[ẢNH] Phòng không Syria có thể chưa từng bắn hạ 71 tên lửa Liên quân như Nga công bố

ANTD.VN - Đã gần tuần lễ trôi qua sau khi vụ tấn công của Liên quân Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào các mục tiêu tại Syria, các bên vẫn tiếp tục tuyên bố khác nhau về hiệu quả vụ tấn công. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng các bên đều đang nói quá về kết quả của mình.

Đòn tấn công hôm 13-4 vừa của Liên quân Anh-Pháp-Mỹ đã phóng tổng cộng 105 quả tên lửa hành trình vào các mục tiêu tại Syria. Trong khi đó Nga lại cho rằng Liên quân chỉ phóng 103 quả tên lửa hành trình.

Mỹ phát động cuộc tấn công vào Syria diễn ra chỉ vài giờ trước khi các chuyên gia OPCW của Liên Hợp Quốc tới ngoại ô Damma ở Douma để điều tra về việc có hay không vụ tấn công hóa học tại đây.

Các loại tên lửa hành trình được sử dụng bao gồm Tomahawk được phóng từ tàu chiến Mỹ, SCALP-EG/Storm Shadow được phóng từ máy bay Anh và Pháp, cuối cùng là AGM-158 JASSM được phóng đi từ máy bay ném bom B-1B của Mỹ.

Trong số này tên lửa Tomahawk vẫn chiếm số lượng lớn nhất với 66 quả, tên lửa SCALP-EG/Storm Shadow: 20 quả và cuối cùng là 19 quả tên lửa AGM-158.

Các phương tiện mang phóng bao gồm tàu tuần dương hạm, tàu khu trục hạm, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược B-1B, và các tiêm kích đa năng như Rafale, Tornado, Mirage.

Ngay sau khi vụ tấn công diễn ra, Syria tuyên bố hệ thống phòng không của họ đánh chặn được ít nhất 13 tên lửa hành trình của liên quân do Mỹ dẫn đầu.

Cụ thể SANA hãng thông tấn của chính phủ Syria tuyên bố quân đội nước này bắn rơi ít nhất 13 tên lửa hành trình ở vùng al-Kaswa, ngoại ô thủ đô Damascus.

Đồng thời Syria cũng nêu rõ chính hệ thống Pantsir-S1 đã đóng vai trò chủ đạo trong việc bắn rơi tên lửa hành trình của Liên quân.

Tuy nhiên chỉ vài giờ sau Nga lại ra thông báo nêu rõ Syria đã bắn rơi được số lượng lớn tên lửa hành trình của Liên quân bắn vào Syria.

Theo đó Bộ Tổng tham mưu Nga tuyên bố, quân đội Syria đã đánh chặn thành công 71 trên tổng số 103 tên lửa trong chiến dịch không kích của liên quân Anh-Pháp-Mỹ.

Cụ thể kết quả chiến đấu của lực lượng phòng không Syria (theo Bộ Quốc phòng Nga): 4 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quốc tế Damascus: Tất cả bị tiêu diệt.

12 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Al-Dumayr: Tất cả bị tiêu diệt.

18 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Baly: Tất cả bị tiêu diệt.

12 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Shayarat: Tất cả bị tiêu diệt.

9 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Mezzeh: 5 quả bị tiêu diệt.

16 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Homs: 13 quả bị tiêu diệt.

30 quả tên lửa phóng vào khu vực Barzah và Jaramani: 7 quả bị tiêu diệt.

Nhiều nhà quan sát tỏ ra bất ngờ với kết quả chiến đấu của lực lượng phòng không Syria sau khi họ đã trải qua 7 năm nội chiến.

Bộ Quốc phòng Nga lại cho biết các tổ hợp tên lửa phòng không được Syria sử dụng trong việc chống trả cuộc tập kích đường không bao gồm S-125, S-200, Buk và Kvadrat.

Họ cũng không quên cho biết đây toàn là các hệ thống phòng không được sản xuất từ hơn 30 năm trước tại Liên bang Xô Viết và tuyệt nhiên không đả động gì tới các chiến tích của Pantsir-S1 như Syria đã thông báo trước đó.

