“Bà để đi biếu…”

ANTĐ - Sáng nay đi làm, thấy chị hàng rong bê một rổ thị vàng ươm, thơm lừng, biết là mùa thu đã về, lại nhớ đến câu của bà lão trong chuyện Tấm Cám: “Thị ơi thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”, thế là mua một quả, biết đâu lại chả có cô Tấm xinh đẹp từ đó chui ra, hầu hạ phục vụ mình đủ đường. Sướng! - Ký Phường mơ màng.

- Hão huyền! Nhưng chắc qua chuyện này ông không chỉ mơ về cô Tấm xinh đẹp (nhưng hơi ác và nhớ lâu thù dai) mà định nói tới chuyện khác, tỷ như “mùa nào thức ấy” chẳng hạn?

- Chính xác! Những thứ hoa quả quý phải dùng đúng vụ, người xưa gọi là thời trân. Nhưng bây giờ cứ loạn xị ngậu cả lên, hoa quả rau dưa trái vụ đầy đường, ăn vào là ăn hóa chất cả đấy, đừng tưởng là sành điệu.

- Có vẻ hơi giống chuyện bánh Trung thu nhỉ?

- Thêm một lần chính xác. Trung thu - Rằm tháng Tám là Tết của trẻ con, thế mà cách đấy gần 2 tháng người ta đã rục rịch sản xuất các loại bánh “chất lượng cao” với sụn vi cá mập, nhân một trứng hai trứng… đã ra lò, mà tuyệt nhất là mẫu mã, những hộp bánh nhìn cứ hoa cả mắt, sơn son thếp vàng như một tác phẩm nghệ thuật. Nhiều người chỉ muốn ai dùng xong bánh, xin được cái hộp về bày tủ kính.

- Mỗi hộp bánh ấy tiền triệu cả đấy, mấy ai dám ăn, nhưng hàng vẫn bán được vì nhiều người phải mua để đi biếu, còn con cháu nhà mình ấy à, vài cái bánh Xuân Đỉnh truyền thống đã tươm chán.

- Rõ khổ! Người được biếu thì không ăn, người muốn ăn thì phải đi biếu. Mà đã biếu thì phải đi sớm chứ sát Rằm mới đến thì “các anh các chị” còn nhớ ai vào với ai.

- Biếu từ bây giờ thì bánh đến ngày Rằm mốc xanh lên à. Còn ăn thì, cái giống bánh nướng bánh dẻo chỉ tuyệt nhất vào dịp Rằm, nhâm nhi tách trà, miếng bánh, ngắm trăng, thế mới là thưởng thức.

- Thôi thì, ai được biếu bây giờ lại đi biếu tiếp, kiểu “quay vòng” ấy mà!

- Hay! “Bánh ơi bánh đến nhà bà/ Bà đi biếu tiếp chứ bà không ăn”.