[ẢNH] Trước khi chào hàng Rafale Pháp từng từ chối bán tiêm kích "khủng" cho Việt Nam

ANTD.VN - Nếu trong quá khứ Pháp không từ chối bán tiêm kích Mirage 2000 cho Việt Nam thì có lẽ cơ hội cho chiến đấu cơ Rafale vào thời điểm hiện tại sẽ là rất xán lạn.

Trong tuần qua, 3 tiêm kích Rafale của Pháp đã có chuyến thăm Việt Nam, mục đích của hành động này được cho là nhằm giới thiệu tính năng của dòng chiến đấu cơ này tới khách hàng tiềm năng.

Sở dĩ Pháp đưa tiêm kích Rafale sang Việt Nam vào thời điểm này được nhận xét là do chúng ta đang dự định đặt mua chiến đấu cơ hạng nhẹ phương Tây để thay thế cho MiG-21 đã nghỉ hưu.

Mặc dù vậy triển vọng của tiêm kích Rafale tại Dải đất hình chữ S bị đánh giá là không cao, ngoài lý do giá đắt thì còn một nguyên nhân khác từ quá khứ.

Tạp chí quốc phòng Jane's cho biết, vào giữa thập niên 1990, Việt Nam đã có ý định đặt mua một trung đoàn Mirage 2000 của Pháp với số lượng 24 chiếc để làm chủ lực mới cho không quân.

Mirage 2000 là một tiêm kích đa nhiệm cánh tam giác rất nhanh nhẹn được sản xuất và đưa vào sử dụng trong Không quân Pháp từ năm 1982, nó có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,2; tầm bay 1.550 km. 

Dù nhỏ bé nhưng Mirage 2000 có tải trọng rất lớn với khả năng mang theo tới 6,3 tấn vũ khí, các biến thể nâng cấp về sau có thể mang theo tới 7 tấn vũ khí. 

Máy bay có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn MICA hoặc R-550, tên lửa không đối đất AS-30L, tên lửa hành trình tấn công mặt đất ASMP hoặc tên lửa không đối hạm Exocet AM39.

Hệ thống điện tử của Mirage-2000 khá hiện đại với cảm biến chính là radar xung Doppler Thomson-CSF RDY có tầm phát hiện mục tiêu tối đa 110 km ở chế độ đối không và 37 km ở chế độ đối đất.

Radar có thể phát hiện 24 mục tiêu, theo dõi đồng thời 8 mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.

Được biết quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Pháp tiến triển rất tốt đẹp, nhưng do áp lực từ Mỹ mà Paris đã hủy bỏ thương vụ trên.

Sau khi không thành công với việc đặt mua tiêm kích Mirage 2000, Việt Nam đã quay lại với bạn hàng truyền thống là Nga để mang về tiêm kích hạng nặng Su-27 cùng với Su-30.

Việc bỏ lỡ cơ hội trong quá khứ khiến tiêm kích Pháp giờ đây rất khó lòng xâm nhập được vào thị trường Việt Nam một lần nữa.

Giả sử khi đó Pháp đồng ý bán Mirage 2000 thì họ sẽ đứng trước cơ hội cực lớn tiếp tục xuất khẩu được thế hệ sau là Rafale tới Dải đất hình chữ S này.

Bởi vì tính từ năm 1990 tới nay thì tiêm kích Mirage 2000 cũng đã sắp hết hạn sử dụng và Việt Nam sẽ cần mua tiếp chiến đấu cơ thay thế, cơ hội lớn khi đó dĩ nhiên thuộc về Rafale vì tính kế thừa.

Nhưng khi người Pháp không nắm bắt được cơ hội Việt Nam trao tặng cách đây gần 30 năm thì có lẽ họ chỉ nên tự trách mình là hơn.