Cơ quan quân sự Nga không quên nói thêm rằng các đơn vị phòng không của họ ở Syria không tham gia chống lại đòn tấn công tên lửa.

Truyền thông Syria lúc đầu lúng túng sau khi Nga thông báo con số 71 tên lửa mà phòng không Syria đánh chặn, khác hẳn với các tuyên bố của các trang tin chính phủ Syria thông báo trước đó chỉ vào khoảng 20 quả.

Syria cũng không nắm rõ được đã có tổng cộng bao nhiêu quả tên lửa hành trình của Liên quân tấn công vào họ cho đến khi được các cơ quan truyền thông Nga thông báo.

Sau đó truyền thông Syria bắt đầu lấy số liệu từ phía Nga và cho biết họ đã được Nga trợ giúp thông tin tình báo và đã bắn hạ được 71/103 quả tên lửa hành trình của Anh-Pháp-Mỹ.

Sau khi các báo chí phương Tây cho rằng với những hệ thống phòng thủ trên 30 năm tuổi thì việc đánh chặn tên lửa Tomahawk là cực kỳ khó khăn. Chính Pantsir-S1 mới được coi là sát thủ chính để bắn rơi các tên lửa hành trình liên quân.

Lúc này truyền thông Nga bất ngờ cung cấp một bảng chi tiết những loại vũ khí đã được sử dụng để bắn rơi các tên lửa hành trình của Liên quân, trong đó Pantsir-S1 được coi là hệ thống có hiệu suất cao nhất. 

Cụ thể, theo Bộ quốc phòng Nga cho biết "đã có 112 quả tên lửa đất đối không đã được phòng không Syria bắn đi với xác suất trúng đích, diệt mục tiêu đáng kinh ngạc."

Các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 bắn tổng cộng 25 quả đạn, trúng 23 quả, đạt hiệu suất diệt mục tiêu tới 92%. Điều này khác hẳn với tuyên bố trước đây của Nga khi họ không đề cập đến hệ thống này trong việc bắn rơi 71 tên lửa của Liên quân.

Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2 bắn tổng cộng 29 quả đạn, trúng 24 quả, đạt hiệu suất diệt mục tiêu tới 83%. Đây cũng chính là hệ thống đã bắn 10 quả tên lửa vào hư không khi nhận báo động giả hôm 17-4 vừa qua.

Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Osa bắn tổng cộng 11 quả đạn, trúng 5 quả, đạt hiệu suất diệt mục tiêu 45%.

Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung S-125 Pechora bắn tổng cộng 13 quả đạn, trúng 5 quả, đạt hiệu suất diệt mục tiêu 38%.

Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Strela-10 bắn tổng cộng 5 quả đạn, trúng 3 quả, đạt hiệu suất diệt mục tiêu 60%.

Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Kvadrat bắn tổng cộng 21 quả đạn, trúng 11 quả, đạt hiệu suất diệt mục tiêu 52%.

Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-200 bắn tổng cộng 8 quả đạn, không trúng quả nào, hiệu suất chiến đấu bằng 0%.

Số tên lửa tập kích vào từng mục tiêu (cột trái) và số bị bắn hạ (cột phải). Nguồn Bộ Quốc phòng Nga.

Số đạn tên lửa phòng không Syria đã bắn theo từng chủng loại (cột trái) và số đạn trúng mục tiêu (cột phải). Nguồn Bộ Quốc phòng Nga.

Việc bất nhất trong các tuyên bố về hệ thống đánh chặn tên lửa Syria bắn rơi tên lửa hành trình Liên Quân của Nga cho khiến giới quan sát nghi ngờ về số liệu Nga đưa ra.

Phía Syria cũng cho biết vụ tấn công của Liên quân làm 3 người thiệt mạng và thiệt hại về cơ sở vật chất là không đáng kể.

Hình ảnh phòng không Syria đánh chặn tên lửa Liên quân trong đêm.

