[ẢNH] Tàu ngầm diesel-điện Lada Nga trở thành sát thủ đại dương nhờ... động cơ AIP Trung Quốc?

ANTD.VN -  Mua động cơ đẩy độc lập với không khí (AIP) từ Trung Quốc để trang bị cho các tàu ngầm lớp Lada có thể là giải pháp khả thi nhất giúp Hải quân Nga sớm khắc phục điểm yếu công nghệ.

Hải quân Nga từ trước đến nay vẫn được đánh giá cao nhờ có trong biên chế nhiều lớp tàu ngầm diesel-điện với tính năng kỹ chiến thuật ấn tượng, ví dụ như lớp Kilo.

Nhưng một thực tế phải ghi nhận đó là Nga đang gặp khó khăn trong vấn đề chế tạo động cơ AIP, khiến cho những "chú cá quả" này bị mất nhiều lợi thế trước các đối thủ đến từ phương Tây.

Ngành đóng tàu Nga từ hơn 20 năm trước đã quyết tạo ra cuộc cách mạng bằng cách chế tạo tàu ngầm lớp Lada - Dự nán 677 được tích hợp khí tài tối tân này. 

Tuy nhiên đáng tiếc là chiếc đầu tiên thuộc lớp mang tên Saint Petersburg bị đánh giá là không thành công, dẫn đến thời gian thi công kéo dài và kể cả khi đã được nhận vào biên chế thì vai trò của nó cũng rất mờ nhạt.

Giải thích ban đầu cho nguyên nhân chậm trễ của chiếc Saint Petersburg đó là hệ thống AIP của nó chưa hoàn thiện khi việc lưu trữ khí hydro không đảm bảo đủ độ an toàn, rất dễ gây cháy nổ.

Điều này đã dẫn đến việc chiếc tàu ngầm thứ hai thuộc lớp Lada - Dự án 677 mang tên Kronshtadt phải thiết kế lại và chỉ mới hạ thủy tháng 6/2018 vừa qua.

Mọi việc thậm chí còn có thể tồi tệ hơn nhiều so với những gì công chúng được biết đến, khi trong bài viết đăng tải trên tạp chí The National Interest, chuyên gia quân sự Sebastian Roblin khẳng định các tàu ngầm Dự án 677 chưa hề được lắp động cơ AIP như tuyên bố trước đó của người Nga.

Vị chuyên gia Mỹ dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, tàu ngầm diesel-điện Kronshtadt có thể là chiếc đầu tiên được thử nghiệm động cơ AIP, điều này đồng nghĩa rằng chiếc Lada bị chậm trễ là vì nguyên nhân khác chứ không phải do lỗi hệ thống AIP.

Nhận định trên xem chừng rất có cơ sở khi cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đang phát triển một thế hệ tàu ngầm AIP mới mang tên Kalina để thay thế hoàn toàn cho lớp Lada vốn gây quá nhiều thất vọng.

Tuy nhiên chế tạo động cơ tàu thủy thông thường thời gian qua đã là điểm yếu lớn của Nga chứ chưa nói đến động cơ AIP vốn là sản phẩm rất xa lạ với họ, khi chưa có kinh nghiệm thì chẳng biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Admiralteyski Verf, ông Alexander Buzakov vừa qua đã tiết lộ rằng Cục thiết kế Rubin mới đang thiết kế một tàu ngầm thông thường động cơ AIP. 

Tức là từ giai đoạn bản vẽ cho tới sản phẩm chế thử rồi đánh giá tính năng sẽ là khoảng thời gian rất dài, trong khi các dự án đóng tàu của Nga bị chậm tiến độ đã là chuyện "cơm bữa".

Trong tình cảnh này, nên chăng Nga hãy "đi tắt" bằng cách tìm đến đồng minh thân cận nhất của họ vào thời điểm hiện tại chính là Trung Quốc.

Bắc Kinh từ lâu đã làm chủ công nghệ động cơ AIP để cho ra đời các lớp tàu ngầm rất lợi hại như Type 039, Type 041 và còn xuất khẩu phương tiện này đi rất nhiều nơi.

Nếu thuê Trung Quốc thiết kế một loại động cơ AIP phù hợp với tàu ngầm lớp Lada thì năng lực tác chiến dưới nước của Hải quân Nga sẽ tăng vọt so với hiện nay.

Mặc dù chắc chắn sẽ phải chấp nhận việc bị lộ bí mật quân sự, nhưng có lẽ điều này không quá quan trọng khi đối thủ chính của Hải quân Nga là NATO.

Sau động cơ diesel tăng áp dành cho các tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ và trung bình, viễn cảnh tàu ngầm Nga được lắp động cơ AIP do Trung Quốc sản xuất nhiều khả năng sẽ không phải là điều gì đó quá xa vời.