[ẢNH] Thổ Nhĩ Kỳ đánh tan người Kurd tại Afrin, Mỹ lo sợ viễn cảnh bị hất văng khỏi Syria

ANTD.VN - Cuộc chiến tại Syria đang có những diễn biến bất ngờ, người Kurd đã thất trận và khu vực Afrin đã rơi vào quyền kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng FSA. Người Kurd chuyển sang chiến tranh du kích trong khi đó Mỹ lo lắng về một viễn cảnh có thể họ sẽ mất đi vị thế tại chiến trường Syria.

Khu vực Afrin đã chính thức rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh là quân đội Syria tự do (FSA). Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, đã hoàn toàn kiểm soát trung tâm khu vực Afrin và phần lớn các chiến binh người Kurd đã phải rút lui khỏi đây.

Hình ảnh khu vực Afrin sau khi rơi vào tay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng FSA.

Afrin vốn là thủ phủ của người Kurd tại Syria kể từ năm 2012 sau khi quân đội Syria buộc phải rút lui khỏi khu vực này để dốc quân giao chiến với các cánh quân khủng bố.

Những con đường bên trong khu vực Afrin.

Cờ của lực lượng quân đội Syria tự do (FSA).

Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng FSA tuần tra bên trong khu vực vừa chiếm đóng.

Năm 2014 người Kurd từng tuyên bố khu vực Afrin là khu vực tự trị của họ.

Tuy nhiên chính quyền trung ương Syria không công nhận điều này.

Khi cuộc tấn công quân đội Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra, người Kurd lên tiếng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Assad cùng với họ đứng lên để bảo vệ đất nước.

Gạt qua những bất hòa, quân đội Syria (SAA) và lực lượng dân quân người Kurd (YPG) đã cùng lập phòng tuyến và chống đỡ trước các cuộc tấn công của liên minh Thổ Nhĩ Kỳ và FSA.

Các biểu tượng bên trong khu vực Afrin bị tay súng FSA giật sập.

Các binh sĩ FSA vui mừng vì đã đánh chiếm được khu vực này.

Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bên lá quốc kỳ của mình trong khu vực Afrin.

Bởi vì khu vực Afrin giáp với biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, việc người Kurd (kẻ thù của Ankara) chiếm đóng khu vực này tạo cho Ankara nhiều lo ngại.

Bất chấp chủ quyền của Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vào lãnh thổ nước này và bắt đầu cuộc chiến tranh với người Kurd.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ mang tên "cành ô liu", họ tuyên bố rằng sẽ phải bắt người Kurd phải trở về khu vực trước đây của mình.

Giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ luôn tồn tại những bất đồng.

Người Kurd muốn lập lại một quốc gia như lịch sử trước đó.

Dân tộc Kurd vốn có lãnh địa với quyền tự trị riêng, nhưng trải qua những thăng trầm lịch sử, họ bị các đế quốc hùng mạnh thời trung cổ đánh bại và bị sát nhập.

Ngày nay người Kurd phân bố tại khu vực giữa biên giới Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc người Kurd đòi lập lại quốc gia là điều mà cả Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Syria đều không hề mong muốn.

Cuộc xung đột giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra ngay từ thời thế chiến thứ 2.

Tuy vậy cường độ chỉ bùng phát trong một số thời điểm nhất định.

Ankara luôn liệt người Kurd vào thành phần khủng bố, tuy nhiên quốc tế lại không công nhận điều này.

Trước đó vài thập kỷ, đã có lúc Ankara muốn huy động một lực lượng lớn nhằm đè bẹp hoàn toàn ý chí kháng cự của người Kurd, tuy nhiên họ thất bại do người Kurd phân bố cả trên hai quốc gia láng giềng là Iraq và Syria.

Ankara và Damascus vẫn tồn tại những bất hòa, cuộc nội chiến Syria diễn ra là thời cơ thuận lợi để Thổ Nhĩ Kỳ đem quân vào Syria đánh người Kurd.

