[ẢNH] Phòng không Nga-Syria "toát mồ hôi hột" trước nguy cơ đối mặt tên lửa hành trình Đức

ANTD.VN - Nếu Quân đội Đức quyết định tham gia chiến dịch không kích chống lại Syria cùng liên quân Mỹ - Anh - Pháp thì gần như chắc chắn tên lửa hành trình không đối đất Taurus KEDP 350 sẽ được sử dụng.

Ngày 9-9-2018, tờ Bild của Đức đưa tin, Bộ Quốc phòng Đức đang cân nhắc tham gia không kích Syria cùng Anh, Pháp, Mỹ trong trường hợp phát hiện chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

Trong trường hợp quân đội Đức tham gia không kích Syria, khả năng cao nhất là họ sẽ triển khai các máy bay chiến đấu Tornado GR.4 cùng với Eurofighter Typhoon.

Những chiến đấu cơ này chắc chắn sẽ sử dụng tên lửa hành trình tấn công ngoài tầm phòng không điểm Taurus KEDP 350 để oanh tạc các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria.

Phương án triển khai tên lửa hành trình tấn công ngoài tầm phòng không điểm Taurus vừa là cơ hội để Đức giới thiệu tính năng vũ khí do mình sản xuất, lại vừa tránh cho máy bay chiến đấu của mình gặp nguy hiểm khi phải thậm nhập quá sâu vào trong lãnh thổ Syria.

Taurus KEPD 350 là loại tên lửa hành trình không đối đất tầm xa do Taurus Systems GmbH - một công ty liên doanh giữa MBDA Deutschland GmbH (Đức) với Saab Bofors Dynamics (Thụy Điển) hợp tác chế tạo.

Điểm đáng chú ý nhất của Taurus đó là nó được cấu tạo bởi vật liệu hấp thụ sóng radar cùng hình dáng đặc biệt cho khả năng tàng hình rất cao, vượt ngoài khả năng phát hiện và đánh chặn của phòng không đối phương.

Hệ thống dẫn đường của Taurus là sự kết hợp giữa chế độ bay theo quán tính (INS), định vị dựa trên hình ảnh (IBN), đi kèm quan sát toàn cảnh (TRN) và còn kết nối với hệ thống định vị toàn cầu MIL-GPS, cho độ chính xác gần như tuyệt đối.

Tên lửa hành trình không đối đất tầm xa Taurus KEDP 350 có chiều dài 5,1 m; đường kính thân 1,08 m; sải cánh 2,06 m, trọng lượng chiến đấu 1.400 kg.

Động cơ phản lực cánh quạt đẩy Williams P8300-15 giúp tên lửa Taurus đạt tốc độ tối đa Mach 0,95; tầm bắn trên 500 km khi bay bám địa hình ở độ cao chỉ 30 - 40 m.

Đầu đạn trọng lượng 500 kg của Taurus được thiết kế với cơ cấu nổ giữ chậm, tận dụng động năng của tên lửa để xuyên sâu vào trong hầm ngầm, công sự vững chắc rồi mới phát nổ mục đích gia tăng tối đa thiệt hại.

Tính năng tên lửa Taurus KEPD 350 do Đức chế tạo theo đánh giá của các chuyên gia quân sự thì tương đương với AGM-158 JASSM của Mỹ hay Scalp EG/ Storm Shadows trang bị cho chiến đấu cơ của Không quân Anh và Pháp.

Với cơ chế hoạt động có khả năng xuyên phá cao, tên lửa Taurus KEDP 350 dự báo còn có thể gây thiệt hại lớn hơn nhiều cho Quân đội Syria nếu được sử dụng kết hợp cùng BGM-109 Tomahawk hay AGM-158 JASSM.

Hồi tháng 4 năm nay, quân đội Đức đã từ chối tham gia chiến dịch oanh kích do liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành vào phút chót, nhờ vậy mà phòng không Nga - Syria được "thở phào" vì chưa gặp phải một vũ khí rất lợi hại.

Nhưng nay khi Bộ Quốc phòng Đức thông báo lại rằng họ sẽ sẵn sàng phối hợp với Mỹ trong các trận không kích thì chắc chắn sẽ khiến các đơn vị phòng không mặt đất của Syria lẫn Nga phải "toát mồ hôi hột" lo tìm cách đối phó.

Dự báo nếu như Không quân Đức tấn công thì quốc gia khác nằm tận Đông Bắc Á là Triều Tiên cũng sẽ theo dõi sát sao hiệu quả của tên lửa Taurus, vì Không quân Hàn Quốc đã mua số lượng lớn vũ khí này để tích hợp cho tiêm kích F-15K nhằm tiêu diệt hệ thống hầm ngầm của Bình Nhưỡng.