[ÀNH] 'Sát thủ diệt tăng' được Ấn Độ triển khai tới biên giới Pakistan

ANTD.VN - Quân đội Ấn Độ vừa điều động số lượng lớn các tên lửa chống tăng dẫn hướng Spike do Israel sản xuất tới Đường kiểm soát (LoC), ranh giới phân chia Ấn Độ và Pakistan ở vùng tranh chấp Kashmir.

Theo Sputnik, tên lửa chống tăng dẫn hướng (ATGM) Spike được Israel chuyển giao cho Ấn Độ theo bản hợp đồng mua bán khẩn cấp, sau khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan bùng nổ hồi tháng Hai năm nay.

Một quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết, 100 ATGM thế hệ thứ 3 Spike đã được Ấn Độ đưa tới mặt trận phía bắc và được dùng để chống lại kẻ thù.

Hồi tháng Bảy, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đặt mua 240 tên lửa Spike cùng 12 ống phóng từ Tập đoàn Rafael của Israel nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng chống tăng. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ cho bổ sung ít nhất là 40.000 tên lửa chống tăng trong vòng 20 năm.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan ở khu vực Kashmir vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu kể từ ngày 5-8, thời điểm Ấn Độ cho xóa bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị cho vùng Jammu và Kashmir.

Điều 370 quy định cơ quan lập pháp địa phương tại đây có quyền ban hành luật riêng, đồng thời cấm người bên ngoài bang mua đất, làm việc trong cơ quan chính phủ hay tham gia vào các chương trình học bổng do chính quyền khu vực này tài trợ.

Bãi bỏ quy chế đặc biệt đồng nghĩa với việc khu vực Jammu và Kashmir sẽ áp dụng Hiến pháp và người dân trên cả nước có thể mua đất đai cũng như làm việc trong cơ quan nhà nước tại đây. Hành động của Ấn Độ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Pakistan .

Vùng Jammu và Kashmir trở thành điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi hai nước giành lại độc lập vào năm 1947.

Cả hai nước nắm quyền kiểm soát những khu vực khác nhau trong vùng Jammu và Kashmir, nhưng hai bên vẫn ra tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ vùng Jammu và Kashmir. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan cũng đã làm bùng phát hai cuộc chiến ở vùng Kashmir.

Từ đó đến nay, các cuộc chạm chán quân sự lẻ tẻ vẫn diễn ra giữa hai nước. Điều này khiến New Delhi tăng cường tên lửa chống tăng Spike để đề phòng xung đột. Spike là một trong những thế hệ tên lửa chống xe tăng thành công nhất của Israel.

Loại tên lửa này thuộc kiểu F&F tức là “bắn và quên”, cấu tạo gồm ba bộ phận chính: phần đầu (gắn thiết bị cảm biến lái dẫn); phần thân, mang hai đầu nổ (để kích hoạt giáp phản ứng nổ (ERA) và xuyên phá); và động cơ của tên lửa.

Đây cũng là vũ khí đa năng, đa nhiệm, có thể được phóng từ đất liền, trên biển, từ xe cơ giới, và từ trực thăng.

Đầu đạn kép tandem HEAT của tên lửa có khả năng phá hủy các hệ thống giáp tăng cường và xuyên giáp tất cả các xe tăng chủ lực hiện có.

Nhờ trang bị các đầu đạn tích hợp xuyên giáp, nổ phá và nổ phá mảnh (Penetration, Blast và Fragment - PBF), Spike có khả năng triệt hạ nhiều loại mục tiêu khác nhau, như xe bọc thép, hầm trú ẩn, trang thiết bị kỹ thuật, tàu đổ bộ, tàu chiến mặt nước và sinh lực địch.

Nó có thể tiến công trực tiếp (đối với mục tiêu trong tầm nhìn thấy) hoặc các mục tiêu ở vị trí bị che khuất hoàn toàn nhờ hệ thống ống phóng thẳng đứng.

Công ty Rafael đang nỗ lực mở rộng tính linh hoạt của tên lửa bằng cách tăng cường công cụ tìm kiếm EO-IR/CCD hiện có với laser bán chủ động (SAL).

Spike có nhiều biến thể với tầm bắn khác nhau. Các phiên bản tầm trung (MR), dài (LR), tăng tầm (ER) đều sử dụng phương thức lái dẫn quang - truyền hình, cho phép tối ưu hiệu quả và tầm bắn; tấn công từ nóc xe như FGM-148 Javelin của Mỹ.

Spike tầm ngắn (SR) là phiên bản mới nhất được thiết kế cho tác chiến đô thị, chuyên tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động, tầm bắn 50 - 1.500 m, được trang bị đầu dò quang điện/hồng ngoại giúp kháng nhiễu và tăng xác xuất trúng mục tiêu, trang bị cho cấp trung đội.

Rafael cũng cho ra mắt Spike mini có lái dẫn chống bộ binh (APGW), tầm bắn 1,3 - 1,5 km để bắn qua cửa sổ, chướng ngại vật… khi tác chiến trong đô thị.

Spike ER2 - phiên bản nâng cấp của Spike ER - được lắp đặt hệ thống truyền dữ liệu hai chiều không dây hai tần số vô tuyến (RF), dữ liệu được chuyển tải trong thời gian thực.

 Chúng còn được điều chỉnh phần mềm điều khiển tên lửa để tối đa hóa tầm bắn, tăng phạm vi tấn công, cơ động linh hoạt và khả năng xác định mục tiêu cần tiêu diệt, cho phép phá hủy các mục tiêu từ khoảng cách xa hơn.

Spike ER2 có khả năng kết nối mạng chiến thuật và tương tác không trực quan khi thực hiện tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn (Non Line Of Sight - NLOS) theo tọa độ, có sử dụng thiết bị đo lường quán tính (Inertial Measurement Unit - IMU) do bên thứ ba (UAV, trinh sát tiền phương hay định vị vệ tinh…) xác định mục tiêu và cung cấp hình ảnh, tọa độ.

Hệ thống tên lửa Spike NLOS - phiên bản mới nhất của họ tên lửa Spike - có khả năng tấn công bất ngờ và uy lực cao, có vận tốc bay 180m/s, tầm bắn đến 25km - là tên lửa chống tăng có tầm bắn hiệu quả xa nhất thế giới.

Tên lửa Spike NLOS được dẫn lái dẫn bởi máy bay không người lái hoặc vệ tinh và thực hiện bằng hệ thống truyền lệnh quang - điện hai chiều, sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày đêm, nên tên lửa này có độ chính xác cực cao.

Với việc thử thành công tên lửa Spike NLOS gắn trên xe Tomcat tiêu diệt thành công mục tiêu giả định ở cự ly 25 - 30 km với độ chính xác cao, Rafael đã tạo nên thứ vũ khí có khả năng tấn công khó lường, bởi bệ phóng được thiết kế rất nhẹ, mang được tới 8 tên lửa, có thể luồn lách sâu.