Dù Syria lên án mạnh mẽ hành động vi phạm chủ quyền, nhưng Ankara viện lẽ họ vào chiến trường này để đánh khủng bố.

Giới quan sát thì nhận định, đánh khủng bố hay tấn công người Kurd chỉ là cái cớ, điều Ankara mong muốn còn lớn hơn thế nhiều.

Ankara cũng muốn vai trò của họ lớn hơn trên chiến trường Syria bên cạnh Nga và Mỹ.

Chính vì vậy, ngay sau khi Mỹ bỏ rơi FSA vì lo ngại những bất chắc sau này, Thổ Nhĩ Kỳ liền dang tay đỡ đầu nhóm phiến binh này.

Biến FSA thành một lực lượng mạnh và liên kết để cùng nhau không những tấn công người Kurd mà còn tấn công cả vào quân đội Syria.

Còn nhớ FSA trước đây là lực lượng do Mỹ đỡ đầu, tuy nhiên thành phần lực lượng này vẫn tồn tại nhiều phần tử cực đoan mang sự thù hằn phương Tây, chính vì vậy ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếc cắt đứt sự trợ giúp này.

Không những vậy, một số phiến binh FSA còn ngầm tuồn vũ khí Mỹ cung cấp cho khủng bố IS để kiếm tiền. Đây là điều mà Mỹ không hề mong muốn.

Dùng đồng minh cũ để tấn công vào đông minh mới của Mỹ tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lên tiếng thách thức vai trò của Mỹ tại Trung Đông.

Được biết sau khi được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng, FSA còn ngang nhiên đe dọa sẽ cho 10.000 binh sĩ tấn công vào quân đội Mỹ tại khu vực người Kurd kiểm soát.

Về phần mình sau khi bỏ rơi FSA, Mỹ chỉ còn tập trung hỗ trợ cho lực lượng người Kurd trong đó có YPG và SDF.

SDF là lực lượng Dân chủ Syria tự do được Mỹ đào tạo và xây dựng nhằm thay thế FSA trong cuộc đối trọng với chính quyền của Tổng thống Assad.

Trong FSA người Kurd lại chiếm phần đa khi lên tới 80% binh sĩ thuộc lực lượng này.

Trong cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ và FSA, SDF đã luôn sát cánh cùng với YPG nhằm chống lại các cuộc tấn công bảo vệ chiến tuyến.

Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và FSA đã vấp phải những cuộc kháng cự mãnh liệt và tổn thất nhân mạng lớn.

Tuy nhiên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ gây sức ép được với Mỹ nhằm không trực tiếp can thiệp vào vấn đề người Kurd, cộng với việc mở chiến dịch "cành ô liu" giai đoạn 2 đã giúp họ đánh bại được người Kurd.

Các đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và FSA tiến công vào thành phố đêm ngày 17-3 sau cuộc đọ súng ngắn ngủi với lực lượng dân quân người Kurd (YPG) và giành được quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố vào buổi trưa mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào.

Lực lượng YPG thất bại do không muốn tiến đến một thỏa thuận nào với quân đội Syria thông qua trung gian hòa giải Nga-Iran về vấn đề Afrin. 

Các thủ lĩnh người Kurd từ bỏ việc giải giáp lực lượng YPG, YPJ và đầu quân vào lực lượng vũ trang Syria, như một thành phần của các lực lượng vũ trang Syria.

Không muốn từ bỏ tham vọng thành lập quốc giá độc lập Rojava, xung đột trong hàng ngũ các thủ lĩnh người Kurd đã khiến lực lượng dân quân Kurd mất tinh thần chiến đấu. 

Các chiến binh YPG, nổi danh trong cuộc chiến chống IS nhanh chóng buông vũ khí từ bỏ thành phố với 1 triệu người dân dưới áp lực của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, phần lớn các chiến binh YPG và người dân Afrin đã chạy sang vùng lãnh thổ của chính quyền Syria ở tỉnh Aleppo.

