[ẢNH] Trung Quốc cho JH-7 phóng tên lửa thị uy, coi chừng ‘gậy ông đập lưng ông’

ANTD.VN -  Trung Quốc vừa huy động gần 100 phi công tham gia đợt diễn tập phóng hàng chục tên lửa đối không gần đảo Hải Nam. Đáng chú ý lần này họ dùng nhiều máy bay cường kích JH-7, loại máy bay nổi danh là thiếu an toàn bay với rất nhiều vụ tai nạn xảy ra.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết đợt diễn tập bắn đạn thật được lực lượng không quân hải quân thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam Trung Quốc tổ chức ở vùng biển phía tây đảo Hải Nam trong hai ngày 20-21/10, nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể.

Hình ảnh do CCTV công bố cho thấy các cường kích JH-7 và tiêm kích J-11 được lắp tên lửa trước khi cất cánh. "Nhiều phi công mới đã lần đầu được khai hỏa tên lửa. Đợt diễn tập nhằm kiểm tra khả năng sử dụng vũ khí của phi công trong điều kiện chiến đấu thực tế", thông báo của CCTV có đoạn viết.

Quân đội Trung Quốc gần đây gia tăng diễn tập quân sự tại các vùng biển trong khu vực cũng như trên bầu trời gần đảo Đài Loan, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Quân đội Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những tháng qua, triển khai hàng chục chuyến bay của các loại trinh sát cơ gần đảo Đài Loan và bờ biển Trung Quốc đại lục.

Việc Trung Quốc đem loại máy bay cường kích JH-7 bắn tên lửa thị uy khiến giới quan sát không khỏi lo ngại, do loại máy bay này nổi tiếng thiếu an toàn.

Xian JH-7 là loại cường kích bom xương sống của không quân và hải quân Trung Quốc, tuy vậy loại chiến đấu cơ này đang có tỷ lệ tai nạn khá cao, thậm chí chúng còn bị đặt cho biệt danh là "quan tài bay" hay "cỗ máy tạo ra các góa phụ".

Xian JH-7 (tên ký hiệu của NATO: “Flounder”) là máy bay tiêm kích bom “nội địa hóa” do Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An nghiên cứu phát triển.

JH-7 là viết tắt của từ Jian Hong-7, trong đó “Jian” là chỉ máy bay tiêm kích, “Hong” là tên hiệu của máy bay ném bom.

JH-7 còn có một phiên bản dành cho mục đích xuất khẩu là FBC-1 (Fighter/Bomber China-1) “Phi Báo” (Flying Leopard).

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại không có bất kỳ khách hàng quốc tế nào ngó ngàng tới FBC-1.

Theo các thông tin khác nhau, quân đội Trung Quốc có 160-180 máy bay JH-7 và vẫn đang tiếp tục sản xuất.

Các cơ cấu tham gia sản xuất loại máy bay này là Tập đoàn Công nghiệp máy bay Tây An và Viện thiết kế máy bay 602.

Loạt máy bay JH-7 đầu tiên được biên chế vào giữa thập niên 1990 để thử nghiệm đánh giá và phiên bản cải tiến JH-7A bắt đầu hoạt động trong năm 200

JH-7 có chiều dài 22,32m; sải cánh 12,7 m; chiều cao 6,57m; trọng lượng không tải 14.500 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 28.475 kg.

Loại máy bay tiêm kích bom này có khả năng tác chiến cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

Máy bay được trang bị 02 động cơ Xian WS9, lực đẩy 54 kN, đốt nhiên liệu lần hai là 91,2 kN mỗi chiếc; vận tốc cực đại 1.808 km/h trên độ cao 11.000 m; tốc độ tuần tra 903 km/h; tầm bay 3.650 km; bán kính chiến đấu 1.650 km); trần bay 15 km.

JH-7 có thể mang được 6.500 kg vũ khí; được trang bị 01 pháo tự động hai nòng 23 mm GSh-23L, 300 viên đạn.

Ngoài ra còn có tên lửa không đối không PL-5, tên lửa chống hạm YJ-8K và YJ-82K, tên lửa chống radar YJ-91 và được trang bị bom rơi tự do và điều khiển bằng laser.

Tuy chất lượng thấp hơn nhiều so với đối thủ cùng loại của Nga và Mỹ nhưng JH-7 là máy bay đơn giản và nhẹ hơn so với máy bay cường kích Su-24 hay F-111, đồng thời rẻ hơn rất nhiều so với máy bay tiêm kích đa chức năng Su-30.

JH-7 chính là đại diện tiêu biểu cho xu hướng vũ khí của Trung Quốc “hàng rẻ, số lượng nhiều để bù chất lượng”.