[ẢNH] Sau khi Nga bắt giữ lính Syria, đến lượt Syria cấm cửa Iran, điều gì đang xảy ra?

ANTD.VN - Israel được coi là nhân tố lớn trong những diễn biến có chiều hướng phức tạp trong liên minh Nga-Syria-Iran tại chiến trường Syria. Mới đây nhất không quân Syria đã cấm lực lượng Iran sử dụng các nhà chứa máy bay của nước này.

Những dấu hiệu cho thấy đang có sự rạn nứt giữa 3 đồng minh thân thiết tại Syria là Nga-Syria-Iran. Israel được coi là nhân tố trung tâm của những rạn nứt trên.

Hình ảnh quân đội Nga đang bắt giữ một số binh sĩ Syria.

Dù phía Nga và Syria ngay lập tức lên tiếng cho biết quân cảnh Nga đã bắt giữ hơn 20 tay súng và binh sĩ quân đội Syria, đại đa số là những tay súng tình nguyện thuộc Lực lượng vũ trang địa phương (NDF) do vi phạm kỷ luật chiến trường liên quan đến cướp bóc, tuy nhiên điều này vẫn làm dấy lên những nghi ngại mới tại chiến trường này.

Sau sự kiện quân cảnh Nga bắt giữ lính Syria thì ngay sau đó Syria lại ra lệnh cấm cửa nhà chứa máy bay đối với Iran.

Theo trang tin Zaman al-Wasl, Không quân Syria đã không cho phép lực lượng Iran và các chiến binh Shiite sử dụng nhà chứa máy bay và thiết bị quân sự ở căn cứ không quân của nước này.

Động thái trên xảy ra sau một loạt các đợt không kích của Israel tại Syria trong vài tuần trở lại đây, làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và Israel.

Giới quan sát cho rằng quyết định chưa từng có này bị ảnh hưởng bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào hôm 17-5 tại thành phố Sochi.

Ông Putin khi đó đã nhấn mạnh rằng, các lực lượng nước ngoài đang đồn trú tại Syria cần phải rời khỏi quốc gia đang có nội chiến này, nhằm đưa đến sự thành công cho tiến trình chính trị tại đây.

Thiếu tướng Ahmed Balloul, người đứng đầu Không quân Syria cho hay, nhà chứa máy bay Syria hiện nay chỉ do quân nhân Syria sử dụng.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi khẳng định, Iran sẽ vẫn duy trì lực lượng quân sự của mình tại Syria theo như lời đề nghị của chính quyền Damascus.

Trả lời hãng thông tấn Anadolu về thông tin cho rằng Nga muốn Iran rút khỏi Syria, ông Qasemi nhấn mạnh: “Không ai có thể ép buộc Iran làm điều gì cả. Iran có những chính sách độc lập của mình”.

“Những quốc gia nào có mặt tại Syria mà không có sự cho phép của chính phủ mới là những nước phải rời đi”, phát ngôn viên nói thêm.

Iran đã đưa hàng ngàn chiến binh do chính nước này hậu thuẫn sang Syria để hỗ trợ cho chính quyền Assad trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm qua.

Đã có khoảng 40 người Iran, gồm cả giới chức quân sự cấp cao, đã thiệt mạng trong trận không kích của Israel nhằm vào sân bay T4 và Dabaa ở tỉnh Homs, Lữ đoàn 47 cũng như căn cứ không quân Hama của Syria trong suốt 2 tháng qua.

Hiện giới quan sát đang chăm chú theo dõi những động thái mới nhất từ phía liên minh Nga-Syria-Iran.

Trong suốt thời gian vừa qua, Nga bị một số chỉ trích vì được cho là đang nhún nhường trước Israel.

Hành động ngừng việc cung cấp hệ thống S-300 cho Syria cũng được cho là bởi sức ép từ phía Israel.

Trong khi đó giải thích cho việc này Nga tuyên bố rằng hệ thống phòng không Syria đã mạnh mẽ và không nhất thiết phải cần có hệ thống S-300.

Tuy nhiên giới quan sát lại không cho rằng như thế, nếu hệ thống phòng không Syria mạnh mẽ thì họ đã không phải thiệt hại nặng nề trong các cuộc tấn công của Israel

Việc không cho phép Iran sử dụng nhà chứa máy bay ngoài sức ép từ Nga, cũng có thể Syria đã tính đến phương án bảo toàn lực lượng.

Nếu cho phép Iran sử dụng nhà chứa này, các máy bay Syria luôn bị đặt trong sự bấp bênh vì có thể Israel sẽ tấn công bất cứ lúc nào.

Phía Israel còn ra tuyên bố không chấp nhận việc Iran lập căn cứ trên đất Syria, sát với biên giới của họ, Tel Aviv có thể bất ngờ tấn công mà không báo trước.

Thực tế cho thấy dù Israel mở nhiều cuộc tấn công, nhưng phần đa là nhắm vào các nhóm hồi giáo cực đoan thường tấn công vào Israel đang có căn cứ trên đất Syria.

Việc tấn công trực diện vào quân đội Syria chỉ xảy ra trong những trường hợp cần thiết như trả đũa vụ bắn rocket vào cao nguyên Golan, hay các hệ thống phòng không Syria bắn vào máy bay Israel.

Syria vẫn đang chìm trong nội chiến cũng như sự phức tạp bởi cuộc hiện diện quân sự của Mỹ tại phía Bắc Syria, và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin.

Đối đầu toàn diện với một quân đội Do Thái hùng mạnh trong bối cảnh hiện tại không phải là bài toán khôn ngoan.

Đây có lẽ là lý do chính yếu để họ tiếp tục trả đũa nhưng cũng không vội vã để quyết "ăn thua đủ" với Israel.

Dù vai trò của Iran ngày một lớn trong việc giúp quân đội chính phủ Syria, tuy nhiên việc họ là kẻ thù không đội trời chung với Israel khiến nhiều lúc Syria bị đặt trong tình huống khó xử.

Mặt khác giữa Nga và Israel vẫn đang tồn tại mối quan hệ đối tác thân cận nên dù muốn dù không Syria vẫn phải chịu những điều kiện mà Nga vạch ra.

Cuộc chiến tại Syria một lần nữa lại cho thấy sự phân hóa với nhiều diễn biến bất ngờ, phức tạp và không kém phần ác liệt.