[ẢNH] Vì sao Trung Quốc đặc biệt lo ngại Ấn Độ cung cấp tên lửa Prithvi cho đồng minh?

ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã khá nhiều lần đề cập đến khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi cho đối tác thân thiết tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Prithvi là một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn, sản phẩm của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), nằm trong Chương trình phát triển tên lửa dẫn hướng tích hợp (IGMDP).

Tên lửa Prithvi I (SS-150) bắt đầu được sản xuất từ ngày 25/2/1988, nhưng phải đến năm 1994 nó mới chính thức được chấp nhận đưa vào phục vụ trong biên chế Lục quân Ấn Độ.

Phiên bản Prithvi I có trọng lượng 4.400 kg; chiều dài 9 m, đường kính thân 110 cm, sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng một giai đoạn. Nó có khá nhiều nét tương đồng với đạn V-750 của hệ thống phòng không SA-2.

Tầm bắn tối đa của phiên bản Prithvi I chỉ đạt 150 km khi mang tải 1.000 kg, độ sai lệch mục tiêu (CEP) nằm trong khoảng 10 - 50 m nhờ cơ chế dẫn đường quán tính kết hợp định vị GPS.

Dựa trên Prithvi I, Ấn Độ đã phát triển tiếp phiên bản Prithvi II (SS-250) dành cho không quân, mặc dù chỉ mang theo đầu đạn 500 kg (trên tổng trọng lượng phóng 4.600 kg) nhưng tầm bắn được nâng lên 250 km.

Biến thể tên lửa đạn đạo tầm ngắn nâng cấp Prithvi II được bắn thử lần đầu tiên vào ngày 27/1/1996, nó chính thức hoàn thành giai đoạn nghiên cứu vào năm 2004. 

Trong lần bắn thử vào ngày 22/12/2010, tầm hoạt động của Prithvi II được ghi nhận đã vươn tới 350 km, tên lửa được nâng cấp hệ thống dẫn hướng và bổ sung các biện pháp đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương.

Biến thể mới nhất trong gia đình Prithvi là phiên bản hải quân Prithvi III (còn gọi là Dhanush, SS-350), loại tên lửa đạn đạo này có kích thước lớn nhất với trọng lượng phóng 5.600 kg.

Giai đoạn đầu khi mới rời bệ phóng, Dhanush sử dụng động cơ nhiên liệu rắn cung cấp lực đẩy 157 kN, giai đoạn tiếp theo chuyển sang bay hành trình bằng động cơ nhiên liệu lỏng.

Tên lửa Dhanush mang được đầu đạn 1.000 kg đi xa 350 km, tăng lên tới 600 km nếu giảm trọng lượng đầu đạn đi một nửa và đạt tới tầm bắn xa nhất 750 km khi mang phần chiến đấu nặng 250 kg.

Lần thử nghiệm đầu tiên của Prithvi III diễn ra vào năm 2000 khi được phóng đi từ chiến hạm INS Subhadra, tên lửa đã đánh trúng mục tiêu với tầm xa và độ sai lệch đúng với thiết kế.

Nhìn chung tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi của Ấn Độ là vũ khí khá uy lực, độ chính xác cao nhưng lại có chi phí sản xuất ở mức tương đối thấp và nhất là cực kỳ dễ sản xuất.

Do vậy nếu được Ấn Độ hỗ trợ công nghệ sản xuất tên lửa Prithvi thì bất cứ đối tác nào của họ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ nhanh chóng làm chủ vũ khí này.

Viễn cảnh trên chắc chắn khiến Quân đội Trung Quốc cảm thấy như ngồi trên đống lửa, bởi vì hơn ai hết họ hiểu rõ sự lợi hại của thứ vũ khí trên nếu được triển khai áp sát.