Sáng hôm sau tràn ngập trên các trang báo chính phủ là người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng.

Các binh sĩ Syria reo hò sau khi đòn không kích với hơn 100 tên lửa của Liên quân chỉ gây ra "thiệt hại không đáng kể".

Đám đông tuần hành liên tục hô vang "Chúng tôi là người của ông, Bashar". Truyền hình nhà nước Syria đã tường thuật trực tiếp cuộc tuần hành. Một phát thanh viên Syria nói rằng hôm nay là một ngày tốt lành.

Lúc này Bộ Quốc phòng Mỹ mới lên tiếng, họ bác bỏ tuyên bố của Nga-Syria khi nói rằng 71 tên lửa đã bị đánh chặn, đồng thời còn bình luận rằng mức độ phóng đại của người Nga đã lên tới 2.000%. 

Họ khẳng định đã phóng tới 105 tên lửa, nhiều hơn 2 tên lửa so với thông báo của Moskva, toàn bộ số đạn phóng đi đều trúng đích, đạt tỷ lệ 100%.

Trong cuộc họp báo ngày 14-4, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White cho biết, cuộc tấn công của liên quân Anh-Pháp-Mỹ "đã đánh trúng mọi mục tiêu" và lực lượng liên quân rất thận trọng, chỉ tấn công vào các mục tiêu đã định trước.

Kèm theo những tuyên bố là hình ảnh đổ nát từ các mục tiêu bị tên lửa Liên quân tấn công.

Các mục tiêu bị tấn công đều đã bị phá hủy hoàn toàn

Điều này trái ngược với việc Syria khẳng định trước đó rằng về cơ sở vật chất họ bị thiệt hại bởi vụ tấn công là không đáng kể.

Một phóng viên đang quay cảnh các mục tiêu bị phá hủy tan tành sau đòn không kích của Liên Quân.

3 mục tiêu chính là Trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa học Barzah, Cơ sở hạ tầng khu cất chứa vũ khí hóa học và khu boong ke tại Him Shinshar gần thành phố Homs đã bị phá hủy bình địa.

Cảnh đổ nát tại Barzah, một trong ba mục tiêu chính bị hứng tên lửa nhiều nhất từ phía Liên quân.

Tiếp tục các hình ảnh vệ tinh chụp các mục tiêu trước và sau khi cuộc tấn công diễn ra một ngày được đem ra so sánh.

Các tòa nhà tại Him Shinshar đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Quân đội Mỹ cho biết 24 tên lửa đã tấn công cơ sở này, gồm 9 tên lửa Tomahawk của Mỹ, 8 tên lửa Storm Shadow của Anh, 5 tên lửa hành trình hải quân và 2 tên lửa SCALP của Pháp.

Một mục tiêu khác tại Homs là boongke quân sự Him Shinshar CW. Giới chức phương Tây tin rằng cơ sở này chứa cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí hóa học, cùng một trung tâm chỉ huy quan trọng của lực lượng chính phủ Syria cũng bị tên lửa hành trình Liên quân xóa sổ.

Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah, ngoại ô thủ đô Damascus, là một trong các mục tiêu bị không kích nặng nề. "Đánh giá ban đầu cho thấy mục tiêu này đã bị phá hủy hoàn toàn", Trung tướng Kenneth McKenzie, quân đội Mỹ, nhận định

Hình ảnh vệ tinh hôm 15-4 cho thấy rõ Trung tâm nghiên cứu Barzah tại ngoại ô thủ đô Damascus đã bị phá hủy hoàn toàn. "Chúng tôi đã tham vấn kỹ lưỡng các nhà khoa học và các chuyên gia quân sự để đảm bảo các cuộc tấn công không khiến vũ khí hóa học rò rỉ ra môi trường, gây nguy hiểm tới dân thường", BBC dẫn tuyên bố của bộ Quốc phòng Anh.

