[ẢNH] Taliban bất ngờ bị không quân tập kích, ai đã thực hiện điều này?

ANTD.VN - Truyền thông Nga cho biết, đã xảy ra nhiều vụ oanh tạc có tổ chức nhắm thẳng vào lực lượng Taliban tại miền Bắc Afghanistan. Giới phân tích cho rằng, có thể tàn binh của không quân Afghanistan đã thực hiện điều này.

Mỹ đã trang bị cho không quân Aghanistan (AAF) 26 chiếc cường kích A-29 Super Tucano. Đây được coi là dòng máy bay có sức chiến đấu mạnh nhất hiện của quốc gia này.

Không quân Afghanistan từng được kỳ vọng sẽ tạo ra điểm nhấn đặc biệt trong cuộc xung đột với Taliban, tuy nhiên cùng chung số phận với quân đội Afghanistan, AAF đã tan rã nhanh chóng.
Nhưng bất ngờ đã xảy ra vào ngày 22/8 khi hàng loạt các cuộc không kích được thực hiện bằng máy bay A-29 nhằm vào các vị trí của Taliban ở phía Bắc Afghanistan.

Hiện, vẫn chưa rõ tác giả của các vụ tấn công này, tuy nhiên nhiều khả năng tàn binh của không quân Afghanistan đã thực hiện các vụ tấn công trên.

Sau khi không quân Afghanistan sụp đổ, Taliban hiện mới chỉ thu được vài chiếc trong tổng số 26 chiếc cường kích A-29 của không quân Afghanistan trước đây, nhiều máy bay đã chạy sang nước láng giềng Uzbekistan.

Phần lớn quân đội Afghanistan đã nhanh chóng hạ khí giới đầu hàng Taliban, tuy nhiên có một bộ phận không nhỏ binh sĩ thuộc không quân và đặc nhiệm Afghanistan từ chối đầu hàng.
Lính đặc nhiệm và phi công là mục tiêu hàng đầu cho các cuộc truy lùng và tìm diệt được thực hiện bởi các tay súng Taliban.
Chính vì thế họ đã chọn giải pháp di tản ra nước ngoài, hoặc tụ về thung lũng Panjshir để tiếp tục kháng chiến dưới ngọn cờ của Mặt trận Quốc gia Kháng chiến Afghanistan.
Hiện không rõ các cuộc không kích bằng máy bay chiến đấu A-29 xuất phát từ khu vực biên giới hay tại thung lũng Panjshir.
Với đơn giá 18 triệu USD và chi phí mỗi giờ bay chỉ khoảng 1.000 USD, cường kích A-29 được đánh giá là dòng máy bay hiệu quả trong việc chống lại các lực lượng vũ trang nổi dậy.
A-29 Super Tucano là máy bay tấn công cánh quạt hạng nhẹ, được thiết kế và chế tạo bởi công ty Embraer của Brazil.
Mặc dù mang trong mình hình dáng lạc hậu, trông như những máy bay phục vụ từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng trang thiết bị của chiếc cường kích này lại rất hiện đại.
A-29 Super Tucano được tích hợp hệ thống điều khiển bay tiên tiến với những màn hình hiển thị LCD hiện thị thông tin, đi kèm hệ thống liên lạc cũng như kiểm soát hỏa lực tối tân.
Máy bay có kích thước khá nhỏ gọn với chiều dài 11,38 m; sải cánh 11,14 m; trọng lượng cất cánh tối đa 5.400 kg. Chiếc máy bay này có thể hoạt động ở các địa hình phức tạp.
Bán kính chiến đấu là 550 km, tốc độ bay tối đa 590 km/h, tầm bay 1.333 km, thông số này giúp A-29 hoạt động khá hiệu quả trong môi trường đô thị hoặc các tình huống chiến đấu "cài răng lược".
A-29 Super Tucano được gia cường bằng những tấm thép xung quanh buồng lái để bảo vệ phi công khỏi hỏa lực mặt đất.
Vũ khí trang bị của A-29 Super Tucano gồm 1 pháo 20 mm lắp dưới thân có thể bắn 650 viên đạn/phút; dưới mỗi cánh có 1 súng máy hạng nặng FN Herstal 12,7 mm và 1 súng máy nòng xoay M134 7,62 mm tốc độ bắn 3.000 viên đạn/phút.
Ngoài ra chúng còn được trang bị rocket không điều khiển 70 mm, tên lửa không đối không AIM-9L Sidewinder, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, tổng khối lượng vũ khí lên tới 1,6 tấn.

A-29 Super Tucano cũng có thể tích hợp bom thông minh với công nghệ laser hỗ trợ. Nhờ công nghệ này, A-29 có thể vừa trinh sát vừa chi viện hỏa lực liên tục cho lực lượng mặt đất.

Với những tính năng chiến đấu cao và giá thành hợp lý, A-29 Super Tucano được đánh giá là một trong số máy bay cường kích hạng nhẹ thành công nhất thế giới.