[ẢNH] Tên lửa bị cáo buộc bắn rơi máy bay MH17 là loại Nga đã cho "nghỉ hưu"

ANTD.VN - Theo công bố từ các điều tra viên quốc tế, quả tên lửa phòng không bắn rơi máy bay chở khách MH17 của Malaysia Airlines trên bầu trời miền Đông Ukraine được xác định là loại 9M38. Tuy nhiên, sau đó, Nga đã bác bỏ hoàn toàn thông tin này.

Thực ra đây không phải lần đầu tiên tên lửa 9M38 bị quy kết là thủ phạm đã bắn rơi chiếc MH17.

Tuy nhiên phải đến hôm qua (ngày 24/5) thì báo cáo chính thức của phái đoàn điều tra quốc tế mới đưa ra lời khẳng định.

Tên lửa 9M38 chính là đạn đánh chặn thuộc tổ hợp phòng không tầm trung 9K37 Buk-M1 (NATO gọi là SA-11 Gadfly).

Hệ thống này được phát triển trong thập niên 1970 để thay thế cho người tiền nhiệm 2K12 Kub và chính thức vào biên chế quân đội Liên Xô năm 1980.

Tổ hợp Buk được thiết kế với nhiệm vụ tiêu diệt máy bay có khả năng cơ động tốt, bao gồm cả trực thăng hoạt động ở độ cao thấp.

Nó được đánh giá đủ khả năng đánh bại kẻ địch sử dụng các biện pháp đối phó điện tử tối tân. 

Các biến thể đời cao của Buk như Buk-M2 và Buk-M3 còn có thể sử dụng để phòng thủ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tên lửa chống bức xạ diệt radar, hay bom có điều khiển...

Trái tim của Buk-M1 - tên lửa đánh chặn 9M38 mang kết cấu đơn tầng sử dụng nhiên liệu rắn với các cánh lái đuôi hình chữ X, nó có nhiều nét tương đồng với loại Tartar và Standard của Hải quân Mỹ.

Tên lửa 9M38 có trọng lượng phóng 690 kg, mang theo đầu đạn nổ phá mảnh nặng 70 kg, nó được dẫn hướng thông qua nhận lệnh điều khiển trực tiếp từ đài chỉ huy. 

Tên lửa có vận tốc tối đa Mach 3, khả năng chịu quá tải ở mức 19G, nó bắn hạ được đối tượng bay với tốc độ 800 m/s.

Tầm bắn của tên lửa 9M38 trong khoảng 3,5 - 25 km khi chống lại mục tiêu bay ở độ cao 3.000 m, cự ly tối đa sẽ bị giảm xuống chỉ còn 15 km nếu đối phương hoạt động ở độ cao chỉ 30 m so với mặt đất. 

Trần bay của đạn 9M38 đạt tới 25 km, xác suất tiêu diệt mục tiêu bằng một đạn duy nhất từ 73 đến 90% tùy thuộc đối tượng giao chiến.

Có một chi tiết đáng chú ý đó là tổ hợp Bul-M1 cùng các tên lửa 9M38 hiện đã không còn phục vụ trong thành phần chiến đấu của lực lượng phòng không Nga, chúng đã được thay thế bằng loại Buk-M2/M3 hiện đại hơn nhiều.

Mặc dù bị loại biên nhưng hệ thống vũ khí này theo nhận định đã không bị mang đi tháo dỡ hay tiêu hủy mà vẫn được bảo quản trong các kho lưu trữ của quân đội Nga dưới vai trò lực lượng dự bị.

Tương tự như trường hợp Buk-M1 có thể kể đến các tổ hợp S-300PS mới được Moskva mang ra tân trang để viện trợ cho các quốc gia láng giềng.

Hiện tại Nga vẫn bác bỏ mọi cáo buộc rằng mình liên quan đến thảm họa trên, tuy nhiên có vẻ như rất khó để họ lật ngược được tình thế khi các điều tra viên đã đưa ra rất nhiều bằng chứng và chúng đều dẫn tới Moskva.