Ngày 18-3 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan chính thức tuyên bố: Liên minh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và FSA đã chiếm được thành phố Afrin.

Ông Erdogan nói trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 103 năm chiến dịch Gallipoli: "Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát trung tâm thị trấn thành phố Afrin vào hồi 8 giờ 30 phút sáng. Chúng tôi sẽ phải thực hiện các bước cần thiết để xây dựng lại Afrin, tăng cường cơ sở hạ tầng và quét sạch những kẻ khủng bố".

Tổng thống Erdogan nói thêm: "Chúng tôi có mặt ở đó để quét sạch các nhóm khủng bố và duy trì hòa bình ở Afrin". 

Nhưng các nhà bình luận quân sự cho rằng, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ tự nguyện rời bỏ Afrin.

Điều đó có nghĩa là, lực lượng YPG đã giao nộp Afrin cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong tình huống quân đội Syria đang phải tiến hành cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Damascus.

Lực lượng của người Kurd tại thành phố Afrin ở miền Bắc Syria cũng trong ngày 18-3 tuyên bố, các tay súng của họ sẽ chuyển sang chiến thuật đánh du kích thay vì đối đầu trực tiếp sau khi các lực lượng tại Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn giành được quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực trung tâm thành phố Afrin.

Ông Othman Sheikh Issa, đồng Chủ tịch Hội đồng điều hành thành phố Afrin, đã đưa ra thông báo trên truyền hình địa phương rằng các lực lượng người Kurd sẽ tấn công các vị trí của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng đánh thuê cho Thổ Nhĩ Kỳ mỗi khi có cơ hội. 

Ông tuyên bố: "Các lực lượng của chúng tôi tại Afrin sẽ trở thành cơn ác mộng thường trực của họ" 

Trong 2 tháng kể từ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng các tay súng đồng minh tại Syria tấn công Afrin, hơn 1.500 tay súng người Kurd đã thiệt mạng, chủ yếu trong các cuộc không kích và pháo kích. 

Từ ngày 12-3, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng lực lượng đồng minh tại Syria bao vây thành phố Afrin sau khi khép chặt vòng vây từ hai hướng Đông và Tây.

 Việc bao vây Afrin là một bước quan trọng trong chiến dịch "cành ô liu" đã diễn ra gần 8 tuần qua của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tổng thống Erdogan từng tuyên bố sau vùng Afrin, Ankara sẽ mở rộng chiến dịch quân sự đến những thị trấn do "Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd" (YPG) kiểm soát ngay gần biên giới với Iraq. 

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiến dịch "Cành ôliu" nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố, song vấn đề này đã gây căng thẳng giữa Ankara với các nước đồng minh phương Tây trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là Mỹ, nước ủng hộ YPG trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. 

Một số nước thành viên NATO lo ngại hành động này của Ankara có thể ảnh hưởng tới cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Syria.

Chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra mối lo ngại không chỉ cho người Kurd mà còn cho chính Mỹ, nước đang là đồng minh với người Kurd tại Syria.

Quan hệ giữa Ankara và Washington bắt đầu căng thẳng sau cuộc chính biến bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng có bàn tay của Mỹ trong cuộc đảo chính ông, song Mỹ đã bác bỏ điều này.

Bằng việc tiêu diệt người Kurd, hỗ trợ FSA, Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng chung hàng ngũ với Nga và Mỹ trong cuộc chiến tại Syria.

Trước nguy cơ người Kurd đồng minh bị đánh bại, rất có thể Mỹ sẽ mở một cuộc tấn công vào quân đội Syria để gây dựng lại thanh thế.

Cũng có thể Mỹ sẽ bất ngờ tấn công vào FSA, đồng minh cũ giờ đây đang sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xảy ra nhằm cứu vãn đồng minh của mình.

Chiến trường Syria càng ngày càng thêm khốc liệt.