[ẢNH] Sự thật việc tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc bị Su-30MKI Ấn Độ "tóm sống"

ANTD.VN - Theo thông tin ban đầu được trang Sputnik của Nga đăng tải thì tiêm kích tàng hình J-20 đã bị radar N011M BARS-M trang bị cho Su-30MKI phát hiện khi nó đang theo dõi cuộc tập trận, tuy nhiên mới đây phía Ấn Độ đã đưa ra một lời "đính chính" về sự kiện trên.

Hôm qua trang Sputnik dẫn nguồn tin của mình đã cho biết, hồi tháng 1 năm nay, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc đã bị radar của Su-30MKI phát hiện khi nó đang tham gia một cuộc tập trận.

Vào thời khắc đó, chiếc J-20 đang luyện tập đối kháng cùng với 2 dòng tiêm kích nội địa khác của Trung Quốc là J-10 và J-11 trên cao nguyên Tây Tạng.

Không quân Ấn Độ từ bên kia biên giới đã theo dõi sát sao diễn biến của cuộc tập trận này và họ cho rằng mức độ tàng hình của J-20 là không quá cao.

Tuy nhiên có một điều cần chú ý đó là phía Ấn Độ chưa khẳng định rằng họ phát hiện được tiêm kích J-20 của Trung Quốc thông qua radar N011M BARS của Su-30MKI.

Trả lời phỏng vấn báo chí trên trang idrw.org về sự kiện trên, Tư lệnh Không quân Ấn Độ cũng chỉ nói rằng radar của Su-30MKI có thể đối phó với J-20 chứ không nhắc đến việc Su-30MKI đã phát hiện ra J-20 trong cuộc tập trận đó.

Cụ thể, theo phía Ấn Độ thì radar của họ đã phát hiện ra sự có mặt của chiến đấu cơ tàng hình Trung Quốc, nhưng nhiều khả năng đó là radar mặt đất hoặc radar từ máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không chứ chẳng phải là radar của Su-30MKI.

Để nói rõ hơn về khả năng phát hiện ra tiêm kích tàng hình J-20 của Su-30MKI, Tư lệnh Không quân Ấn Độ cũng chỉ nói rằng radar BARS-M có thể nhận biết J-20 từ nhiều km.

Trong sự kiện vừa qua, phát ngôn chính thức từ Không quân Ấn Độ vẫn chưa có một lời nào khẳng định chắc nịch như những gì mà trang Sputnik của Nga đã đăng tải.

Do vậy, có thể tính năng thực tế của chiếc J-20 không tệ đến mức nó bị Su-30MKI phát hiện và theo dõi dễ dàng từ phía bên kia đường biên giới ở cao nguyên Tây Tạng.

Nếu muốn "vạch mặt" J-20 của Trung Quốc, có lẽ Su-30MKI sẽ cần có thêm sự hỗ trợ từ các đài radar mặt đất hoặc máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không.

Còn nếu muốn dựa vào chính sức lực của mình thì để chắc ăn Su-30MKI vẫn cần được nâng cấp bằng một loại radar mảng pha quét chủ động thế hệ mới.

Về phía Không quân Trung Quốc, cho tới thời điểm này họ vẫn giữ thái độ im lặng trước những gì mà báo chí Ấn Độ và Nga vừa đăng tải.

Có thể phía Trung Quốc đang cười thầm trước những gì được Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra, hoặc cũng có thể họ đang lo lắng và tìm cách hóa giải.

Nhưng trên hết, sự kiện vừa qua là một diễn biến rất đáng được quan tâm và phân tích thêm các khả năng, dự báo trong vài ngày tới sẽ có thêm nhiều điều thú vị được tiết lộ.