[ẢNH] Vì sao Thủ tướng Ấn Độ tặng Tổng thống Nga quà đặc biệt là tiêm kích MiG-21?

ANTD.VN - Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ đề nghị quốc gia Nam Á này bán cho mình 3 tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ MiG-21.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn diễn ra tại thủ đô New Delhi hôm 5/10.

Dự kiến lãnh đạo hai nước sẽ ký kết các hợp đồng cung cấp vũ khí có tổng trị giá lên đến hơn 7 tỷ USD, bao gồm 5 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400, 4 tàu hộ vệ tên lửa Dự án 11356 và một số khí tài khác.

Có một điều đặc biệt đó là Tổng thống Putin đã đề nghị Ấn Độ bán cho mình 3 chiếc tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ MiG-21 để trưng bày. Trước mong muốn trên, Thủ tướng Modi đã đáp lễ bằng cách tặng cho Moskva.

Được biết trong quá khứ Ấn Độ từng sở hữu tới 1.200 tiêm kích MiG-21 của Liên Xô, sau khi mua nguyên chiếc giai đoạn đầu thì từ năm 1964 họ bắt đầu được cấp giấy phép để sản xuất trong nước.

Mặc dù từng lên kế hoạch loại biên nhưng hiện nay Không quân Ấn Độ vẫn đang duy trì phi đội 110 tiêm kích MiG-21 đủ các biến thể, trong đó phần lớn là MiG-21 Bison.

MiG-21 Bison của Ấn Độ chính là một dẫn xuất từ phiên bản MiG-21-93 được Nga giới thiệu đầu thập niên 1990 nhằm giúp cho dòng chiến đấu cơ cổ điển này vẫn đáp ứng được các yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Sau khi nghiên cứu một số phương án hiện đại hóa MiG-21 trong đó có cả MiG-21 Lancer của Israel thì New Delhi đã đặt niềm tin vào đối tác truyền thống để mua công nghệ tự nâng cấp tại chỗ.

Tiêm kích MiG-21 Bison của Ấn Độ được trang bị hệ thống điện tử, vũ khí tiên tiến. Cụ thể, máy bay lắp đặt radar điều khiển hỏa lực Kopyo có tầm hoạt động 57 km, theo dõi đồng thời 10 mục tiêu và tiêu diệt 2 trong số đó.

Trước khi nâng cấp, MiG-21 chỉ có khả năng mang tên lửa không đối không thế hệ cũ như R-3S, R-60 và hoàn toàn không thể sử dụng tên lửa không đối đất có điều khiển.

Sau khi được hiện đại hóa, máy bay đã có thể mang các loại tên lửa không đối không tiên tiến như R-73E, R-27, R-77, thậm chí cả tên lửa chống radar Kh-25MP.

Nhìn chung, biến thể tiêm kích MiG-21 Bison  tập trung nâng cấp mạnh yếu tố hỏa lực, mang lại khả năng không chiến tầm xa tăng gấp 10 lần so với nguyên bản.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự quốc tế, MiG-21 Bison có khả năng đối phó với biến thể F-16 đời đầu của Mỹ, giá thành của gói nâng cấp này rất rẻ, ước tính chỉ 4,5 triệu USD.

MiG-21 Bison của Ấn Độ cũng được nhận định vượt trội các biến thể hiện đại hóa của dòng J-7 (phiên bản MiG-21 do Trung Quốc sản xuất) ở trong tình huống không chiến ngoài tầm nhìn.

Việc Nga muốn sở hữu 3 chiếc MiG-21 Bison của Ấn Độ có thể là do nguyên mẫu MiG-21-93 thì được sản xuất với 1 chiếc duy nhất, không đủ để đưa đi trưng bày ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, trưng bày một tiêm kích đã trải qua thời gian dài hoạt động và thậm chí đã tham chiến sẽ có giá trị hơn nhiều so với máy bay chỉ được chế tạo để thử nghiệm.

Đây có thể coi là một chỉ dấu cho thấy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ đang có dấu hiệu ấm trở lại sau một thời gian thoái trào vì xuất hiện nhiều tranh cãi quanh các dự án liên kết chế tạo vũ khí.