[ẢNH] Su-57 chỉ là đòn gió, Su-35S mới là đối thủ thực sự của chiến đấu cơ của Mỹ trên bầu trời Syria

ANTD.VN - Dù triển khai cả tiêm kích tàng hình Su-57, nhưng do loại máy bay này chưa hoàn thiện nên Su-35S mới là đối thủ tiềm tàng của chiến đấu cơ Mỹ và phương Tây trên bầu trời Syria.

Được phát triển từ dòng tiêm kích Su-27/30 huyền thoại, tiêm kích Su-35S là loại máy bay chiến đấu mạnh nhất hiện nay của Nga đang có trong biên chế. Cho đến khi Su-57 hoàn thiện và đi vào sản xuất loạt thì Su-35S vẫn đóng vai trò xương sống trong lực lượng không quân chiến đấu Nga.

Sau khi đi vào trang bị hàng loạt tiêm kích đa năng Su-35S đã có màn thực chiến ấn tượng tại chiến trường Syria.

Nga thành công không chỉ ở màn thực chiến đỉnh cao của loại tiêm kích này, họ còn có những đơn hàng đặt mua tới tấp Su-35S.

Tiêm kích Su-35S đang thực hiện động tác cơ động tuyệt vời trên không.

Màn đảo thân khá điêu luyện của dòng tiêm kích được mệnh danh là có sức cơ động mạnh nhất thế giới.

Khoảnh khắc tiêm kích tàng hình Su-35S vượt qua bức tường âm thanh. Có thể nhận thấy rõ một khối khí bao quanh chiếc máy bay khi nó bay vượt tốc độ âm thanh.

Su-35S có khả năng bay leo cao cực kỳ ấn tượng. Hình ảnh chiếc Su-35S đang thực hiện cú leo cao trong một đợt triển lãm hàng không thế giới.

Việc Nga tiến hành triển khai và duy trì tiêm kích Su-35S ngay từ thời gian đầu khi không quân nước này đặt chân tới Syria để tiêu diệt khủng bố và hỗ trợ quân chính phủ Syria.

Sự xuất hiện của dòng máy bay mới nhất trong biên chế quân đội Nga tại chiến trường Syria đã làm Mỹ lo lắng không ít.

Thông thường các dòng chiến đấu cơ mới của Mỹ cần phải có thời gian dài ngay cả khi đã vào biên chế mới được thực chiến trên chiến trường.

Nhưng với Nga, hầu hết các loại vũ khí mạnh nhất đều đã được triển khai.

Gần đây Nga cho thấy tầng suất hoạt động của Su-35 tại Syria mạnh mẽ trở lại. Việc này cho thấy Nga nhắm đến nhiều mục đích hơn là đơn thuần chống khủng bố IS.

Họ đã điều thêm 4 tiêm kích Su-35S sang Syria bên cạnh những chiếc đang hoạt động trước đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, khủng bố IS không hề có không quân, chúng cũng không có lực lượng thiết giáp hùng hậu, chủ yếu chỉ là cách đánh liều lĩnh và cảm tử, vậy tại sao Nga phải triển khai tới siêu phẩm tiêm kích mạnh nhất đang có trong biên chế Su-35?

Việc đối phó với khủng bố HTS và phiến quân thánh chiến hiệu quả nhất vẫn là những máy bay cường kích đánh đất và trực thăng tấn công. 

Việc điều Su-35S dù là máy bay đa năng cũng cho thấy điều này là không cần thiết.

Tuy nhiên người Nga không suy nghĩ đơn giản như thế. Việc triển khai Su-35S không phải là giải pháp quá thừa theo kiểu 'dùng dao mổ trâu giết gà'.

Bởi lẽ đích nhắm thực sự của việc xuất hiện Su-35S trên chiến trường Syria là nhằm đối trọng với Mỹ, phương Tây và thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ lẫn cả Israel.

Trong bối cảnh sự tranh giành ảnh hưởng leo thang và việc chiến đấu cơ của Nga đã từng bị Thổ Nhĩ Kỳ-thành viên NATO bắn hạ, việc xuất hiện Su-35S là cần thiết nhằm răn đe đối phương.

Mục đích thứ 2 dùng để kiểm tra tính năng chiến đấu thực chiến để hiệu chỉnh thông số của 'quái vật bầu trời' Su-35S này.

Nếu không quân Mỹ liên tục cọ sát thực chiến, thì điều này lại không có đối với phi công Nga. 

Cho Su-35S tham chiến thì vừa có kinh nghiệm kiểm tra hiệu suất máy bay, vừa nâng cao được kỹ năng chiến đấu của phi công.

Hơn thế nữa, việc triển khai này cũng nhằm trấn an đồng minh Syria.

Nga hiện có nhiều lợi ích cốt lõi tại Syria như việc duy trì tầm ảnh hưởng quân sự để đảm bảo việc dễ dàng kiểm soát đường biển trên Địa Trung Hải, mặt khác các đường dẫn khí đốt đi qua lãnh thổ Syria của Nga sẽ đảm bảo lợi ích kích tế của nước này.

Mục đích thứ 3 của việc triển khai siêu chiến đấu cơ này chính là nhằm quảng bá đến khách hàng.

