[ẢNH] S-400 Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ NATO thế nào được khi chúng vô hại với chiến đấu cơ Nga?

ANTD.VN - Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố S-400 không những bảo vệ cho nước này mà còn bảo vệ cho cả NATO và EU, tuy nhiên giới quan sát cho rằng điều này khó xảy ra khi S-400 không thể nhắm bắn vào chiến đấu cơ Nga. 

Sau khi bị Mỹ ra sức ngăn cản thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 với Nga, Ankara đã khẳng định rằng, loại khí tài này sẽ không chỉ bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ mà cả NATO và EU.

“Mặc dù nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ bầu trời của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các tên lửa từ Syria nhưng S-400 cũng có thể sử dụng để bảo vệ cho các nước châu Âu và NATO”, phát ngôn viên Đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Tayipp Erdogan, ông Omer Celik cho hay.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng, nước này buộc phải tìm cách củng cố khả năng phòng không sau khi một vài đồng minh NATO rút hệ thống Patriot khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ông Celik cho rằng, điều này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ có ít phương án để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa phóng từ lãnh thổ Syria và cũng không có đối tác nào đề nghị giúp đỡ Ankara trong vấn đề này.

Tuy vậy giới quan sát cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hệ thống S-400 sẽ bảo vệ cho cả họ và NATO lẫn EU sẽ khó có thể xảy ra.

Khi chuyển giao vũ khí cho đối tác, các nước bán đều phải cài đặt mã nguồn an toàn để những loại vũ khí này không quay lại chống chính mình.

Điều này có nghĩa là các hệ thống phòng không luôn có chế độ phân biệt bạn thù để tránh bắn vào chiến đấu cơ của mình. Trường hợp tên lửa Stinger của Mỹ là một ví dụ.

Mỹ đã chuyển hàng ngàn tên lửa phòng không vác vai Stinger cho phiến quân Mujahideen trong chiến tranh tại Afghanistan năm 1979.

Với hiệu suất 75% khi khai hỏa, tên lửa Stinger của Mỹ được sử dụng bởi phiến quânMujahideen đã bắn hạ hàng trăm máy bay, gây nên nỗi ác mộng kinh hoàng cho không quân Liên Xô.

Tuy vậy trong cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành vào năm 2001 do Mỹ tiến hành, các phiến quân Taliban dùng loại tên lửa này bắn vào máy bay Mỹ đều không được, do chúng không thể khóa mục tiêu.

Chính vì thế chắc chắn khi bán bất cứ hệ thống phòng không nào cho đối tác, Nga cũng đều cài chế độ nhận diện bạn thù để an toàn tuyệt đối cho chiến đấu cơ của mình.

Trong khi đó Nga lại là đối thủ tiềm tàng lớn nhất của NATO cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy việc Ankara cho rằng hệ thống S-400 sẽ bảo vệ NATO dường như chỉ là điều họ đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình.

Thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ tiếp tục trải qua sóng gió trong thời gian tới khi Mỹ và NATO cương quyết phản đối. 

Họ cho rằng việc sở hữu hệ thống S-400 của Nga sẽ giúp Moscow nắm được bí mật về tiêm kích F-35 để dễ dàng bắn hạ chúng.

Mỹ cũng đã đồng ý bán hệ thống phòng thủ Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà trước đây họ đã khước từ. Bên cạnh đó họ còn đe dọa ngừng cung cấp máy bay F-35 cho Ankara.

Tuy nhiên tất cả những điều này dường như vẫn chưa lay chuyển được quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Dự định hệ thống S-400 đầu tiên sẽ được nước này nhận vào tháng 8 tới đây.