[ẢNH] Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ bị đồng minh NATO "đâm sau lưng" trong cuộc chiến tại Syria

ANTD.VN - Mặc dù người đứng đầu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO mới đây đã đưa ra tuyên bố ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tại Syria, nhưng bất ngờ có một quốc gia trong khối này lại đi ngược với đường lối trên.

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg vừa qua đã ra tuyên bố cho biết khối quân sự này đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột tại tỉnh Idlib của Syria.

Lý do mà NATO đưa ra đó là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên quan trọng của khối quân sự, trong bối cảnh các phi vụ ném bom của không quân Nga - Syria đã gây ra "thảm họa nhân đạo".

NATO yêu cầu Nga và Syria ngừng ngay các cuộc tấn công và chấp nhận các điều khoản hòa bình mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Họ thậm chí còn cân nhắc việc cung cấp tên lửa phòng không cho Ankara.

Mặc dù vậy, trong nội bộ các quốc gia NATO vẫn tồn tại mâu thuẫn, điều này đã khiến cho một nước vừa đưa ra quan điểm đi ngược lại đường lối chung của khối.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia NATO còn tồn tại mâu thuẫn liên quan đến vấn đề chủ quyền. Từ năm 1970 đến nay, Ankara và Athens vẫn chưa thể giải quyết tranh chấp đối với các đảo trên biển Aegean. 

Điều này kéo theo khúc mắc trong phân định lãnh hải, không phận và quy chế của một số đảo. Hai nước thậm chí từng tiến sát ngưỡng đối đầu quân sự vào các năm 1987 và 1996.

Tuy cùng là thành viên của NATO nhưng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên không tìm được tiếng nói chung, thậm chí việc "ngáng chân" nhau cũng không phải là điều hiếm gặp.

Mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ đã được thể hiện khi Hy Lạp có đường lối đi ngược với khối quân sự NATO khi không ủng hộ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ  ở Idlib.

Quan điểm của Hy Lạp dựa trên thực tế là do hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng nghìn người di cư đã tràn vào Hy Lạp, tạo ra căng thẳng rất nghiêm trọng và là mối đe dọa đối với an ninh của đất nước.

"Hy Lạp đã quyết định không ủng hộ và có thể tiến hành các bước đi nhằm ngăn chặn việc thực hiện tuyên bố của NATO về tình hình chiến sự tại tỉnh Idlib của Syria". 

"Hy Lạp cho rằng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương không nên hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau cái chết của 33 quân nhân nước này do cuộc tấn công của quân đội chính phủ Syria".

"Một số quốc gia của liên minh, bao gồm Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã không đồng ý ngay lập tức với các yêu cầu của Hy Lạp. Về vấn đề này, tại Athens, họ quyết định bảo lưu quan điểm của mình", báo cáo của RBC cho hay.

Như vậy với sự phản đối của Hy Lạp, NATO sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nếu có ý định triển khai hoạt động quân sự nhằm hỗ trợ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai.

Nếu có sự tương trợ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này chỉ có thể diễn ra với tư cách của từng quốc gia đơn lẻ chứ khó mà huy động được nguồn lực của toàn khối NATO.