[ẢNH] Trong 48h mất tới 3 chiến đấu cơ tối tân, điều gì đang xảy ra với không quân Mỹ?

ANTD.VN - Chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ, không quân Mỹ đã mất tới 3 chiếc máy bay chiến đấu tối tân, bao gồm tiêm kích hạm đa năng có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier, trực thăng hạng nặng CH-53E Super Stallion và tiêm kích hạng nhẹ đa năng F-16 Fighting Falcon.

Liên tiếp các vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra đối với không quân Mỹ. Họ mất tới 3 máy bay chiến đấu hiện đại chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ vừa qua. 

Các vụ tai nạn đã làm ít nhất 4 người chết.

Đây được coi là chuỗi tai nạn tồi tệ nhất đối với không quân Mỹ trong những năm trở lại đây.

Theo Fox News, chiếc máy bay đầu tiên của Thủy quân Lục chiến Mỹ gặp nạn là dòng chiến đấu cơ đa năng AV-8B Harrier được trang bị riêng cho lực lượng này.

Chiếc máy bay trên gặp sự cố khi đang tham gia một cuộc diễn tập ở Djibouti, Đông Phi trong hôm 3-4.

Điều khá may mắn là phi công của chiếc AV-8B Harrier trên đã kịp thoát ly ra khỏi máy bay an toàn trước khi xảy ra va chạm. 

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra sau khi chiếc AV-8B Harrier hoạt động ít nhất 4 giờ trên không.

 AV-8B Harrier là máy bay được trang bị riêng cho lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ. 

Loại máy bay này có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

AV-8B Harrier II chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công nhanh, từ hỗ trợ trên không cho các lực lượng mặt đất tới trinh sát vũ trang.

AV-8B Harrier II có chiều dài 14,1m; sải cánh 9,25m; chiều cao 3,55m và diện tích cánh 22,6m2.

Trọng lượng rỗng của AV-8B Harrier II là 6.340kg; trọng tải tối đa của chiếc máy bay này là 14.100kg.

AV-8B Harrier II sử dụng động cơ Rolls-Royce F402-RR-408.Vận tốc cực đại của AV-8B Harrier II là Mach 0,9; tầm bay 2.200km, trần bay 16.500m.

AV-8B Harrier II được trang bị radar APG-65 có tầm quét lên tới 180km, khả năng phát hiện trên 10 mục tiêu và tiêu diệt đồng thời 4 mục tiêu cùng lúc.

Máy bay được trang bị pháo 25mm và nhiều rocket, cùng bom thông minh dẫn đường bằng laser. Trước khi được thay thế hoàn toàn bởi F-35B, AV-8B vẫn là loại máy bay chủ lực được trang bị trên các tàu đổ bộ của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.

Vụ tai nạn thứ hai xảy đến với dòng trực thăng siêu trọng CH-53E của Mỹ.

Vụ tai nạn xảy ra vào chiều 3-3, tại El Centro, California.

 Được biết chiếc máy bay bị rơi trong quá trình huấn luyện khiến 4 thành viên trên chiếc máy bay thiệt mạng.

CH-53E Super Stallion (Siêu mã) là trực thăng quân sự lớn nhất và nặng nhất hiện phục vụ trong quân đội Mỹ, do hãng Sikorsky Aircraft chế tạo.

CH-53E Super Stallion có bề ngoài gần giống với CH-53 Sea Stallion, tuy nhiên nó được trang bị 3 động cơ cung cấp công suất mạnh hơn so với 2 động cơ của Sea Stallion.

CH-53E cũng có 7 cánh quạt nâng thay vì 6 cánh quạt nâng ở CH-53.

CH-53E có thể chuyên chở 55 người hoặc tải được 13.610 kg hàng hóa, ngoài ra nó còn có thể chở thêm 16.330 kg hàng hóa treo bên ngoài thân máy bay.

CH-53E Super Stallion là máy bay lên thẳng duy nhất có khả năng mang cả tiểu đội pháo 155 mm (bao gồm pháo, đạn dược cùng binh lính).

Tốc độ bay hành trình của Super Stallion là khoảng 278 km/h và tầm bay là 1.000 km.

Những phiên bản nâng cấp của CH-53E được trang bị thiết bị nhìn đêm (HNVS), súng máy 50 BMG (12,7 mm) GAU-21/A và M3P được cải tiến, và thiết bị nhìn phía trước bằng hồng ngoại (FLIR) AAQ-29A.

Phi hành đoàn: 5 người, gồm 2 phi công, 1 chỉ huy kiêm xạ thủ súng máy bên phải, 1 xạ thủ súng máy bên trái, 1 xạ thủ súng máy ở đuôi.

Bắt đầu được đưa vào biên chế lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ từ năm 1981, CH-53E Super Stallion từ đó trở thành "trụ cột" của Lính thủy Đánh bộ Mỹ trong tất cả các nhiệm vụ vận tải hạng nặng và chuyển quân.

Đến nay đã có khoảng 165 chiếc CH-53 Super Stallion được các phi đội bay vận tải của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng.

Và vụ tai nạn mới nhất liên quan đến chiến đấu cơ hạng nhẹ đa năng F-16 của Mỹ.

F-16 đã bị rơi tại Căn cứ Không quân Nellis, ngoại ô thành phố Las Vegas trong quá trình huấn luyện thường lệ tại Thao trường Huấn luyện và Kiểm định Nevada.

Số phận viên phi công hiện vẫn chưa được rõ. Lực lượng cứu hộ khẩn cấp đang được điều động tới hiện trường.

"Chúng tôi sẽ cho biết rõ hơn ngay khi có thêm thông tin chi tiết. Vụ tai nạn đang được tiến hành điều tra", thông cáo báo chí của Không quân Mỹ xác nhận.

Theo giới chức quân sự Mỹ, vụ việc xảy ra lúc 10:30 giờ địa phương (17:30 GMT) ngày thứ Tư (4-4).

F-16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ.

Đây là dòng máy bay thế hệ thứ 4 thành công nhất thế giới khi có tới 4.500 chiếc được sản xuất và phục vụ trong 24 quốc gia.

Sự linh hoạt và giá thành không quá cao là yếu tố hàng đầu dẫn tới thành công của F-16 trên thị trường xuất khẩu.

Tuy chỉ có một động cơ, nhưng với công suất 28.600 lbf của động cơ F110-GE-100 đã giúp máy bay đạt vận tốc Mach 2.

Một số phiên bản F-16 được trang bị radar tầm xa AN/APG-68 phạm vi hoạt động lên tới 300km, với khả năng theo dõi 10 mục tiêu cùng một lúc.

F-16 được trang bị 11 giá treo, mang 7,7 tấn vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hải cùng nhiều loại bom dẫn đường thông minh khác.

Việc liên tục để mất các máy bay hiện đại đã đặt ra mối nghi ngại cho không quân Mỹ.

Được biết, đây là tổn thất lớn nhất của không quân Mỹ trong những năm trở lại đây khi mà hầu như các hoạt động tác chiến trực tiếp của lực lượng này ở nước ngoài đều được hạn chế kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2017.