[ẢNH] Su-30SM rơi khiến 2 phi công tử nạn - Cú ngã đau thương nhất của Nga tại Syria

ANTD.VN - Su-30SM rơi ngoài khơi Syria đánh dấu thiệt hại đầu tiên thuộc về loại chiến đấu cơ hiện đại hàng đầu của Nga. Su-30SM là biểu tượng của sức mạnh cũng như niềm kỳ vọng vào năng lực xuất khẩu.

Tiêm kích đa năng Su-30SM đang trở thành ngôi sao sáng của không quân Nga bên cạnh tiêm kích Su-35. Cho đến khi tiêm kích Su-57 đi vào hoạt động thì Su-30SM và Su-35 đang trở thành xương sống của không quân Nga.

Su-30SM đã trở thành máy bay tiêm kích đa năng có số lượng chế tạo và chuyển giao nhiều nhất cho không quân Nga. Hiện có khoảng hơn 100 chiếc đã được biên chế cho không quân nước này.

Vào sáng 3-5-2018, một chiếc Su-30SM của không quân Nga đã rơi trên Địa Trung Hải, sau khi cất cánh từ sân bay Khmeimim, Syria. Đây là một trong số máy bay Nga dùng để oanh kích các nhóm phiến quân đối lập tại Syria.

Là chiến đấu cơ thế hệ 4++ có sức chiến đấu tiệm cận với Su-35, Su-30SM đang trở thành niềm tự hào của không quân Nga nói riêng và trở thành niềm kỳ vọng về mặt hàng xuất khẩu bán chạy cho nền sản xuất vũ khí Nga nói chung.

Su-30SM là dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4.5. Sức mạnh được đánh giá tiệm cận với máy bay Su-35.

Nga đã nhận những chiếc tiêm kích Su-30SM đầu tiên vào cuối năm 2012 và đã biên chế chiếc thứ 100 vào cuối năm 2017.

Họ vẫn tiếp tục sản xuất để trang bị thêm chiến đấu cơ này bên cạnh Su-35.

Su-30SM là một biến thể cải tiến của tiêm kích Su-30MKI do Sukhoi sản xuất dành riêng cho Ấn Độ.

Đây là một chiếc tiêm kích đa dụng, ngoài khả năng cơ động và không chiến linh hoạt, Su-30SM còn có thể thực hiện các cuộc tấn công trên đất liền và trên biển, cũng có thể thực hiện các sứ mệnh chống tác chiến điện tử và cảnh báo sớm.

Tuy vậy chiếc máy bay Su-30SM vừa bị rơi ngoài khơi Syria trong thời khắc nhạy cảm khiến Nga không chỉ thiệt hại một chiếc chiến đấu cơ hiện đại. Dù lỗi kỹ thuật hay bị phiến quân bắn hạ thì danh tiếng của chiếc máy bay biệt danh "chiến thần" này cũng bị ít nhiều ảnh hưởng.

Ngay từ đầu Nga đã cho biết họ đem những vũ khí hiện đại sang chiến trường Syria ngoài việc trợ giúp quân đội Syria, thì bên cạnh đó là cho thực chiến những vũ khí mới để tinh chỉnh thông số và hoàn thiện vũ khí.

Cũng giống như Su-35, Nga đem Su-30SM sang chiến trường này ngoài việc tiêu diệt các phần tử khủng bố, Nga cũng muốn nhân đây để kiểm tra tính năng thực chiến của dòng chiến đấu cơ mới này.

Mặt khác Nga cũng nhân cơ hội để quảng bá Su-30SM ra thị trường xuất khẩu.

Chính vì lẽ đó thay vì triển khai Su-27 vốn đang có rất nhiều trong biên chế thì Nga lại ưu tiên cho Su-30SM lâm trận.

Ngay từ khi triển khai cho tới khi gặp nạn, dòng Su-30SM có cường độ hoạt động cao tại Syria và cho thấy đây là một trong những dòng vũ khí chủ đạo của Nga.

Với khả năng thực hiện đa nhiệm vụ từ đánh chặn, truy đuổi máy bay đối phương cho tới tấn công các mục tiêu trên biển và trên đất liền, Su-30SM được coi là át chủ bài bên cạnh Su-35 tại chiến trường Syria.

