[ẢNH] Philippines cố tình cho tàu mắc cạn tại bãi Trăng Khuyết hay chỉ là sự "non tay"?

ANTD.VN - Việc khinh hạm BRP Gregorio del Pilar (FF-15) của Hải quân Philippines bị mắc cạn tại vùng biển quen thuộc đã dẫn đến nghi ngờ phải chăng họ cố tình thực hiện để đánh dấu chủ quyền?

Bãi Trăng Khuyết thuộc Quần đảo Trường Sa là khu vực bãi đá san hô hiện tại không có sự hiện diện quân đội của bất cứ bên nào.

Vừa qua đã xảy ra một sự cố tương đối tức cười, đó là khinh hạm BRP Gregorio del Pilar (FF-15) của Hải quân Philippines bị mắc cạn tại đây trong một chuyến hải trình thường lệ.

Điều cần lưu ý là Bãi Trăng Khuyết rất gần Philippines, hải quân nước này chẳng lạ gì với khu vực này, cho nên việc để xảy ra sự cố như trên lại càng gây ra nhiều điều thắc mắc.

Trong một "thuyết âm mưu" được đưa ra, đã có ý kiến cho rằng phải chăng Philippines cố tình cho tàu mắc cạn để nhận chủ quyền của mình tại đây?

Nhưng điều này ngay lập tức bị bác bỏ bởi vì ở vị thế của Philippines hiện nay họ sẽ chẳng dại gì gây ra căng thẳng với các nước láng giềng vốn có tiềm lực mạnh hơn rất nhiều.

Đồng thời nếu thực sự có toan tính như trên thì Philippines sẽ phải điều ra đây một con tàu "sắt vụn" chứ không phải là chiếc chiến hạm thuộc hàng lớn và hiện đại nhất của họ.

Sự cố trên được nhiều người đồng tình rằng thực chất chỉ là một lỗi kỹ thuật đơn thuần, thể hiện sự "non tay" của kíp điều khiển con tàu 3.200 tấn này.

Qua sự việc vừa rồi, Hải quân Philippines đã bộc lộ thêm nhược điểm rất nghiêm trọng, đó là chất lượng thủy thủ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu khi vận hành những con tàu cỡ lớn.

Điều này càng trở nên đáng báo động hơn khi sắp tới Hải quân Philippines sẽ được tiếp nhận 2 khinh hạm HDF-3000 đóng tại Hàn Quốc vì điều khiển chiếc chiến hạm tối tân này sẽ phức tạp gấp nhiều lần.

Nhưng điều khiến cho dư luận Philippines "dậy sóng" dữ dội nhất thông qua sự việc trên lại nằm ở một dự định trong tương lai, đó là đầu tư trang bị một hạm đội tàu ngầm.

Tàu ngầm khi hoạt động dưới lòng biển sẽ phải xác định phương hướng hoàn toàn thông qua các loại khí tài và cảm biến tích hợp trên thân chứ chẳng thể nào có góc nhìn rộng như tàu mặt nước.

Bởi vậy mà người Philippines đã có dịp để phàn nàn về chất lượng nguồn nhận lực của mình rằng điều khiển một con tàu nổi ở vùng biển quen thuộc mà còn để mắc cạn thì làm sao lái nổi tàu ngầm.

Điều khiển tàu ngầm là công việc cực kỳ phức tạp và luôn tiềm ẩn rủi ro cao, chỉ một sai sót nhỏ đôi khi cũng gây ra hậu quả to lớn đến mức không thể nào đong đếm nổi.

Cho nên sự kiện vừa qua chính là hồi chuông báo động tới Hải quân Philippines, thúc giục họ phải chú trọng nhiều hơn nữa vào công tác đào tạo thủy thủ trước khi tham vọng trở thành một cường quốc hải quân khu vực.