Mặt khác những bức ảnh ghi lại vụ tấn công bằng tên lửa do Anh, Pháp, Mỹ tiến hành nhằm vào các mục tiêu tại Syria đêm 13-4 dường như đã cho thấy phòng không Syria "bắn mò" và hầu như đánh chặn thất bại các tên lửa của liên quân.

Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ xác nhận các hệ thống pháo và tên lửa phòng không của Nga đã "án binh bất động" trong suốt cuộc không kích của liên quân đêm 13-4.

Ngoài ra, ông Dunford cho biết thêm rằng sự đáp trả duy nhất mà họ gặp phải là từ các hệ thống tên lửa đất-đối-không của quân đội Syria sau cuộc không kích và chúng không phát huy hiệu quả nào.

Phía Mỹ đặc biệt nhấn mạnh việc Syria bắn tên lửa đánh chặn ngay cả khi cuộc không kích đã kết thúc, như một nỗ lực để "vớt vát thể diện".

"Phần lớn tên lửa đánh chặn (của Syria) được bắn ra sau khi cuộc không kích của chúng tôi đã kết thúc", Trung tướng Thủy quân Lục chiến Kenneth F. McKenzi, trưởng ban tham mưu liên quân Mỹ nói, "Khi các vị bắn một thanh sắt không được dẫn đường vào không trung, nó sẽ phải rơi xuống một chỗ nào đó".

Trao đổi với trang tin Business Insider, ông Justin Bronk, chuyên gia tác chiến đường không tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng Syria có vẻ đã đánh chặn thất bại cuộc không kích đêm 13-4.

Cụ thể, theo vị chuyên gia, nhìn vào bức ảnh này có thể thấy vệt sáng xuất phát từ các ngọn đồi xung quanh Damascus – thủ đô của Syria. Đây có lẽ là nơi Syria bố trí các trận địa phòng thủ tên lửa.

Tất cả các bức ảnh chụp lại tên lửa đánh chặn đều cho thấy chúng dường như bay theo quỹ đạo đạn đạo – hay nói cách khác là một đường cong liền mạch.

"Quỹ đạo mà tôi quan sát thấy từ đoạn video được cho là ghi lại tên lửa đất-đối-không của Syria không giống như những gì mà tôi trông đợi trong một chiến dịch đánh chặn các tên lửa hành trình bay thấp" – ông Bronk nói - "Tôi không tin vào tuyên bố đánh chặn thành công của Nga/Syria".

Trên thực tế, theo vị chuyên gia, phòng không Syria có vẻ đã "bắn mò". Còn nếu tên lửa được nhắm tới mục tiêu rõ ràng thì chúng dường như đã thất bại trong quá trình cơ động tới các mục tiêu này. Hình ảnh này cho thấy tên lửa hành trình của phía Liên quân có đường bay cực kỳ phức tạp.

Thông thường, tên lửa đánh chặn không bay theo một quỹ đạo cầu vồng mềm mại mà thay vào đó là quỹ đạo xoắn ốc để tìm và chạm nổ với tên lửa mục tiêu.

Nếu phòng không Syria bắn lên sau khi cuộc không kích kết thúc thì đây sẽ là cơ sở giải thích hợp lý cho việc tên lửa đánh chặn không có mục tiêu và bay theo quỹ đạo không bị gián đoạn.

Để so sánh, theo ông Bronk, có thể quan sát quỹ đạo của các tên lửa hành trình Mỹ và đồng minh khi bay tới mục tiêu rồi tưởng tượng xem tên lửa đánh chặn của Syria sẽ phải cơ động như thế nào nếu muốn đón đánh được chúng.

Tuy phía Nga-Syria tiếp tục bác bỏ lập luận trên và cho rằng mình đã giành thắng lợi lớn phá tan cuộc tấn công của Anh-Pháp-Mỹ, nhưng họ lại không đưa ra được bất cứ hình ảnh làm bằng chứng về các tên lửa hành trình bị bắn rơi. Hình ảnh tên lửa Tomahawk bị đánh chặn thành công trước đây. Phần còn lại của tên lửa sau khi rơi xuống đất.

