[ẢNH] Vu Lan báo hiếu: Hiểu về ý nghĩa thật sự và những điều nên làm trong ngày này

ANTD.VN - Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Lễ hội Vu Lan báo hiếu từ lâu đã trở thành nét văn hóa đẹp của người Việt. Vào ngày này, thường có rất nhiều hoạt động nhằm tri ân, cầu bình an sức khỏe cho cha mẹ.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, phó trưởng Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, nói về ý nghĩa Vu Lan. Theo đó, Vu Lan có ý nghĩa đầu tiên là sự báo hiếu - báo đáp ơn đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong quá khứ, và mong cho cha mẹ luôn nhiều sức khỏe và an lành trong tương lai. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Ý nghĩa thứ hai: Chính là không chỉ trân trọng quá khứ và tương lai mà trong cuộc sống hiện tại, chúng ta phải sống đời thuận thảo với cha mẹ và người thân. Nhất là phải săn sóc cha mẹ khi ốm đau, già yếu, cả vật chất lẫn tinh thần

Ý nghĩa thứ ba là nét truyền thống tri ân và báo ân: người phật tử quan niệm có 4 ân lớn đó là ân Cha mẹ, ân Thầy tổ, ân Quốc gia và ân Chúng sinh. Do đó, ý nghĩa thứ ba của lễ hội Vu Lan chính là lễ hội tri ân và báo ân

Ý nghĩa thứ tư: Truyền thống Vu Lan còn là ngày cứu khổ cho mọi sinh linh trong cuộc sống. Vì vậy người phật tử muốn đến chùa tụng kinh Vu Lan và kinh Báo ân để cứu khổ cho cha mẹ nhiều đời và cả cho mọi người bị nạn trong cảnh khổ

Dưới đây là những hành động con cái nên làm với bố mẹ nhân ngày Vu lan báo hiếu (Nguồn: Lao động)

Làm từ thiện: Vào ngày lễ Vu lan, người ta hay đem tặng những món đồ còn tốt cho các số phận khó khăn, tùy theo khả năng của mỗi người

Ăn chay cùng bố mẹ: Nếu có thể, hãy cùng cha mẹ chuẩn bị những mâm chay đơn giản để bày tỏ lòng thành, cũng như tình cảm của mình với cha mẹ

Đi chùa cầu bình an cùng cha mẹ: Cùng mẹ cha hành hương tới các ngôi chùa, dường như mọi muộn phiền đều được xóa tan, tâm hồn thư thái hơn

Khi lên chùa trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, bạn chỉ nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè… không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả… Hoa tươi lễ Phật thường là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu, hoa hồng, hoa cúc… Quả chín dâng lên ban thờ tốt nhất là các loại quả như chuối, thanh long, nho, bưởi, táo, hồng, đu đủ, hồng xiêm…Tại chùa, bạn chú ý không để tiền thật lẫn tiền âm phủ lên ban thờ hay mâm lễ (Nguồn: Dân Trí)

Hiếu kính với cha mẹ: Nhiều người trẻ ngày nay mải lo cho cuộc sống riêng mà quên đi việc phụng dưỡng cha mẹ. Vậy nên, con cái cần bày tỏ những lời thương yêu chân thành, truyền tải sự thương kính cha mẹ bất cứ khi nào qua lời nói dịu dàng, chăm sóc, quan tâm đến cha mẹ mỗi ngày chứ không chỉ riêng ngày Vu Lan