[ẢNH] Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đưa hệ thống phòng không Mỹ tới Syria

ANTD.VN - Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tầm thấp ATILGAN PMADS do Mỹ vào chiến trường Syria. Đây là động thái đáng chú ý trong bối cảnh nước này vừa ký hiệp định ngừng bắn tại Syria. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều đến chiến trường Idlib, Syria hệ thống phòng không tầm thấp ATILGAN do Mỹ phát triển. 

Hệ thống này có khả năng bắn hạ các máy bay Su-25 và Su-24 ở Syria, mở ra nguy cơ đối đầu rất lớn với Nga.

Hình ảnh được BulgariMilitary đăng tải cho thấy tổ hợp ATILGAN đã được chuyển đến tỉnh Idlib của Syria, trong khi các chuyên gia dự đoán rằng, Ankara dường như sẵn sàng sử dụng hệ thống này để chống lại không quân Nga một khi cần thiết.

"Năng lực phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều khiếm khuyết, bởi vậy họ sẽ khó có thể phân biệt rõ máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng của Nga hay là của Syria. Do đó, Ankara đang đặt ra mối đe dọa đối với không quân Nga.

"Rủi ro ở đây là rất lớn, khi Thổ Nhĩ Kỳ đang đưa mình vào một cuộc đối đầu mở trên không", BulgariMilitary dẫn lời các chuyên gia lưu ý.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất vào Syria gây nên những mối lo ngại tình hình tại chiến trường Syria sẽ bùng phát một đợt căng thẳng mới.

Việc điều động này trái ngược với thỏa thuận ngừng bắn vừa ký kết với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ trong hai tuần qua không những không đáp ứng được các điều khoản của thỏa thuận mới mà còn triển khai thêm hệ thống phòng không tới tỉnh Idlib, trang BulgariMilitary dẫn thông tin từ hãng tin Aviapro cho biết.

Hệ thống phòng thủ ATILGAN PMADS là sự kết hợp từ tên lửa phòng không vác vai Stinger và xe bọc thép M113.

Sự kết hợp này tạo nên một thứ vũ khí đáng sợ đối với trực thăng tấn công và cường kích tấn công mặt đất.

Mỗi hệ thống ATILGAN PMADS chứa 8 tên lửa Stinger, chúng luôn cơ động thay đổi vị trí liên tục trên chiến trường để khóa bắn mục tiêu.

Ngoài ra hệ thống này còn được trang bị một súng máy hạng nặng 12,7mm để tự vệ trong trường hợp cần thiết.

Stinger là loại tên lửa phòng không vác vai không mấy xa lạ, chúng từng là nỗi ám ảnh cho không quân Liên Xô tại chiến trường Afghanistan.

Đã có hàng trăm chiếc máy bay Liên Xô bị bắn hạ bởi loại tên lửa này tại chiến trường Afghanistan.

Tên lửa FIM-92 Stinger có chiều dài 1,52 m, đường kính 70 mm, trọng lượng phóng 15,2 kg.

Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn hướng hồng ngoại thụ động 2 chế độ, cho phép đối phó hiệu quả với các biện pháp gây nhiễu hồng ngoại.

FIM-92 có tầm bắn hiệu quả từ 0,4-4,8 km; độ cao tiêu diệt mục tiêu tối đa từ 180-3.800 m.

Tên lửa sử dụng đầu nổ nặng 3 kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy. Với việc xuất hiện hệ thống phòng thủ này tại Syria, không quân Nga-Syria sẽ cần cảnh giác cao độ để không bị bắn hạ trên chiến trường.