Những mảnh vỡ của tên lửa hành trình Tomahawk còn sót lại sau khi bị đánh chặn thành công trong các cuộc chiến tranh trước đây.

Với 71 quả tên lửa hành trình bị đánh chặn chắc chắn số lượng các mảnh vỡ là rất lớn, mặt khác khu vực tên lửa rơi đều nằm trong tầm kiểm soát của quân đội chính phủ, họ có thể dễ dàng triển khai lực lượng thu gom mảnh vụn làm bằng chứng, vì vậy loại bỏ khả năng Mỹ đã tẩu tán chúng.

Một số ý kiến cho rằng, có thể Nga không dùng các hệ thống đánh chặn để phá hủy tên lửa trên không mà dùng tác chiến điện tử để làm lệch hướng, thậm chí làm cho tên lửa tự rơi. Nếu điều này xảy ra thực, phía Nga-Syria lại càng dễ dàng thu gom các mảnh vỡ tên lửa bị rơi. Một mảnh vỡ của tên lửa Tomahawk bị Syria bắn hạ vào năm 2017

Phần còn lại của tên lửa Tomahawk của Mỹ bị phòng không Syria bắn hạ vào năm 2017

Một số chuyên gia cho rằng, các tên lửa hành trình bị đánh chặn vỡ vụn trên không, cần phải có thời gian để thu gom mảnh vụn, tuy nhiên đã gần một tuần trôi qua mà phía Syria vẫn chưa có bất cứ một bức ảnh nào chụp các mảnh vỡ của tên lửa hành trình bắn từ phía Liên quân.

Syria không có truyền thống công bố các bức ảnh về tên lửa bị đánh chặn khi bắn vào nước họ? Điều này có vẻ không chính xác khi mới đây vào ngày 8-2, phòng không Syria đã công bố hình ảnh mảnh vỡ của tên lửa hành trình thông minh Israel (ảnh) bị bắn hạ đêm 6-2 tại phía Tây của Damascus. Năm ngoái họ cũng công bố hình ảnh mảnh vỡ tên lửa Tomahawk bị họ bắn hạ.

Một lý do khiến giới quan sát đặt câu hỏi nghi ngờ về trình độ tác chiến của phòng không Syria khi họ bị báo động giả và đã bắn 10 quả tên lửa phòng không vào hư không hôm 17-4 vừa qua.

Theo đó Hãng thông tấn nhà nước Syria - SANA cùng cơ quan truyền thông của tổ chức vũ trang Hezbollah đã đưa tin về một vụ tập kích bằng tên lửa của Không quân Israel vào 2 sân bay quân sự Shayrat và Dumayr của nước này.

Báo chí Syria thậm chí còn đưa ra nhận định ban đầu là tên lửa không đối đất siêu âm Sky Sniper của Israel đã được sử dụng, nhưng phòng không Syria đã lập nên chiến công khó tin là bắn hạ toàn bộ 9 mục tiêu.

Đây thực sự là một phát ngôn gây sốc vì các hệ thống vũ khí mà Quân đội Syria đang có trong biên chế bị cho là không đủ khả năng tiêu diệt loại đạn hành trình có tốc độ rất lớn (Mach 3,5) và hoạt động ở độ cao rất thấp như Sky Sniper. 

Nhưng buổi tối cùng ngày, họ đã phải đính chính hệ thống phòng không Buk-M2 khai hỏa vì lỗi hệ thống báo động, vì thực ra đã chẳng có một cuộc tấn công bằng tên lửa nào xảy ra hôm 17-4 nhằm vào Syria.

Giới chuyên gia quân sự cho biết, hệ thống phòng không Syria đã dính phải bẫy tác chiến điện tử từ Israel dẫn đến cảnh báo sai lạc và mất không 10 tên lửa phòng không trên.

Không loại trừ khả năng trong cuộc tấn công ngày 14-4 vừa qua Mỹ cũng đã dùng tác chiến điện tử để đánh lừa hệ thống phòng không Syria. Hoặc cũng có thể họ đã bắn vào những mục giả (MALD).

