[ẢNH] Tiêm kích tàng hình Su-57 dù được phép xuất khẩu nhưng vẫn sẽ ế ẩm ban đầu, tại sao?

ANTD.VN - Nga lên tiếng cho biết nước này đã xem xét để cho phép xuất khẩu Su-57, loại chiến đấu cơ tiến tiến nhất của nước này. Tuy vậy giới quan sát cho rằng dù Nga có lên tiếng bán nhưng sẽ ít có nhiều quốc gia xuống tiền để mua loại tiêm kích còn rất mới này, vậy đâu là nguyên nhân cho nhận định trên?

"Chính phủ Nga đang xem xét các tài liệu liên quan đến giấy phép xuất khẩu sản phẩm của dự án PAK-FA, trong đó có đổi tên dòng tiêm kích này từ T-50 thành Su-57", nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp hàng không Nga hôm qua tiết lộ.

Đại diện Rostec, tập đoàn nhà nước nắm phần lớn cổ phần tại các hãng sản xuất vũ khí Nga, cho biết toàn bộ tài liệu về dự án Su-57 đã được trình lên chính phủ nước này.

 "Tổng thống Vladimir Putin dự kiến phê duyệt giấy phép xuất khẩu hoàn chỉnh sau vài tuần nữa", Viktor Kladov, giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế của Rostec, cho biết.

Nga xem xét cấp giấy phép xuất khẩu cho dự án PAK-FA sau khi Ấn Độ, quốc gia từng tham gia dự án, bày tỏ sự quan tâm đến tiêm kích Su-57. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu năm ngoái cho biết Ankara cũng sẵn sàng mua Su-57 nếu Washington từ chối bàn giao siêu tiêm kích F-35A.

Ngoài ra Nga cũng cho biết đang có rất nhiều khách hàng quan tâm và có thể sẽ mua loại tiêm kích tối tân này. 

Tuy vậy giới quan sát lại đánh giá tương lai ảm đạm của Su-57 trên thị trường xuất khẩu ít là trong giai đoạn ban đầu.

Sở dĩ giới phân tích đưa ra đánh giá như vậy là do Su-57 vẫn đang trong quá trình phát triển và sẽ còn rất nhiều thời gian và cả những kinh nghiệm thực tiễn trước khi loại máy bay này mới thực sự trở thành sát thủ trên không. 

Thứ nhất Su-57 vẫn bị đánh giá "chiếu dưới" về năng lực tàng hình nếu so sánh với F-22 và F-35.

Thông số bộ lộ radar của Su-57 lớn hơn rất nhiều so với F-35 chứ chưa nói tới F-22.

Nhà sản xuất Nga tuyên bố, diện tích phản xạ radar (RCS) của Su-57 vào khoảng 0,01 m2, Ấn Độ khẳng định con số này ở mức 0,3 m2. Trong khi đó, RCS của máy bay F-22 Mỹ ước tính chỉ khoảng 0,0001 m2 và F-35 là 0,001 m2.

Thứ đến là Nga vẫn chưa hoàn thiện động cơ dành cho tiêm kích Su-57. Hiện nay chúng vẫn đang phải dủng động cơ của Su-35. Không loại trừ khả năng lô sản xuất đầu tiên của dòng tiêm kích này vẫn phải cậy nhờ vào động cơ của máy bay thế hệ thứ 4.

Dù là tiêm kích hạng nặng nhưng khả năng mang vũ khí của Su-57 thua cả F-35 Mỹ. Ở chế độ tàng hình cả hai loại máy bay này đều mang khoảng 2,5 tấn vũ khí, còn khi ở chế độ "quái thú", tức không tàng hình thì F-35 có thể mang tới 10,5 tấn vũ khí so với 8 tấn trên Su-57 Nga. 

Hiện nay giá bán của Su-35 qua thương vụ với Trung Quốc và Ai Cập đang dao động từ 105 - 110 triệu USD, như vậy cao hơn cả F-35 vốn đang về mức 90 triệu USD trong năm 2020. Chắc chắn một điều giá bán của Su-57 sẽ không thể thấp hơn Su-35.

Vì vậy với một tiêm kích mới như Su-57, dù được quảng bá những tính năng cực đỉnh, nhưng việc chưa kinh nghiệm thực chiến nhiều sẽ khiến các quốc gia khó xuống tiền để mua.

Trước đây Nga đã từng đem Su-57 tới Syria, tuy nhiên chúng chỉ qua đó vài ngày rồi lại trở về Nga. Đây chưa thể coi là đã có kinh nghiệm thực chiến.

Không thể phủ nhận Su-57 vẫn là dòng chiến đấu cơ thế hệ mới cực đáng gờm của Nga. 

Nguyên mẫu thử nghiệm của dự án PAK-FA mang tên mã T-50, trước khi dòng tiêm kích này được đặt tên Su-57 hồi cuối năm 2017.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Su-57 sở hữu nhiều tính năng đáng ngưỡng mộ như trang bị tổ hợp vô tuyến điện tử đa năng tích hợp Sh121 và cụm cảm biến quang - điện tử 101KS Atoll, cho phép mở rộng tầm theo dõi mục tiêu, nhất là với những tiêm kích tàng hình đối phương.

Khả năng vận hành tốt trên đường băng dã chiến, động cơ trang bị hệ thống đẩy vector (TVC) và khoang vũ khí trong thân lớn, mang được nhiều loại tên lửa hạng nặng cũng là những đặc điểm được chuyên gia phương Tây đánh giá cao trên Su-57.

Khả năng mang đa dạng chủng loại vũ khí cùng độ cơ động cực cao là những điểm mạnh mẽ của dòng Su-57 so với những tiêm kích thế hệ thứ 5 khác.

Nhưng để thành một chiến thần thực sự trên không, Nga sẽ phải cần ít nhất một thập kỷ nữa sau khi Su-57 đã năm lần bảy lượt phải lùi thời hạn biên chế do chưa khắc phục được vấn đề kỹ thuật.

Để trở thành món hàng hót trên thị trường, Su-57 sẽ cần một khoảng thời gina nữa và đôi khi chúng cũng cần phải thực chiến để khẳng định mình như Su-35 đã làm tại Syria.