[ẢNH] Siêu tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có thể thổi bay một lục địa sẽ tới biển Đông?

ANTD.VN -Bên cạnh việc cho những siêu tàu sân bay thăm viếng một số quốc gia trong vùng Đông Nam Á, Mỹ cũng đang thúc đẩy mối quan hệ song phương tại khu vực này, sắp tới có thể siêu tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio sẽ tới thăm một số quốc gia xung quanh vùng biển Đông.

Việt Nam nằm trong số ít những quốc gia được Mỹ thúc đẩy quan hệ ngoại giao tích cực trong thời gian vừa qua, chuyến viếng thăm của siêu tàu sân bay USS Carl Vinson tới Việt Nam hôm 6-3 đánh dấu mốc son trong quan hệ hai nước.

Sau tàu sân bay Washington cũng mong muốn tàu ngầm hạt nhân của nước này cũng sẽ có những chuyến viếng thăm tới vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Loại tàu ngầm có thể được Mỹ biệt phái trong những chuyến công du đó chính là siêu tàu ngầm lớp Ohio. 

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio hiện được coi là siêu tàu ngầm có sức mạnh kinh hoàng nhất thế giới.

Tổng số vũ khí mà tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio mang theo gồm ngư lôi, tên lửa hạt nhân có sức mạnh bằng tất cả số bom đạn được các phe sử dụng trong đại chiến thế giới thứ hai. 

Chỉ cần một tàu Ohio khai hỏa vũ khí hạt nhân cũng dư sức hủy diệt toàn bộ một lục địa.

Quả bom nguyên tử mạnh nhất mà con người từng sử dụng trong chiến tranh là quả bom bị Mỹ ném xuống Hiroshima, đương lượng nổ là 21kt, gây nên cái chết của hơn 75.000 người ngay lập tức và hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng sau đó. Tuy nhiên đương lượng nổ của vũ khí trên tàu Ohio còn mạnh gấp hàng chục nghìn lần.

Với 24 tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II D-5 có khả năng mang từ 8 tới 14 đầu đạn hạt nhân độc lập, mỗi đầu đạn có sức công phá từ 100kt tới 475kt, như vậy tổng số đầu đạn hạt nhân mà tàu ngầm hạt nhân Ohio mang theo lên tới 192 đầu đạn W88 (tổng đương lương nổ 91.200kt) hoặc 336 đầu đạn W76 (tổng đương lượng nổ 33.600kt).

Hình ảnh bên trong khoang tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của hải quân Mỹ.

Siêu tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đang rẽ nước để lặn xuống biển sâu.

Tên lửa hạt nhân Trident II đang được phóng lên từ tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio.

Khoang chứa ngư lôi bên trong tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ.

Cảnh tượng đẹp mắt khi tàu ngầm hạt nhân Mỹ từ từ lặn xuống nước.

Trident II hiện là một trong số những tên lửa hạt nhân mạnh nhất thế giới. Loại tên lửa này đang được sử dụng bởi hải quân Mỹ và hải quân hoàng gia Anh.

Tên lửa có chiều dài 13,5m, đường kính lên tới 2,1m. Những quả tên lửa hạt nhân khủng khiếp này có thể mang tối đa 14 đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa có cơ chế đẩy ba tầng cho phép chúng có thể bay với tốc độ kinh hoàng lên tới Mach 24 tức khoảng 29.000km/h.

Tầm hoạt động của tên lửa hạt nhân Trident II lên tới 12.000 km. Với tầm bắn này tàu ngầm mang tên lửa Trident II có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới.

Điều đáng ngạc nhiên là dù có tầm bắn rất xa nhưng độ sai số mục tiêu chỉ vào khoảng 120m.

Bên trong khoang của tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio.

Một sĩ quan hoa tiêu đang điều khiển kính tiềm vọng trên tàu ngầm.

Cảnh tượng đáng sợ khi tên lửa hạt nhân Trident II bay lên khỏi mặt nước.

Tàu ngầm USS Ohio của hải quân Mỹ là tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ thứ III, được biên chế vào lực lượng hải quân Mỹ trong những năm 1981-1997.

Tàu Ohio có lượng giãn nước toàn tải lên đến 18.450 tấn, dài 170m, rộng tới 13m. 

Với kích cỡ to lớn như vậy tàu Ohio có khả năng mang tới 24 tên lửa hạt nhân Trident II. Hình ảnh đầu tên lửa hạt nhân Trident II đang được gắn rất nhiều đầu đạn con. Các đầu đạn này có thể tách ra và tác chiến độc lập khi đột nhập vào lãnh thổ đối phương.

