTĐ - Trong thời buổi này, được làm việc trong một BV công lập quả là mơ ước của rất nhiều sinh viên tốt nghiệp nghề y. Dường như xã hội đều cho rằng phần lớn bác sĩ là tầng lớp khá giả, có thu nhập cao trong xã hội. Vậy tiêu cực trong ngành y có thực sự xuất phát từ việc thu nhập của y bác sĩ quá thấp, không tự sống được với nghề?

Tại Hội nghị triển khai công tác y tế 6 tháng cuối năm do Bộ Y tế vừa tổ chức, một vị giám đốc Sở Y tế của một tỉnh đồng bằng sông Hồng đã thẳng thắn cho rằng, cần xem xét lại vấn đề tế nhị phía sau tình trạng quá tải BV: “Phải chăng các BV tuyến trên cũng thích quá tải, vì có những trường hợp chỉ là xét nghiệm, uống  thuốc nhưng tại sao lại không chuyển về tuyến dưới mà cứ để nằm ghép? Phía sau đó phải chăng là tăng thêm thu nhập của nhân viên y tế?”. Vị Giám đốc Sở này tiếp tục chất vấn: “Phải làm rõ, trong số quá tải đó có bao nhiêu bệnh nhân điều trị vì lý do… thương mại”.

Phải nói rằng, ngoài đồng lương nhà nước chi trả, cán bộ y bác sĩ trong các BV công vẫn có nhiều khoản thu nhập khác. Thế nhưng bản thân những người trong cuộc lại cho rằng, đồng lương dành cho y bác sĩ hiện nay là chưa thỏa đáng, chưa xứng với công sức mà họ bỏ ra. Một lãnh đạo BV tuyến Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội cho biết, chỉ trong một năm tại BV của ông có tới 4 bác sĩ giỏi chuyển ra ngoài làm cho các phòng khám, BV tư. Lý do là các phòng khám tư sẵn sàng trả đến 30-50 triệu đồng cho họ mỗi tháng, còn lương bác sĩ tại BV công không đủ sống.

Bàn về một nghề nào đó có thu nhập cao hay thấp là chuyện vô cùng, song với một nghề đặc thù như nghề y, điều này phải chăng đang được thể hiện ngay qua thực tiễn: tại các BV tư, người bệnh là khách hàng cần được quan tâm nhất. Còn tại các BV công, người bệnh đơn thuần chỉ là một con bệnh cần điều trị và cũng chỉ cần được điều trị khỏi chứ không cần phải được… hài lòng. Phải chăng, chỉ khi viện phí tăng cao, thu nhập bác sĩ tăng cao, người bệnh mới được quan tâm, tôn trọng.