Ba thứ “vũ khí”

(ANTĐ) - Nhà cho người thu nhập thấp, có lẽ là một trong những vấn đề nan giải ở đô thị chỉ xếp sau ùn tắc giao thông, cơ sở hạ tầng và ô nhiễm môi trường.
Trong ba “bài toán” khó này, nhà ở cho người thu nhập thấp tưởng chừng dễ giải quyết nhất hóa ra cũng khá lúng túng. Chính phủ đã có Nghị quyết 18/CP và ba quyết định của Thủ tướng về nhà cho ba đối tượng trên, nhưng xem ra ngôi nhà “thấp” này vẫn… khó với tới.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2009-2010 đã đầu tư 7.500 tỷ đồng để xây dựng ký túc xá cho 250.000 sinh viên, 2.600 tỷ đồng để giải quyết chỗ ở cho 125.000 công nhân và 3.600 tỷ đồng lo chỗ ở cho 64.000 người thu nhập thấp ở đô thị. Tổng số tiền bỏ ra tưởng là nhiều nhưng chẳng “bõ bèn” gì so với nhu cầu của “đội quân” thu nhập thấp. Bởi hiện trên cả nước có tới 1,4 triệu công nhân, 1,8 triệu học sinh - sinh viên và khoảng 5,86 triệu người thu nhập thấp cần một chỗ ở.

Đến năm 2020, số lượng này sẽ tăng lên tới 4,2 triệu công nhân, 2,7 triệu học sinh - sinh viên và 6,48 triệu người dân đô thị thu nhập thấp. Tính ra, mỗi năm giỏi lắm cũng chỉ thỏa mãn được 9% nhu cầu nhà ở cho công nhân, 14% cho sinh viên và chỉ vỏn vẹn 1% cho người thu nhập thấp. Như vậy, cùng lúc phải đối mặt với hai vấn đề quan trọng nhất. Một là tìm nguồn vốn để xây nhà, trong đó có cả tiền hỗ trợ cho người đủ tiêu chuẩn sử dụng nhà. Hai là tìm cơ chế phù hợp để lựa chọn người đủ tiêu chuẩn theo đúng thứ tự ưu tiên.

Cả hai việc tìm nguồn và tìm người đối với công nhân và học sinh - sinh viên không phải quá khó. Khó khăn nhất là tìm nguồn và tìm người đối với đối tượng thu nhập thấp ở thành thị. Hãy tạm đặt vấn đề tìm nguồn vốn đầu tư sang một bên. Phức tạp nhất lại nằm ở khâu… tìm đúng người thu nhập thấp theo thứ tự ưu tiên để được nhận chỗ ở.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, người thu nhập thấp muốn có được nhà ở xã hội phải trải qua bốn bước. Cách thức “tuyển chọn” hiện nay có những điểm giống và khác với thời kỳ bao cấp. Trước đây, thủ trưởng cơ quan là người ký quyết định cấp nhà ở cho cán bộ, công nhân viên trên cơ sở ý kiến bình xét của công đoàn cơ quan. Hiện nay, quyền xét duyệt nhà ở cho người thu nhập thấp lại nằm trong tay lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội và sở xây dựng của địa phương, không có sự tham gia của cộng đồng.

Cơ chế lựa chọn hiện nay và trước kia có điểm giống nhau “như đúc” là cơ chế “xin - cho” đối với phần ngân sách Nhà nước. Chỉ khác nhau về đối tượng “xin” và người “cho”. Diện người “xin” đã được mở rộng hơn trước đây cho mọi người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế thường trú tại địa phương theo cùng tiêu chí về thu nhập và thực trạng không có nơi ăn, chốn ở. Tuy nhiên, người cho không còn là người quản lý nhân sự mà đã chuyển sang lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và lãnh đạo sở xây dựng tại địa phương. Ai cũng thừa hiểu, đã có “xin - cho” tất yếu phải “đẻ” ra tiêu cực.

Bất kể thứ gì “xin - cho” mà khó khăn, hiếm có, nhất là cả một “mái ấm” cho cả đời người, thì tiêu cực càng có đất phát. Nhiều nước đi trước nước ta đã tìm ra cách lo nhà ở cho những người thu nhập thấp. Để “chặt đứt” cơ chế “xin - cho” họ phải sử dụng tới ba “vũ khí” sắc bén. Một là độ minh bạch thật cao. Hai là người “cho” phải có trách nhiệm giải trình rõ ràng. Ba là cộng đồng phải được tham gia thực sự.

Thời gian gần đây, báo chí và dư luận xã hội đã lên tiếng về tình trạng nhà thu nhập thấp vào tay người giàu; người thu nhập thấp khó với tới nhà ở xã hội… Có lẽ cái gốc của thực trạng này muốn giải quyết phải sử dụng cả ba “vũ khí” mà các nước đã dùng khá thành công.