[ẢNH] Vì sao Nga trở thành nhân tố quyết định chấm dứt xung đột Israel - Palestine?

ANTD.VN - Tạp chí National Interest của Mỹ viết: “Xung đột ở Dải Gaza vẫn leo thang và Điện Kremlin đang tìm giải pháp cân bằng để duy trì cũng như mở rộng mạng lưới lợi ích phức tạp của mình tại Trung Đông”.

Trong lúc này tại Dải Gaza, Israel cùng với Hamas vẫn đang tấn công các mục tiêu của nhau, và theo nhiều chuyên gia, tình hình lần này là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2014.

Cùng lúc đó, Israel đang phải đối diện với rắc rối lớn bởi làn sóng phản đối nội bộ và những cuộc biểu tình do người Palestine tiến hành, Tel Aviv cũng rất muốn nhanh chóng chấm dứt căng thẳng hiện nay.

Mối quan tâm về tình hình Trung Đông được bày tỏ từ các phía khác nhau trong cộng đồng thế giới, nhưng ít ai có thể đưa ra một giải pháp chính trị cụ thể.

Chính quyền Tổng thống Biden bị ràng buộc bởi thỏa thuận an ninh nhiều năm với Israel, nhưng có một nhóm đảng viên Dân chủ lên tiếng ủng hộ Palestine, vì vậy hiện tại Washington chỉ kêu gọi chấm dứt bạo lực.

Ở chiều ngược lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyiv Erdogan đang cố gắng tỏ ra là nhà lãnh đạo trên thực tế của thế giới Hồi giáo và ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cấp tốc kiềm chế Israel..

Cụ thể, Tổng thống Erdogan đã thảo luận với người đồng cấp Nga Putin về ý tưởng thành lập một "lực lượng quốc tế để bảo vệ người Palestine", nhưng điện Kremlin đang hành xử rất mềm mỏng.

Chính quyền Nga đã mất nhiều thời gian để xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả với Israel. Nga cần sự ủng hộ khi tiến hành hoạt động quân sự ở Syria.

Đồng thời Nga không giống như các nhiều quốc gia khác, họ không coi Hamas là một tổ chức khủng bố và đã từng tiếp đón nhiều phái đoàn của phong trào Hồi giáo này trong quá khứ.

Tờ tạp chí Mỹ nhận định: “Do nắm uy quyền trong khu vực và sự tin tưởng mà cả hai bên tham chiến dành cho mình, Moskva giữ một vị trí độc nhất, trong đó có thể ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải giữa Israel và Palestine".

Đồng thuận với quan điểm trên, các chuyên gia tại Moskva chỉ ra rằng, Nga có thể được hưởng lợi từ điều này nếu họ hành động một cách chính xác.

Tuy nhiên điện Kremlin không có mong muốn cũng như không có phương tiện để đi đầu trong việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột hiện tại, National Interest lưu ý.

Moskva đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình trong nhóm thành viên quốc tế nhằm duy trì hòa bình. Vì vậy Bộ trưởng Lavrov đã có cuộc họp khẩn cấp với "Bộ tứ Trung Đông", gồm Liên hợp quốc, Mỹ, EU và Nga.

Nga đề xuất mở rộng hình thức của bộ tứ, thêm vào Ai Cập, Jordan, UAE, Bahrain, Israel và Palestine, cũng như Saudi Arabia. Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong nhóm này, bởi rõ ràng họ đang quá sốt sắng trong việc áp đặt ý chí lên Israel.

Tạp chí National Interest viết: “Moskva đang sử dụng một con dao để tiếp cận tiến trình hòa giải phức tạp giữa Israel và Palestine, mục đích nhằm cắt bỏ khối u xung đột tại Trung Đông".

Vì vậy đại sứ Palestine tại Moskva đã bày tỏ sự tin tưởng rằng Nga có thể chuyển tải một cách trung thực các lợi ích của họ tới Israel: “Nga bảo vệ lợi ích của chúng tôi. Và như đồng nghiệp của tôi, Đại sứ Jordan đã nói, Nga có quan hệ mạnh mẽ và đủ sức gây ảnh hưởng lên Israel".

Tác giả bài báo lưu ý rằng điều này có thể không đúng, nhưng tuyên bố như vậy nên được coi là một dấu hiệu tốt cho những nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

Người Palestine nhiều khả năng sẽ ngồi xuống bàn đàm phán và chấp nhận kết quả nếu họ nghĩ rằng lợi ích của mình được đại diện ở đó, tạp chí National Interest kết luận.