[Ảnh] Vụ hải táng 3 thuyền viên thổi bùng căng thẳng ngoại giao Indonesia - Trung Quốc

ANTD.VN - Indonesia vừa lên án việc đối xử vô nhân đạo đối với nhóm công dân nước này làm việc trên các tàu đánh cá Trung Quốc. Đặc biệt, việc thi thể 3 thuyền viên trên các tàu này được thả xuống biển khiến dư luận hết sức bức xúc. Vấn đề này đe dọa sẽ gây thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Indonesia, khi nhiều tàu Trung Quốc vốn bị cáo buộc đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 10-5 đã trò chuyện với những thuyền viên Indonesia bị đối xử tệ bạc khi làm việc trên các tàu đánh cá Trung Quốc.

Bà Retno Marsudi tuyên bố hôm 10-5 rằng cách thức hành xử của công ty đánh cá Trung Quốc đối với 49 thuyền viên người Indonesia là vi phạm nhân quyền. “Chúng tôi lên án cách đối xử vô nhân đạo đối với các thuyền viên Indonesia trong quá trình làm việc tại các tàu Trung Quốc”.

Theo đó, 49 ngư dân Indonesia, từ 19 đến 24 tuổi, đã buộc phải làm việc trung bình hơn 18 giờ một ngày trên ít nhất 4 tàu đánh bắt cá dài ngày trên Thái Bình Dương là Long Xin 629, Long Xin 605, Tian Yu 8 và Long Xin 606.

Một số ngư dân không được trả bất kỳ đồng lương nào hoặc không nhận được số tiền như thỏa thuận. Họ làm việc không ngừng nghỉ và điều kiện sống tồi tệ trên con tàu đã khiến thuyền viên đổ bệnh.

Quá trình này, 3 thuyền viên Indonesia đã tử vong vào tháng 12-2019 và tháng 3-2020. Thi thể của họ được thả xuống biển Thái Bình Dương.

Dư luận Indonesia đặt câu hỏi, tại sao các thi thể này lại được thả xuống biển, vì theo hợp đồng, thuyền trưởng phải hỏa táng thi thể của thuyền viên tại khu vực bờ gần nhất và gửi tro cốt về cho gia đình của thuyền viên.

Hầu hết 46 thuyền viên hiện đã trở về Indonesia. Gần đây nhất, 14 người đã trở lại Indonesia hôm 8-5.

Sự việc lần đầu tiên được tiết lộ trong một bản tin của đài truyền hình MBC của Hàn Quốc. Cái chết của những thuyền viên người Indonesia trên tàu cá Trung Quốc đã gây sốc cho công chúng Indonesia bởi nó xảy ra giữa thời điểm họ đang bận rộn chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 khởi phát ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019, sau đó lan ra khắp thế giới

Chính phủ Mỹ, quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất thế giới, đã cáo buộc Bắc Kinh đã cố tình che giấu mức độ nghiêm trọng của virus corona mới trước cộng đồng quốc tế

Có ý kiến cho rằng, rút ra bài học từ vụ dịch Covid-19, trong đó Mỹ và nhiều quốc gia khác đã yêu cầu Trung Quốc phải minh bạch về nguồn gốc của virus và chịu trách nhiệm đối với việc họ làm, Indonesia cũng cần phải như vậy.

Migrant CARE, một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ lao động di cư Indonesia đề xuất, Jakarta nên buộc Bắc Kinh phải minh bạch và chịu trách nhiệm về việc đối xử vô nhân đạo của công dân, chủ tàu và thuyền viên các tàu đánh cá Trung Quốc đối với lao động Indonesia.

Hôm 7-5-2020, Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc Xiao Qian để bày tỏ quan ngại về việc ngược đãi các lao động Indonesia trên các tàu cá Trung Quốc.

“Liên quan đến việc ''chôn cất'' trên biển cho 3 người Indonesia, chính phủ Indonesia một lần nữa yêu cầu làm rõ việc này có tuân theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế hay không”, Ngoại trưởng Indonesia nêu rõ.

Nữ Ngoại trưởng Indonesia cũng yêu cầu chính quyền Trung Quốc điều tra về điều kiện làm việc của các tàu cá. “Nếu cuộc điều tra phát hiện có vi phạm, chúng tôi muốn chính quyền Trung Quốc thực thi công bằng”

Indonesia cũng yêu cầu chính phủ Trung Quốc giúp đảm bảo rằng các công ty nước này đảm bảo đúng quyền lợi của người lao động như trả tiền lương đầy đủ và cung cấp các điều kiện làm việc an toàn.

Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc cam đoan với các quan chức Indonesia rằng chính phủ của họ sẽ đảm bảo các công ty sẽ chịu trách nhiệm theo đúng quy định và hợp đồng.