[ẢNH] Sự thật việc tiêm kích F-35 phải bật tăng lực mới đuổi kịp Su-57

ANTD.VN - Phi công thử nghiệm người Nga Magomed Tolboev vừa cho biết, tiêm kích tàng hình Su-57 của nước này có thể đạt vận tốc siêu âm mà động cơ không cần bật chế độ tăng lực, điều này có chính xác?

Cuộc đua tranh "trên giấy" giữa tiêm kích tàng hình Nga Su-57 và chiếc F-35 Lightning II của Mỹ là một chủ đề tiêu tốn nhiều giấy mực và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Mới đây phi công thử nghiệm người Nga Magomed Tolboev đã ra tuyên bố rằng chiếc tiêm kích Su-57 của họ có thể bay hành trình với vận tốc siêu âm mà không cần bật tăng lực.

Ông ta không quên bình luận thêm rằng tính năng này hoàn toàn không có ở chiếc F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ, do vậy tiêm kích Mỹ phải bật tăng lực mới đuổi kịp chiến đấu cơ Nga.

Dòng tiêm kích tàng hình Su-57 được người Nga thiết kế có thể đạt tốc độ siêu âm mà không cần dùng đến tính năng đốt sau của động cơ. 

Khi bật tăng lực, máy bay sẽ phun một lượng lớn nhiên liệu và oxy vào buồng đốt sau, làm tăng nhiệt độ dòng khí xả, khiến lực đẩy động cơ và tốc độ dòng khí xả tăng cao.

Tính năng trên được thiết kế nhằm mang lại lực đẩy bổ sung khi máy bay cất cánh, đạt tốc độ siêu âm và tăng tính cơ động đột ngột của máy bay khi chiến đấu.

Nhưng tuyên bố của vị phi công thử nghiệm người Nga đã ngay lập tức bị phản bác bởi các chuyên gia quân sự trên thế giới, họ cho rằng ông ta đã... nói ngược.

Một trong những đặc trưng và bắt buộc phải có trên tiêm kích thế hệ 5 đó là nó phải có khả năng bay hành trình mà không cần bật tăng lực.

Các tiêm kích F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ được khẳng định là đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chuẩn của chiến đấu cơ thế hệ 5, cho nên dĩ nhiên là nó có thể bay siêu âm ở chế độ thông thường.

Trong khi đó chiếc Su-57 của Nga hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, vẫn phải tạm dùng động cơ AL-41F1S của Su-35 trong khi chờ đợi loại Izdeliye 30 sẵn sàng.

Động cơ của tiêm kích thế hệ 4, nhất là loại AL-41F1S đã được chứng minh trên tiêm kích Su-35 là hoàn toàn không có khả năng giúp máy bay đạt tốc độ siêu âm.

Thực tế chiếc Su-35 khi muốn vượt qua bức tường âm thanh đều phải bật tăng lực để đốt thêm nhiên liệu phụ trội mới bay được với vận tốc siêu âm.

Cho nên tuyên bố của phi công thử nghiệm người Nga rằng động cơ này lắp sang Su-57 lại giúp máy bay hành trình ở vận tốc siêu âm bị nhận xét là vô lý.

Su-57 theo thiết kế sẽ có khả năng bay hành trình ở vận tốc siêu âm, nhưng đó phải là khi động cơ Izdeliye 30 hoàn thiện chứ không phải là bây giờ với loại AL-41F1S.

Cho nên có lẽ phi công Magomed Tolboev phải nói ngược lại rằng, hiện tại trong khi F-22 và F-35 đã có thể bay hành trình siêu âm thì Su-57 phải bật tăng lực mới có thể đuổi kịp chúng.