[ẢNH] S-400 và Pantsir-S1 Nga ở lại, máy bay Mỹ và liên quân vẫn sẽ 'run' trên bầu trời Syria

ANTD.VN - Dù tuyên bố rút quân nhưng Nga vẫn để lại những hệ thống phòng không cực mạnh bao gồm S-400 và Pantsir-S1 để bảo vệ đồng minh Syria. Đây là thông điệp cứng rắn Nga gửi tới Mỹ và liên quân tại Syria.

Động thái rút quân là nước cờ cao tay của Tổng thống Putin tại Syria. Một mặt Nga hạn chế được mức chiến phí đang ngày một tăng cao tại chiến trường này, mặt khác ông Putin cũng muốn lấy lòng những cử tri Nga để chạy đua tới chiếc ghế tổng thống Nga năm tới.

Tuyên bố chiến thắng trước khủng bố IS và rút quân đồng nghĩa với lời nhắn nhủ gửi tới Mỹ cũng nên làm điều tương tự.

Nhưng giới quan sát nhận định rằng, việc rút quân của Nga sẽ mang tính hình thức hơn là thực tế triệt thoái hoàn toàn lực lượng ra khỏi Syria.

Nga sẽ chỉ rút đi những khí tài không cần thiết như máy bay ném bom hạng nặng, máy bay vận tải, cường kích Su-24, Su-25 và Su-34.

Còn những tiêm kích đa năng và phiên bản cường kích mới nhất Su-25M3 sẽ vẫn được Nga giữ lại.

Đồng thời những hệ thống phòng không mạnh nhất của Nga hầu như giữ yên, không có sự thay đổi.

Trong số những hệ thống phòng không tạo thành lưới lửa bảo vệ quân đội Syria phải kể đến hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S1 và S-400.

Nếu như S-400 là hệ thống phòng không tầm xa nổi tiếng của Nga lần đầu thực chiến thì Pantsir-S1 lại được coi là hệ thống phòng không hiệu quả nhất của Nga tại chiến trường Syria cho tới thời điểm hiện tại.

Hệ thống này đã tiêu diệt từ máy bay do thám không người lái, đạn rocket và ngay cả đạn cối của đối phương bắn tới.

Theo thống kê, ngoài bắn mục tiêu của quân khủng bố, Pantsir-S1 còn bắn cả UAV trinh sát của Mỹ và Israel.

Khi triển khai ban đầu, hệ thống Pantsir-S1 đóng vai trò kẻ bảo vệ cho hệ thống phòng không S-400. Giới hạn điểm mù của radar tầm xa khiến S-400 không đạt hiệu quả trong việc tiêu diệt mục tiêu tầm cực gần.

Pantsir-S1 được coi là một trong những hệ thống phòng thủ tầm gần cực kỳ nguy hiểm, sự kết hợp giữa pháo và tên lửa đem lại một lưới lửa dày đặc tầm thấp bảo vệ chắc chắn căn cứ trước sức tấn công của đối phương.

Nga bắt đầu nghiên cứu Pantsir-S1 vào năm 1994, ra mắt công chúng vào năm 2008, năm 2012 hệ thống chính thức đi vào biên chế trong quân đội Nga.

Với việc kết hợp cả pháo bắn tốc độ cao và tên lửa phòng không đánh chặn có khả năng diệt mục tiêu từ khoảng cách 20km, trần bay 15km, Pantsir-S1 không những đe dọa cả máy bay cường kích bay thấp mà còn cả máy bay tiêm kích bay cao.

Tuy có nhiều phàn nàn về tính hiệu quả của hệ thống S-400 khi thực chiến tại Syria, nhưng Nga vẫn im lặng và tiếp tục duy trì hệ thống này tại Syria.

Nhiều nhà phê bình cho rằng S-400 để máy bay chiến đấu Israel tấn công quân đội Syria ngay dưới chân mình là hành động khó hiểu. Chỉ có trường hợp, một là hệ thống này không hiệu quả, hai là giữa Nga và Israel đã có một thỏa thuận ngầm nào đó.

Giới quan sát nghiêng về vế thứ hai, điều này càng được củng cố khi Israel thông báo, mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria đều được báo cáo ngày giờ cho phía Nga.

Với hệ thống radar thám sát và khóa bắn mục tiêu tối tân lại được báo trước ngày giờ tấn công thì không lẽ gì S-400 lại không phát hiện ra máy bay chiến đấu Israel.

Hành động không bắn hạ chiến đấu cơ Israel có thể là do Nga không muốn gây thêm căng thẳng trong khu vực. Tạo điều kiện để Tel Aviv đem quân vào Syria thì tình hình càng tồi tệ hơn.

Nga và Israel cũng đang có mối quan hệ mật thiết đặc biệt về lĩnh vực quân sự.

Phía Israel đang giúp Nga phát triển các UAV trinh sát và chiến đấu. Đây vốn là thế mạnh của Tel Aviv trong khi lại là điểm yếu của Moscow.

Vì vậy có thể Nga đã chấp nhận làm ngơ cho phía Israel tấn công trong những điều kiện chấp nhận được.

Tuy Israel nhiều lần tấn công vào Syria, nhưng các cuộc tấn công chủ yếu phá hủy khí tài và kho tàng, không gây thiệt hại nhiều về người.

Với khả năng cơ động cùng dàn tên lửa có độ chính xác cao, tầm bắn tới 400 km, giới chuyên gia quân sự đánh giá S-400 là một trong những hệ thống phòng không mạnh mẽ nhất thế giới.

S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn hệ thống tên lửa đất đối không S-300. 

Hệ thống này được biên chế cho quân đội Nga từ tháng 4-2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó. 

Nga thiết lập 4 trung đoàn S-400 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia tại Moscow, vùng Kaliningrad, và quận quân sự phía Đông.

Hệ thống S-400 có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây. .

S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó

Nga bắt đầu triển khai hệ thống S-400 tới Syria vào cuối năm 2015 ngay sau khi máy bay Su-24 của nước này bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

Toàn cảnh hệ thống phòng không tầm xa S-400.

Các công nhân đang tiến hành lắp đạn tên lửa vào ống phóng.

S-400 sở hữu kiểu phóng thẳng đứng, điều này tạo ra lợi thế hơn khi có thể khai hỏa tên lửa và tấn công mục tiêu theo bất kỳ phương hướng nào.

Việc tiếp tục để lại hệ thống S-400 và Pantsir-S1, Nga muốn nhắn nhủ với Mỹ và phương Tây, họ sẽ tiếp tục bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad bằng mọi giá. Bất kỳ ai cố ý tấn công hủy diệt vào quân đội Nga và Syria đều sẽ bị trả đũa thích đáng.