Ba tàu ngầm hạt nhân Yasen của Nga khiến NATO choáng váng

ANTD.VN - Tàu ngầm hạt nhân Yasen của Nga với tính năng kỹ chiến thuật đáng nể của mình đã khiến các nước NATO cảm thấy "lạnh gáy".

Ba tàu ngầm hạt nhân Yasen của Nga đã gây khó khăn cho NATO trong nhiều năm, giờ đây Moskva còn muốn đóng thêm nhiều tàu loại này, nhà báo Christopher Woody của tờ Business Insider cho biết

Tàu ngầm trang bị tên lửa dẫn đường lớp Yasen đầu tiến được đưa vào biên chế Hải quân Nga trong năm 2013. Sau đó, các tàu ngầm khác thuộc lớp này bắt đầu đi vào hoạt động với tốc độ khá nhanh.

Như tác giả lưu ý, tàu ngầm hạt nhân thứ hai thuộc lớp mang tên Kazan đã được đưa vào hoạt động từ tháng 5/2021. Tiếp theo là chiếc Novosibirsk, được đưa vào biên chế Hải quân Nga tháng 12 cùng năm.

Các nhà lãnh đạo Nga hiện đang xem xét bổ sung thêm nhiều tàu ngầm loại này vào thành phần hạm đội, chúng vốn đã gây ấn tượng và lo lắng cho các chỉ huy NATO với khả năng né tránh bị phát hiện và tấn công các mục tiêu quan trọng.

Dự kiến tàu ngầm tiếp theo mang tên Krasnoyarsk sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2022. Đồng thời, các tàu mới có thể được đặt vào cuối năm nay. Nhà báo Woody lưu ý, trong quá trình hiện đại hóa Quân đội Nga, hạm đội tàu ngầm được quan tâm đặc biệt và đã gây bất ngờ cho các nước láng giềng.

Bà Ine Eriksen Sereyde, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy giai đoạn 2013 - 2017 cho biết, chiếc tàu ngầm lớp Yasen đầu tiên đã gây ra mối lo ngại nghiêm trọng ở đất nước của mình

Nhận thấy sự lợi hại của lớp Yasen, Bộ trưởng Sereide thậm chí còn phải quay sang nhờ Mỹ giúp đỡ Na Uy, nếu xảy ra vấn đề với các tàu ngầm hạt nhân của Nga.

“Tôi nhớ cuộc gặp đầu tiên của tôi với ông Jim Mattis (người đứng đầu Lầu Năm góc giai đoạn 2017 - 2019) với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy. Thứ quan trọng nhất mà tôi mang đến cuộc họp là một bức ảnh chụp tàu ngầm Severodvinsk".

"Điều đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi là phải truyền đạt cho nước Mỹ hiểu rằng đây thực sự là một trong những vấn đề chiến lược lớn mà chúng tôi từng thấy”, bà Ine Eriksen Sereyde thuật lại.

Mối quan tâm đặc biệt của phương Tây là việc tàu ngầm hạt nhân Yasen của Nga có khả năng tấn công các mục tiêu cả trên biển và trên bộ.

Theo bà Sereide, với những tàu ngầm hạt nhân này, Nga có thể thu hẹp khoảng cách giữa Greenland, Iceland và Anh một cách hiệu quả và do vậy, khó có thể đưa quân tiếp viện tới châu Âu nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng.

Ngoài ra những chiếc tàu ngầm này còn rất đáng sợ ở khả năng "tàng hình". Ấn tượng với Yasen, Chuẩn Đô đốc Mỹ J. Dave Johnson vào năm 2014 thừa nhận rằng phương Tây đang phải đối mặt với một kẻ thù cực kỳ nguy hiểm trên biển.

“Chúng tôi sẽ phải đối mặt với những đối thủ tiềm tàng khó khăn. Chỉ cần nhìn vào chiếc Severodvinsk. Tôi rất ấn tượng với con tàu này nên đã yêu cầu Trung tâm Thử nghiệm Hải quân xây dựng một mô hình về nó dựa trên các dữ liệu đã biết”, ông Johnson thừa nhận.

Ngoài đặc biệt yên tĩnh, tàu ngầm Yasen được trang bị hàng chục tên lửa hành trình có khả năng tấn công tàu chiến và mục tiêu mặt đất. Vào cuối năm 2021, Severodvinsk đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa siêu thanh Zircon mới nhất của Nga, nhà phân tích nhớ lại.

Nhà báo cho biết: “Tầm hoạt động xa của các tàu ngầm này và khả năng tấn công mặt đất là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo quân sự NATO khi họ nhận thấy mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như cảng, điều này sẽ rất quan trọng đối với việc tiếp tế và tăng cường binh lực".

Hải quân NATO dự kiến sẽ phải tăng cường năng lực chống ngầm ở mức cực kỳ tốn kém để đối phó những "con quái vật dưới đáy đại dương" của Nga.