[ẢNH] Sự thực vụ ‘F-35 Anh không đánh chặn nổi Tu-160 Nga vì thiếu tốc độ’

ANTD.VN - Một vụ đụng độ trên không phận Bắc Âu vừa xảy ra giữa tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của Anh với biên đội máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160 của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố cho biết, chiều 3/4, không quân nước này đã điều động biên đội máy bay ném bom chiến lược Tu-160 làm nhiệm vụ trên không phận quốc tế tại khu vực Barents, Na Uy và Biển Bắc.

Hiện nay không quân Nga vẫn chưa công bố cụ thể nhiệm vụ của tốp máy bay chiến đấu trên, chỉ biết rằng các oanh tạc cơ siêu âm Tu-160 này được tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 hộ tống.

Nhưng theo nhận định từ giới quan sát thì rõ ràng mục đích của không quân Nga đó là luyện tập mô phỏng một cuộc tấn công vào lãnh thổ đối phương trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.

Ngay khi tiến vào khu vực phía Nam biển Bắc, lực lượng Nga đã phát hiện có ít nhất một chiếc tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của không quân hoàng gia Anh đang tiến lại gần.

Mặc dù vậy, chiếc tiêm kích tàng hình tối tân F-35A trên đã không áp sát tốp máy bay chiến đấu Nga mà nó chỉ lặng lẽ quan sát rồi rời đi không lâu sau đó.

Điều này dẫn tới có suy đoán rằng phải chăng chiếc F-35A trên không thể tiếp cận biên đội máy bay ném bom Nga vì tốc độ lớn nhất của nó không cho phép làm điều đó.

Lý do dẫn tới suy đoán trên là vì Tu-160 có thể bay với vận tốc tối đa Mach 2, trong khi con số này ở MiG-31 là Mach 2,83, còn F-35A chỉ đạt tới ngưỡng Mach 1,61.

Tuy nhiên giả thiết này đã bị bác bỏ, bởi thông thường máy bay chỉ tăng tốc lên tối đa được một đoạn rất ngắn vì nhiên liệu không thể đáp ứng nổi khi hoạt động ở chế độ đốt sau liên tục.

Bình thường, các máy bay ném bom siêu âm và tiêm kích của Nga vẫn bay hành trình ở tốc độ dưới âm, lúc này thực chất chúng lại thất thế so với F-35A vì chiếc Lightning II có thể bay hành trình siêu âm.

Khi giới hạn tốc độ được xác định không phải nguyên nhân khiến F-35A tránh giáp mặt thì lời giải thích hợp lý nhất có lẽ là nó không muốn để lộ tham số radar trước tiêm kích đối phương.

Hiện tại thông tin về diện tích phản xạ radar (RCS) thực tế của F-35 vẫn được bảo mật rất cao, khi hoạt động máy bay thường đeo thêm thiết bị Luneberg Lens để che giấu tham số này.

Nhưng nếu áp sát một chiếc tiêm kích có trang bị radar mạnh như MiG-31 thì rất nhiều khả năng F-35A sẽ để lộ phần nào chỉ số RCS, giúp đối phương xây dựng được kế hoạch khai thác về sau.

Trước đó vào chiều 29/3 cũng xảy ra một vụ việc tương tự, nhưng lần này không quân Anh đã điều tiêm kích thế hệ 4 Eurofighter Typhoon áp sát chiếc Tu-160 của Nga bất chấp việc nó được MiG-31 bảo vệ.

Rất có thể trong sự kiện hôm 3/4, nếu phát hiện thấy biên đội Tu-160 bay sát vào vùng lợi ích của Anh thì sẽ có một "màn chào đón" tương tự được đưa ra chứ không phải F-35A chỉ quan sát từ xa nữa.