Tàu Ohio mang theo mang theo 155 thủy thủ và sĩ quan.

Con tàu này có thể lặn sâu 300m và ngay cả khi đang ẩn mình sâu dưới biển, chúng vẫn có thể phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân tiêu diệt đối phương mà không cần phải nổi lên mặt nước.

Tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động liên tục tới 50 năm mà không phải tái nạp thanh nhiên liệu.

Với động cơ hạt nhân theo lý thuyết Ohio có thể cơ động dưới nước với tốc độ khoảng 20 hải lý/h.

Tuy nhiên tốc độ thực tế của tàu lên tới 25 hải lý/h.

Hệ thống điện tử bao gồm radar trinh sát thủy siêu âm AN/BQQ-6, một biến thể nâng cấp hiện đại của sonar AN/BQQ-5 được lắp đặt trong tàu ngầm đa mục đích. 

Trong các tàu ngầm, đài sonar hoạt động chủ yếu ở chế độ thụ động – thu các tín hiệu thủy siêu âm.

Từ năm 2002, tàu ngầm USS Ohio là lớp tàu duy nhất mang tên lửa đạn đạo tầm xa phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. 

Mỗi tàu ngầm USS Ohio được trang bị 24 tên lửa đạn đạo "Trident". Tên lửa Trident II D-5 có thể được lắp đặt hai loại đầu đạn hạt nhân — W76 đương lượng nổ 100 kt và W88 đương lượng nổ 475 kt.

Ngoài ra chúng còn được lắp đặt 4 ống phóng ngư lôi tự bảo vệ. 

Các ống phóng ngư lôi nằm ở phần mũi tàu với một góc nghiêng nhỏ so với mặt phẳng đường kính của tàu.

Quả ngư lôi hạng nặng Mk-48 của hải quân Mỹ.

Mỗi tàu ngầm Ohio được trang bị tới 8 quả ngư lôi hạng nặng Mk-48 để tiêu diệt tàu ngầm và tàu nổi đối phương.

Hải quân Mỹ đang có tới 18 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công chiến lược lớp Ohio.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ quyết định hoán cải 4 tàu ngầm lớp Ohio, dỡ bỏ tên lửa đạn đạo Trident và trang bị cho chúng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM). 

Hình ảnh minh họa tên lửa Tomahawk đang được phóng lên từ tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio.

Tại vị trí của tên lửa hạt nhân Trident II trước đây, Mỹ đã thay thế bằng 7 quả tên lửa Tomahawk.

Sau khi được nâng cấp vũ khí, mỗi chiếc tàu ngầm lớp Ohio hoán cải mang được 154 quả Tomahawk trong 22 trên tổng số 24 ống phóng tên lửa, nhiều tên lửa hành trình hơn cả một biên đội tàu mặt nước.

Hình ảnh các nắp đậy hệ thống ống phóng của tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio.  Toàn bộ số tên lửa này có thể phóng theo loạt từ dưới nước trong vòng 6 phút.

Quy trình phóng tên lửa của tàu Ohio. Hơi nước được đốt nóng để tạo ra áp suất đẩy tên lửa vọt lên khỏi mặt nước, sau đó động cơ chính mới khai hỏa để đẩy quả tên lửa lao vút đi.

Cho tới thời điểm hiện tại Ohio vẫn là tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất thế giới, và có lẽ chúng sẽ tiếp tục giữ vị trí này thêm vài thập kỷ nữa. Hình ảnh bếp ăn bên trong tàu ngầm hạt nhân Ohio.

Theo Phó đô đốc Philip G.Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7, sau tàu sân bay đến Đà Nẵng, Hải quân Mỹ mong muốn sẽ đưa tàu ngầm đến thăm một số nước ở biển Đông.

Cũng theo vị phó đô đốc này, trong quá trình các chiến hạm của Mỹ đi vào biển Đông có gặp tàu, máy bay Trung Quốc nhưng đó là chuyện bình thường.

"Trong toàn bộ thời gian đi vào Đà Nẵng, chúng tôi đi trên vùng biển Quốc tế và có thể gặp tàu nước này hoặc nước kia. Tuy nhiên đó là hải phận quốc tế và tất cả hoạt động khi tàu hải quân Mỹ gặp và giáp mặt với tàu nước khác đều được xử lý một cách hết chuyên nghiệp", vị phó đô đốc chia sẻ thêm.

Hy vọng trong tương lai mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Biển Đông cũng như trên thế giới sẽ có bước phát triển mạnh mẽ. Hải quân các nước có thể thực hiện nhiều hơn các cuộc thăm viếng lẫn nhau để tăng cường hợp tác.