[ẢNH] Siêu tàu ngầm hạt nhân- ‘cận vệ’ tàu sân bay Mỹ lầm lũi tới biển Đông

ANTD.VN - Tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles được Mỹ phái đi cùng với siêu tàu sân bay Ronald Reagan tới biển Đông nhằm bảo vệ tự do hàng hải trên tuyến đường biển nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới này.

Mỹ đang có những hành động dứt khoát bằng cách điều hàng loạt khí tài tới khu vực biển Đông trong nỗ lực nhằm đảm bảo tự do thông thương tại đây.

Trong số vũ khí được điều động có cả siêu tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles.

Loại tàu ngầm hạt nhân này được Mỹ phái đi nhằm làm nhiệm vụ bảo vệ siêu tàu sân bay Ronald Reagan đang hiện diện trên biển Đông

Los Angeles hiện đang là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân chủ lực của Hải quân Mỹ với khả năng triển khai được nhiều loại tên lửa hành trình.

Mỹ thường dùng một tới hai chiếc tàu ngầm loại này đóng vai trò làm cận vệ cho các siêu tàu sân bay.

Tàu ngầm lớp Los Angeles tuy được chế tạo từ lâu, song với những nâng cấp liên tục, nó vẫn tiếp tục đóng vai trò nòng cốt của lực lượng tàu ngầm Mỹ.

Bắt đầu được đóng từ năm 1972 tới năm 1996, đội tàu ngầm lớp Los Angeles khi đông nhất có quân số lên tới 62 chiếc và tới nay, dù đã có 30 chiếc được cho nghỉ hưu nhưng đây vẫn là đội tàu ngầm hạt nhân có số lượng lớn nhất thế giới.

Trong hơn 20 năm tàu ngầm lớp Los Angeles được chế tạo, các hệ thống của chúng – bao gồm hệ thống đẩy, mũi tàu, hệ thống sonar kéo dây và thậm chí vật liệu chế tạo thân tàu – đều được nâng cấp để cập nhật công nghệ mới nhất.

Với chiều dài 110m và lượng giãn nước khi lặn là 6.927 tấn, tàu ngầm lớp Los Angeles được thiết kế dài hơn 20% và có lượng giãn nước lớn hơn 50% so với các tàu ngầm tiền nhiệm – lớp Sturgeon.

Các tàu ngầm lớp Los Angeles được đóng từ thép HY-80, có khả năng lặn sâu 290m. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng có thể lặn tới độ sâu tối đa 450m.

Tàu ngầm lớp Los Angeles có thiết kế hình giọt nước. Thiết kế này lần đầu tiên được giới thiệu trên tàu ngầm lớp Skipjack.

Nhờ hình dáng khí động học tối ưu cùng với lò phản ứng hạt nhân tạo ra năng lượng đẩy cực mạnh, tàu ngầm lớp Angeles có thể đạt tốc độ 37 hải lý/h.

Để đáp ứng nhiệm vụ tấn công nhanh dưới nước, tàu ngầm lớp Los Angeles được trang bị bộ định vị thủy âm (sonar) khẩu độ rộng BQQ-5D/E.

Đây là hệ thống định vị thủy âm kỹ thuật số được thiết kế dạng hình cầu bố trí ở trước mũi tàu ngầm cùng một mảng gắn ở thân tàu. Hệ thống có khả năng hoạt động ở cả hai chế độ chủ động và thụ động.

Tàu ngầm lớp Los Angeles còn được trang bị hệ thống định vị thủy âm cao tần BQS-15 để tìm kiếm các mục tiêu ở những khu vực bị đóng băng cũng như định tầm sonar.


Trái tim của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles là hệ thống kiểm soát chiến đấu AN/BYG-1 do tập đoàn Raytheon sản xuất. Thêm vào đó, tàu còn được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh hai chiều phục vụ các hoạt động chiến thuật cũng như nạp dữ liệu mục tiêu cho tên lửa Tomahawk.

Vũ khí trên tàu bao gồm 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, có thể triển khai ngư lôi Mk48, tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống tàu Harpoon và thủy lôi CAPTOR.

Trong số 62 tàu ngầm được chế tạo, có 23 chiếc đóng trong giai đoạn sau được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng mỗi tàu để triển khai tên lửa Tomahawk. Thiết kế này sau đó được tiếp tục áp dụng trên tàu ngầm lớp Virginia.

Các tên lửa Tomahawk tấn công mục tiêu trên bờ có tầm bắn lên đến 2.500 km (phiên bản mang đầu đạn hạt nhân), 1.600 km mang đầu đạn nổ thường.

Nhờ hiện đại hóa và trang bị thêm nhiều tính năng hiện đại, tàu ngầm hạt nhân Los Angeles của Mỹ được đánh giá là một trong số ít những tàu ngầm chạy êm và nguy hiểm nhất thế giới.