Rõ ràng mục đích triển khai Su-30SM không chỉ nhằm vào mỗi phiến quân thánh chiến và lực lượng khủng bố tại Syria. Nga đang tính nước cờ cao hơn nhằm duy trì ưu thế lực lượng trước Mỹ và phương Tây.

Có sự xuất hiện của Su-30SM và Su-35, các chiến đấu cơ phương Tây có muốn tấn công vào quân đội Syria cũng phải ít nhiều chùn bước.

Ưu thế cơ động cùng khả năng tác chiến cao chiến đấu cơ Nga sẵn sàng đối đầu với bất cứ máy bay nào của phương Tây một khi xảy ra xung đột.

Nhờ cặp cánh mũi đặc trưng cùng với động cơ điều khiển véc tơ lực đẩy, Su-30SM có khả năng cơ động ở dải tốc độ cực thấp hay thực hiện động tác lộn vòng và xoay vòng cũng như phức hợp các động tác mà không phụ thuộc vận tốc bay như Su-30MK2 hay Su-27.

Su-30SM có độ ổn định về khí động học của Su-30SM cực tốt, nó có thể đánh chặn các mục tiêu bay siêu âm và cả các mục tiêu bay cỡ nhỏ, tốc độ chậm. 

Điều này đã được phát huy triệt để ở chiến trường Syria khi Su-30SM xuất kích bám sát một máy bay không người lái tiến công MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ.

Để phát hiện và khóa bắn mục tiêu, Su-30SM được trang bị radar mảng pha Doppler NIIP N011M BARS.

Radar có tầm trinh sát tối đa 400km (với mục tiêu là máy bay cỡ lớn); hoặc 100km ở bán cầu trước, 55km ở bán cầu sau (với máy bay có diện tích phản xạ radar nhỏ) trong chế độ không đối không.

Ngoài ra, Su-30SM được trang bị trạm quan sát quang - hồng ngoại OLS-30 với khả năng phát hiện máy bay địch ở khoảng cách đến 50km cũng như tuỳ chọn nhiều loại pod gây nhiễu tối tân nhất của cả Nga lẫn phương Tây nhờ nền tảng kiến trúc mở.

Cận cảnh buồng lái Su-30SM của không quân Nga.

Su-30SM có thể mang được tất cả các loại vũ khí gồm tên lửa, bom trang bị cho máy bay chiến đấu của Không quân Nga với tổng tải trọng là 8 tấn. 

Với 12 giá treo trên thân và trên cánh, tùy theo yêu cầu của từng nhiệm vụ cụ thể mà người ta sẽ lắp cho chúng các vũ khí cần thiết.

Với những giá treo vũ khí, Su-30SM có thể gắn 6 tên lửa không đối không tầm trung R-27RE, R-27TE hoặc Vympel RVV-AE hay tên lửa tầm gần R-73.

Những loại tên lửa này sẽ giúp Su-30SM đối phó với bốn mục tiêu trên không cùng một lúc.

Việc Su-30SM gặp nạn tại Syria có thể nói là một trong những cú ngã đau thương nhất của không quân Nga kể từ khi triển khai tại Syria.

Ngoài tổn thất chiếc chiến đấu cơ trị giá 50 triệu USD, Nga còn mất đi hai phi công cừ khôi.

Nga bước đầu cho biết hai phi công đã cố điều khiển máy bay ra khỏi khu vực dân cư trước khi lao xuống biển. Các phi công này đã anh dũng hi sinh để bảo vệ an toàn cho các thường dân bên dưới.

Những phi công này là tinh túy của không quân Nga. Nếu không có sự việc đau lòng trên, sau khi rời Syria họ đã tích lũy được những kinh nghiệm thực chiến quý báu mà không một trường lớp nào có thể trang bị.

Nga đã và đang thu lượm những kinh nghiệm chiến đấu ở Syria để vừa thử nghiệm vũ khí mới, đánh giá vũ khí hiện có, rút ra những chiến thuật sử dụng nhằm tối ưu hóa tính năng vũ khí trang bị và cách vận hành ở các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời đưa vào giảng dạy trong các học viện, nhà trường của Quân đội Nga.

Mất máy bay thì có thể sản xuất và tái trang bị bổ sung cho Không quân, nhưng mất phi công giỏi thì chắc chắn là một nỗi đau khó nguôi. Bởi lẽ để đào tạo được họ đến trình độ này thì Quân đội Nga không chỉ phải mất nhiều triệu USD mà còn chưa có nguồn nhân lực để bổ sung ngay.