Sukhoi Su-35 (trước đây có tên gọi là Su-27M) (tên ký hiệu của NATO Flanker-E+) là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, chiếm ưu thế trên không thế hệ 4++ hiện đại được phát triển bởi hãng Sukhoi.

Chương trình thử nghiệm T10-24 đã được xây dựng từ năm 1985. Các chuyến bay kiểm tra đã cất cánh vào năm 1988. Nguyên mẫu đầu tiên đã được trưng bày công khai vào năm 1992 ở Triển lãm hàng không Quốc tế Farnborough.

Máy bay có tên gọi ban đầu là Su-27M (T-10S-70), nhưng sau đó đã đổi thành Su-35, dù tên gọi Su-27M vẫn còn tồn tại trong hệ thống tên gọi của quân đội Nga.

11 nguyên mẫu đã được chế tạo đến năm 1994. Nó bắt đầu phục vụ thử nghiệm trong không quân Nga vào năm 1995.

Su-35 được thiết kế với chiều dài: 21,9 m; Sải cánh: 15,3 m; Chiều cao: 5,90 m.

Máy bay được trang bị 2 động cơ Lyulka AL-35F khiến nó có thể đạt vận tốc cực đại lên tới mach 2.25 (2.500 km/h).

Su-35 được tăng sức chứa nhiên liệu lên gần 10 tấn, đem lại tầm hoạt động 3.541 km với khoang nhiên liệu trong thân và 4.500 km với hai thùng dầu phụ.

Su-35S có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 35 tấn.

Không giống như dòng Su-30, Su-35S chỉ có một phi công điều khiển.

 Khung máy bay làm từ vật liệu titan nhẹ, có tuổi thọ khoảng 6.000 giờ bay so với mức 2.000 giờ của Su-27. 

Khung thân Su-35S không thực sự tàng hình. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cửa hút khí động cơ và kính buồng lái, cũng như sử dụng vật liệu hấp thụ radar đã giảm một nửa diện tích phản xạ radar (RCS) của Su-35S so với dòng Su-27 trước đó. 

 Mức RCS thực tế của dòng máy bay này được cho là khoảng 1-3 m2. Điều này có thể làm giảm tầm phát hiện và nhắm bắn của đối phương.

Su-35 có 12 giá treo, mang được tổng cộng 8 tấn vũ khí, vượt trội so với 8 giá treo trên tiêm kích F-15C và F-22, hay 4 tên lửa trong thân của F-35.

Ở tầm xa, Su-35 có thể sử dụng tên lửa radar dẫn đường RVV-AE (AA-12 Adder), được cho là có tầm bắn 110-200 km. 

Khi cận chiến, tên lửa hồng ngoại R-73 (AA-11 Archer) có khả năng khóa mục tiêu nằm lệch 60 độ so với hướng mũi tên lửa. Kính ngắm gắn trên mũ (HMS) cho phép phi công khóa mục tiêu theo hướng nhìn, thay vì phải hướng mũi máy bay về phía mục tiêu.

Tên lửa R-27 tầm trung (AA-10 Alamo) và R-37 tầm cực xa (AA-13 Arrow) có thể đối phó với với máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AEW&C) và phi cơ tiếp dầu. 

Su-35S còn được trang bị pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm với 150 viên đạn để không chiến hoặc tấn công mặt đất.

Ngoài vũ khí đối không, Su-35S có thể sử dụng toàn bộ kho bom và tên lửa đối đất trong biên chế quân đội Nga, bao gồm nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao và uy lực như bom laser/quang truyền hình KAB-1500L/Kr, tên lửa Kh-29TE, Kh-59 hay tên lửa chống hạm Kh-31 và Kh-35.

Radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 Irbis-E của Su-35 được cho là có khả năng phát hiện và bám bắt máy bay tàng hình tốt hơn các loại radar đời cũ. Nó có thể bám bắt 30 mục tiêu cùng lúc với RCS 3 m2 ở khoảng cách 400 km, hoặc mục tiêu có RCS 0,1 m2 từ cách 80 km.

Tuy nhiên, radar PESA bị cho là dễ gây nhiễu hơn các phiên bản radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) được trang bị trên tiêm kích phương Tây. 

Nga hiện không có kế hoạch trang bị radar AESA cho Su-35S, nước này dự kiến chỉ phát triển phiên bản AESA mang tên N036 Byelka cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 T-50.

Bổ sung cho radar là hệ thống bám bắt hồng ngoại và đo xa laser OLS-35, được cho là có tầm hoạt động tới 90 km. Tuy tầm bám bắt mục tiêu thua kém radar Irbis-S, tổ hợp OLS-35 có thể khóa mục tiêu mà không đánh động máy bay đối phương, giúp Su-35S tiến hành những cuộc tấn công bất ngờ.

Máy bay cũng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử L175M Khibiny uy lực, giúp gây nhiễu radar và làm lệch hướng tên lửa đối phương. Điều này sẽ gây khó khăn cho bất kỳ tên lửa nào muốn khóa mục tiêu và bắn hạ mẫu tiêm kích này.

Dù triển khai cả tiêm kích tàng hình Su-57, nhưng do loại máy bay này chưa hoàn thiện nên Su-35S mới là đối thủ tiềm tàng của chiến đấu cơ Mỹ và phương Tây trên bầu trời Syria.