[ẢNH] Sức mạnh của siêu trực thăng AH-64 Apache vừa bị phiến quân bắn cháy

ANTD.VN - Chỉ trong vòng 2 ngày đã có tới 2 chiếc trực thăng AH-64 Apache của không quân Saudi Arabia bị phiến quân hồi giáo Houthi bắn hạ. Được biết các phiến quân đang sử dụng các loại tên lửa phòng không từ Nga và Trung Quốc để thực hiện các vụ tấn công này.

Houthi tuyên bố, chiếc trực thăng Apache thứ hai của liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã bị các đơn vị phòng không của họ bắn rơi trong cuộc tấn công đêm 1-6.

Được biết chiếc trực thăng tấn công này bị bắn hạ trên địa bàn huyện Hays, Yemen.

Trước đó, ngày 31-5 Sputnik dẫn lời một nguồn tin quân sự của Bộ Quốc phòng Yemen cho biết, lực lượng vũ trang Houthi đã bắn rơi một trực thăng Apache của Saudi Arabia tại tỉnh Jizan ở vùng Tây - Nam nước này khiến tất cả các thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Cùng với việc tiêu diệt chiếc trực thăng, Al-Houthi cũng tuyên bố đã giành thêm một số thắng lợi mới gần tỉnh Hodeideh trước các binh lính do Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hậu thuẫn.

Xung đột giữa phiến quân hồi giáo Houthi và quân đội Saudi Arabia đột ngột căng thẳng trong những ngày gần đây.

Việc liên tiếp bắn hạ các trực thăng tấn công siêu hiện đại AH-64 Apache đang đặt ra mối nghi ngại về các vũ khí phòng không của phiến quân ngày càng đang hiệu quả hơn.

Loại vũ khí phòng không phổ biến trong lực lượng Houthi là tên lửa MANPADS QW-1M do Trung Quốc sản xuất.

QW-1M chỉ là sản phẩm sao chép không hoàn chỉnh của FIM-92 Stinger của Mỹ và SA-18 Grouse của Nga. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các tên lửa không đối không của Nga đã được phiến quân Houthi biến đổi trở thành tên lửa đất đối không hiệu quả.

Việc liên tục bị các loại tên lửa có xuất xứ từ Nga và Trung Quốc đánh bại làm dấy lên lo ngại về sự an toàn siêu trực thăng tấn công AH-64 Apache do Mỹ sản xuất.

Từ lâu AH-64 Apache được coi là dòng trực thăng tấn công tốt nhất thế giới xét trên tổng hợp các tiêu chí.

Khả năng cơ động cao, hệ thống điện tử cực hiện đại, kho vũ khí hủy diệt lớn, kinh nghiệm thực chiến đầy mình, AH-64 vượt qua các đối thủ khác trên thế giới để trở thành trực thăng tấn công đáng sợ nhất hành tinh.

Trong chiến tranh Iraq, những chiếc AH-64 được coi là sát thủ diệt tăng, khi chúng vô hiệu hóa hàng trăm xe tăng hiện đại của Iraq lúc bấy giờ.

Hệ thống điện tử cực hiện đại với các màn hình tinh thể lỏng hiện thị thông số, kết hợp với mũ phi công điều khiển khiến những chiếc máy bay này đánh đâu trúng đó.

Được Mỹ phát triển nhằm thay thế cho trực thăng Bell AH-1 Cobra. Cái tên Apache được đặt theo tên một bộ tộc thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ.

Chúng có chuyến bay đầu tiên năm 1975 và được đưa vào biên chế tháng 4 năm 1986.

AH-64 Apache có phi hành đoàn 2 người, chiều dài 17,7m đường kính roto 16,4m, chiều cao 4,6m.

Trọng lượng rỗng 5,1 tấn, trọng tải cất tối đa 9,5 tấn

AH-64 có 2 cánh phụ hai bên hông với 2 điểm treo mỗi cánh có thể mang theo 16 tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire, giá phóng rocket không điều khiển Hydra 70mm, tên lửa không đối không tầm thấp AIM-92 Stinger. 

Dưới bụng trực thăng được trang bị một pháo tự động M230 30mm với cơ số 1.200 viên đạn.

AH-64 trang bị bộ tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu TADS (AN/ASQ-170). Hệ thống này bao gồm một camera quang truyền hình, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR cùng hệ thống máy đo xa laser.

 TADS tương thích với hệ thống PNVS, chúng có thể hoạt động độc lập hoặc hỗ trợ cho nhau trong việc điều khiển vũ khí.

AH-64 được trang bị 2 động cơ turboshaft T700-GE-701D công suất 2.000 mã lực/chiếc.

Nhờ công suất này AH-64 có tốc độ tối đa đạt 293km/h, tốc độ hành trình 265km/h.

Bán kính tác chiến của AH-64 480km, phạm vi hoạt động tối đa 1.900km, trần bay lên tới 6.400m.

Hiện tại Mỹ đang tiếp tục phát triển phiên bản AH-64E với nhiều cải tiến về động cơ, hệ thống điện tử đặc biệt là các hệ thống phòng vệ trước các tên lửa tầm nhiệt từ đối phương.

Với các cải tiến mới, Mỹ hy vọng sức mạnh của dòng trực thăng AH-64 sẽ nâng cao đáng kể trên chiến trường, cũng như tăng nguy cơ sống sót trước các tên lửa có nguồn gốc từ Nga và Trung Quốc mà các lực lượng phiến quân đang sở hữu.