Theo một số nguồn tin, rất có thể Không quân Mỹ đã dùng tên lửa MALD, phương tiện có nhiệm vụ duy nhất là tạo những tín hiệu giả của máy bay, tên lửa tấn công của Mỹ và đồng minh.

MALD có thể phát tín hiệu phát xạ gây nhiễu làm lẫn lộn các mục tiêu trên không đối với các đài radar phòng không của đối phương và tái tạo chính xác các tín hiệu gây nhiễu từ một máy bay tàng hình cho tới tên lửa hành trình.

Bằng cách đó, nó làm cho các hệ thống phòng không đối phương không phân biệt được các mục tiêu thật giả để có biện pháp can thiệp thích hợp.

Khi đó, các hệ thống phòng không đối phương không thể phân biệt được một số lượng quá lớn mục tiêu, bị quá tải và bị gây nhiễu chủ động.

Với đặc tính trên, có khả năng phòng không Syria đã bị đánh lừa bởi đạn mục tiêu MALD và tập trung trút hết tên lửa vào đó mà bỏ qua Tomahawk hay Scalp EG đang trên đường bay tới mục tiêu.

Cũng có ý kiến phản bác cho rằng, nếu thực sự tên lửa hành trình của Liên quân mang theo đầu đạn 450kg đến trúng đích thì làm sao 103 quả tên lửa lại chỉ gây hại được một vài cơ sở như thế?

Thậm chí theo thông báo từ phía Mỹ cho biết, "Trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa học Barzah" của Syria bị đánh trúng bởi tổng cộng 76 tên lửa, trong đó có 57 quả Tomahawk.

Điều này được giải thích, với những tòa nhà thông thường chỉ cần một vài quả tên lửa là có thể đánh sập, nhưng với những tòa nhà có hệ thống boong ke hầm ngầm kiên cố phía dưới, để phá hủy được hoàn toàn có khi phải dùng tới hàng chục tấn thuốc nổ. 

Rất có thể Mỹ tin rằng bên dưới Trung tâm nghiên cứu hóa học Barzah là hệ thống hầm ngầm kiên cố vì vậy Liên quân đã bắn một số lượng lớn tên lửa vào đây.Trung tâm nghiên cứu này bị phá hủy bình địa sau cuộc tấn công.

Những tuyên bố bất nhất từ phía Nga, những lúng túng từ phía phòng không Syria khi bị tác chiến điện tử, những hình ảnh tàn phá nặng nề từ những mục tiêu bị Liên quân tấn công làm người ta nghi ngờ có thực sự phòng không Syria đã bắn hạ tới 71 tên lửa như Nga công bố không. 

Vả lại tất cả thông tin đánh chặn đều được Nga liệt kê công bố chứ không phải từ chính quân đội Syria cũng làm người ta đặt câu hỏi.

Dù gây ra tàn phá lớn, nhưng việc Mỹ tuyên bố 100% tên lửa của họ trúng đích cũng là điều phi thực tế. Chắc chắn sẽ có những xác xuất bị rơi do lỗi kỹ thuật hoặc bị phòng không bắn hạ.

Có thể số tên lửa bị Syria bắn hạ không lớn như công bố từ phía Nga-Syria, nhưng rõ ràng đã có tên lửa của Liên quân bị bắn rơi, một số hình ảnh video quay lại cho thấy tên lửa phòng không Syria đánh chặn thành công một vài tên lửa Liên quân.

Hình ảnh tên lửa phòng không Syria đánh chặn thành công tên lửa hành trình của Liên quân. Mới đây Syria cho biết họ đã chuyển cho Nga hai tên lửa còn khá nguyên vẹn của Liên quân bị xịt bị tấn công. Giới quan sát đang mong chờ những tấm hình chụp từ hai quả tên lửa này.

Rất có thể trong nay mai phía Nga sẽ đem những hình ảnh tên lửa được Syria chuyển giao để chứng minh điều họ tuyên bố về năng lực phòng không Syria như những gì họ tuyên bố.