[ẢNH] Sức mạnh hủy diệt của pháo hạt nhân Mỹ có thể khiến mọi thứ 'bốc hơi'

ANTD.VN - Với đương lượng nổ của mỗi phát bắn lên tới 15kt, tương đương với quả bom mà Mỹ từng ném xuống TP.Hiroshima, Nhật Bản, pháo hạt nhân M65 Mỹ đủ sức hủy diệt bất cứ thành phố nào. 

Ra đời năm 1953, pháo hạt nhân M65 của Mỹ từng là nỗi khiếp sợ cho Liên Xô và Trung Quốc. Sức công phá khủng khiếp từ loại pháo này có thể khiến mọi thứ bốc hơi trong chốc lát.

Trong thời đại tên lửa chưa phát triển cực thịnh thì pháo bắn đạn hạt nhân được coi là vũ khí thể hiện sức mạnh của các cường quốc lớn như Mỹ và Liên Xô.

Để tạo ra sức mạnh trước đối thủ, Mỹ đã nghiên cứu và chế tạo thành công pháo nguyên tử với mã hiệu M65.

Cỡ nòng lớn cộng với việc Mỹ có công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, nên một quả đạn pháo mang sức công phá mạnh tương đương với những quả bom hạt nhân từng sử dụng trong Thế chiến thứ II.

Khẩu pháo được thai nghén từ năm 1949 và chính thức ra mắt công chúng vào năm 1953.

Đã có tới 20 khẩu pháo này được sản xuất. Mỹ đã triển khai số pháo này tới châu Âu và Hàn Quốc nhằm đối phó với Liên Xô và Trung Quốc.

Chi phí chế tạo cho mỗi khẩu pháo lên tới 800.000 USD, một con số "khủng khiếp" khi đó.

M65 là loại pháo lớn nhất của quân đội Mỹ, có thể bắn cả các đầu đạn thông thường và hạt nhân.

M65 được thiết kế dựa trên mẫu đại bác đường sắt K5 280 mm từng được quân đội phát xít Đức triển khai để oanh tạc các khu vực binh sĩ Mỹ đổ bộ tại Italy trong Thế chiến II. Khi đó được người Đức gọi những khẩu pháo này là "Anzio Annie".

Pháo có tên ban đầu là "Able Annie" (Annie mạnh mẽ) trước khi đổi thành "Atomic Annie" (Annie nguyên tử), đây là một cỗ pháo cỡ nòng 280 mm, có tầm bắn hơn 32 km.

Pháo có chiều dài 25,6m; rộng 4,9m; cao 3,7m; cỡ nòng 280mm. Tổng trọng lượng lên tới 83,3 tấn, riêng khẩu pháo nặng 47 tấn. 

Đạn nguyên tử của M65 là đạn W9 có đường kính 280 mm, dài 139 cm và nặng 364 kg. 

Nó sử dụng 50 kg urani làm giàu cấp độ vũ khí, được sắp xếp theo một hệ thống tiên tiến giúp các khối urani va chạm nhau khi viên đạn phát nổ, kích hoạt chuỗi phản ứng hạt nhân tạo ra vụ nổ có sức công phá 15 kiloton. 

Tuy mang một trọng lượng và kích thước quá khổ với sức công phá khủng khiếp, nhưng kíp chiến đấu chỉ cần từ 5 đến 7 người.

Mọi thứ trong vòng bán kính hàng chục km đều bị thổi tung và bốc hơi dưới sức công phá khủng khiếp của vụ nổ hạt nhân.

Khẩu pháo hạt nhân M65 đầu tiên được đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 1952. Với thiết kế đã được kiểm chứng, M65 và đạn của nó sau đó đã được chuyển bằng đường biển đến Đức, nơi chúng được di chuyển địa điểm liên tục trong gần một thập kỷ để răn đe Liên Xô.

Được bảo vệ bởi các trung đội bộ binh, những khẩu M65 khi đó được kéo đi khắp các khu rừng châu Âu, để khiến Liên Xô khó phát hiện.

Tuy nhiên, pháo M65 có nhược điểm là quá lớn và cồng kềnh nên khó che giấu, khó vận chuyển bằng máy bay, buộc người ta phải tháo rời các bộ phận và dùng tàu để chở bằng đường biển đến nơi tập kết, sau đó đưa lên tàu hỏa và lắp ráp lại tại căn cứ.

Bởi vậy, đến năm 1963, pháo hạt nhân M65 được cho nghỉ hưu sau khi các đạn pháo hạt nhân nhỏ hơn sử dụng trên pháo thông thường 155 mm và 203 mm ra đời.

Sau khi rút khỏi tiền tuyến, một số khẩu pháo M65 bị phá hủy và bỏ lại ở nước ngoài thay vì đưa trở lại nước Mỹ. 79 đạn W9 của nó cũng bị thu nhỏ lại và chế tạo thành các bom T4 ADM, một trong những “vũ khí hạt nhân thu nhỏ” đầu tiên được âm thầm đưa vào biên chế quân đội Mỹ trong thời gian dài.

Quân đội Mỹ đã cho nghỉ hưu các khẩu pháo hạt nhân năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các khẩu pháo hạt nhân 155 mm và 203 mm cuối cùng được tháo dỡ năm 2004. Hiện nay, có ít nhất 8 trong tổng số 20 khẩu siêu pháo M65 vẫn còn được trưng bày trên khắp nước Mỹ.

Từng có nhiều tranh cãi về giá trị của các khẩu pháo hạt nhân, nhất là về tầm bắn. Tuy nhiên, tướng Collins tin rằng việc đe dọa triển khai loại vũ khí này đã góp phần dẫn tới hiệp ước đình chiến tại bán đảo Triều Tiên. 

Đồng thời, ông tin rằng sự hiện diện tại châu Âu "của các khẩu pháo nguyên tử Mỹ đã góp phần lớn vào việc răn đe bất kỳ cuộc tấn công nào của Liên Xô".

Ngày nay vai trò của pháo hạt nhân đã bị thay thế hoàn toàn bằng tên lửa. So với pháo, chúng nhỏ gọn hơn, cơ động hơn, chính xác hơn và tầm bắn cũng như sức hủy diệt cũng lớn hơn.