[ẢNH] Sợ bị đánh úp, chiến đấu cơ Su-30 Ấn Độ làm hành động bất ngờ

ANTD.VN - Các tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ lần đầu tiên diễn tập xuất kích tại sân bay dân sự, động thái này nhằm đề phòng nguy cơ căn cứ bị đối phương phá hủy khiến các máy bay không thể xuất kích.

Ấn Độ bắt đầu cho những chiến đấu cơ Su-30MKI tập cất cánh từ sân bay dân sự. Điều này sẽ giúp cho các phi công quen hơn với việc phải bất ngờ cất cánh khi sân bay quân sự bị phá hủy. 

"Đây là lần đầu tiêm kích đa năng Su-30MKI xuất phát từ một sân bay dân sự để tham gia diễn tập, nhằm xây dựng khả năng phối hợp giữa nhân viên kiểm soát không lưu dân sự với phi công quân sự. Điều này cho phép không quân Ấn Độ sử dụng sân bay dân sự khi căn cứ chính bị tấn công và phá hủy", tướng không quân Ấn Độ Sashank Mishra cho biết.

Đợt diễn tập kéo dài hai ngày ở các sân bay miền đông bắc Ấn Độ với sự tham gia của nhiều đơn vị tiêm kích Su-30MKI. 

Các máy bay liên tục cất hạ cánh để mô phỏng nhiệm vụ thời chiến và giúp không quân Ấn Độ cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu

"Phi công phải làm quen với quy trình vận hành ở sân bay dân sự, tiếp xúc với nhiều môi trường hoạt động khác nhau và thích ứng với hàng loạt yếu tố xuất hiện khi tác chiến xa căn cứ đóng quân", tướng Mishra nói thêm.

Tiêm kích đa năng Su-30MKI là vũ khí hiện đại nhất trong biên chế không quân Ấn Độ, được Nga chế tạo riêng theo yêu cầu của nước này và đưa vào biên chế từ năm 2002. 

Đây được coi là một trong những mũi nhọn chủ lực giúp Ấn Độ đối phó với kịch bản nổ ra xung đột ở khu vực biên giới giáp Pakistan và Trung Quốc.

Do các máy bay chiến đấu xuất khẩu thường bị Nga cắt giảm tính năng nên phía Ấn Độ tỏ ra không hài lòng. Chính vì vậy, họ đã tiến hành lắp các thiết bị điện tử tối tân của Pháp và Israel lên máy bay bên cạnh các thành phần chủ yếu của Nga như radar NIIP N011M BARS PESA và động cơ 2D TVC AL-31FP.

Radar N011M "Bars-M", một trong những radar đối không hiện đại nhất của Nga.

Loại radar này có tầm theo dõi tới 400 km và đủ sức bám bắt mục tiêu từ cách 200 km. 

Trên lý thuyết, N011M đủ sức xác định tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc từ khoảng cách hàng chục km trong điều kiện tối ưu. 

Mỗi hệ thống Bars-M có thể theo dõi cùng lúc 15 mục tiêu và điều khiển tên lửa tấn công 4 mục tiêu trong số đó.

Những cải tiến gần đây nhất cho phép máy bay có thể triển khai Astra - tên lửa không đối không tầm xa với tấm tấn công xấp xỉ 105 km được Ấn Độ phối hợp cùng với Nga phát triển cũng như dòng tên lửa không đối không tầm ngắn ASRAAM của Anh.

Tuy nhiên, tên lửa chính của Su-30MKI vẫn là R-77 (100 km) và R-27ER/ET (130 km) dùng cho các nhiệm vụ tấn công tầm xa và được bổ trợ thêm bằng tên lửa R-73 cho các sứ mệnh tầm gần.

Uy lực tấn công mặt đất của dòng tiêm kích đa năng này đến từ tên lửa hành trình BrahMos với vận tốc Mach 3 do liên doanh Nga - Ấn phát triển. 

Đó là chưa kể tới các phiên bản tên lửa tầm xa khác như Kh-59 với tầm tấn công trên 500 km hay Kh-35 và Kh-31 với vận tốc trên Mach 3.

Su-30MKI có tầm bay tới 3.200 km và tải trọng vũ khí hơn 8 tấn. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là loại máy bay chủ lực của không quân Ấn Độ.

Không quân Ấn Độ đang biên chế ít nhất 240 chiếc Su-30MKI, con số này sẽ chạm mốc 272 chiếc trong năm nay sau khi Moskva hoàn tất những hợp đồng chuyển giao kỹ thuật cho New Delhi.