[ẢNH] Tổng thống Trump bất ngờ gỡ bỏ lệnh cấm dùng mìn chống bộ binh

ANTD.VN - Ông Trump cho phép quân đội Mỹ triển khai mìn chống bộ binh ở các địa điểm ngoài bán đảo Triều Tiên, xóa bỏ chính sách có từ thời Tổng thống Obama.

"Lầu Năm Góc đánh giá lệnh cấm áp dụng từ thời chính quyền Obama sẽ khiến lực lượng Mỹ gặp bất lợi nghiêm trọng trong xung đột. Tổng thống Trump không chấp nhận mối đe dọa như vậy, ông đang xây dựng lại quân đội của chúng ta và nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết", Nhà Trắng hôm qua ra thông cáo cho hay.

Ông chủ Nhà Trắng cho phép quân đội Mỹ cài mìn ở khắp nơi trên thế giới "trong những tình huống đặc biệt", đồng thời bật đèn xanh để sử dụng thế hệ mìn mới có khả năng bị vô hiệu hóa hoặc phá hủy từ xa, thay vì trở thành mối đe dọa sau chiến tranh.

Chính quyền cựu tổng thống Barack Obama thông qua lệnh cấm hồi năm 2014, nhưng cho phép quân đội Mỹ tiếp tục triển khai mìn chống bộ binh trên báo đảo Triều Tiên để đối phó nguy cơ tấn công từ Bình Nhưỡng. 

Ông Obama cũng ra lệnh phá hủy kho dự trữ mìn không dùng cho nhiệm vụ bảo vệ Hàn Quốc, khẳng định Washington sẽ không hợp tác phát triển loại vũ khí này.

Nếu như súng đạn được thiết kế để tiêu diệt kẻ thù thì 'địa lôi' hay mìn chống bộ binh lại không như vậy, chúng không đủ mạnh để giết chết nạn nhân nhưng lại gây thương tật vĩnh viễn cho họ.

Về cơ bản, mìn chống bộ binh là thiết bị có khả năng kích nổ theo sự chủ ý của người sử dụng hoặc thậm chí là kích nổ tự động, do nạn nhân vô tình kích hoạt khi giẫm, đá hoặc vướng vào nó trên chiến trường. 

Các loại mìn chống người phần lớn không có khả năng giết người, nó chỉ khiến nạn nhân của mình chịu thương tật vĩnh viễn, khiến đối phương phải tập trung thêm nhân lực vào việc sơ tán thương binh và mất đi nhiều tay súng khi đụng độ trực tiếp. 

Có hai kiểu mìn chính là mìn tự chế và mìn tiêu chuẩn. Nếu như các loại mìn tiêu chuẩn thường chỉ có một vài cách kích hoạt, trong đó kích hoạt do các tác động vật lý lên là chủ yếu thì mìn tự chế lại có cả trăm cách điều khiển, tùy vào trí tưởng tượng của người chế tạo ra chúng, ví dụ như hẹn giờ bằng đồng hồ, kích nổ bằng điện thoại, bằng cảm biến địa chấn...

Năm 1997, Hiệp ước Ottawa đã được ký kết giữa nhiều quốc gia để chấm dứt việc sử dụng mìn chống người trong chiến tranh. Tuy nhiên Israel, Trung Quốc, Pakistan, Nga và Ấn Độ vẫn chưa chịu ký vào hiệp ước này. 

Có thể chia mìn ra làm một vài loại nhất định, trong đó loại phổ biến nhất là mìn dẫm nổ. Loại mìn này sẽ có tự động kích hoạt khi có lực tác động từ trên xuống, lực tác động với mìn chống người thường là khoảng 50 kg trở lên.

Đặc điểm của loại mìn này khi sử dụng để chống bộ binh đó là sức sát thương thường không lớn, chỉ đủ để triệt hạ duy nhất người dẫm lên nó, người đứng cạnh có thể hoàn toàn bình an vô sự. 

Kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, loại mìn được kích nổ bởi sóng từ trường do máy dò mìn tạo ra đã được cho là xuất hiện. Loại mìn này sẽ tự kích nổ ngay lập tức khi phát hiện ra chúng đang bị... dò. 

Điều này sẽ gây hoang mang cực độ cho các lực lượng tham gia công tác dò mìn vì máy dò mìn của họ lúc này đã biết thành thiết bị kích hoạt mìn.

Ngay khi ra đời, loại mìn tự kích hoạt bằng sóng từ trường đã nhanh chóng bị đưa vào tầm ngắm của các tổ chức chống mìn trên thế giới vì nó được coi là loại mìn... không thể bị dò ra và có thể gây nguy hại cho cả các lực lượng dọn dẹp bom mìn sau khi chiến tranh đã kết thúc.

Cuối cùng là mìn định hướng, loại mìn này được thiết kế để tiêu diệt đối phương mà không ảnh hưởng tới các công trình hoặc binh lính xung quanh. 

Loại mìn này thường được triển khai bên cạnh tường rào hoặc rào dây thép gai, đảm bảo tiêu diệt được đối phương có ý định đột nhập nhưng cũng chắc chắn không vô tình... tự thổi bay hệ thống rào dây thép gai của quân mình.

Về cơ bản, mìn định hướng chỉ nổ về một hướng nhất định, hướng phía sau là an toàn, không bị ảnh hưởng nhiều bởi vụ nổ.

 Do dồn toàn bộ năng lượng về một phía, loại mìn này có sức công phá lớn hơn hẳn so với các loại mìn có lượng thuốc nổ tương đương nhưng lại nổ phát tán ra 360 độ xung quanh nó.